Sứ mệnh mới của Alaska Land

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết bị bắt, nhiệm vụ tìm kiếm các dự án mới có dấu hiệu được FLC 'trao gửi' cho các thành viên trong 'hệ sinh thái', trong số đó có CTCP Đầu tư Địa ốc Alaska (Alaska Land).
Dự án FLC Garden City của Alaska Land (Ảnh: FLC)
Dự án FLC Garden City của Alaska Land (Ảnh: FLC)

Sự việc khởi tố, bắt tạm giam nhà sáng lập CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) Trịnh Văn Quyết được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động của tập đoàn này.

Với danh tiếng cá nhân, ông Quyết trước đó thường lãnh sứ mệnh "gương mặt đại diện" cho FLC trong các hoạt động xúc tiến đầu tư quan trọng, đặc biệt là trong các cuộc gặp gỡ, làm việc với các lãnh đạo địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng quỹ đất.

Người ta vẫn hay nhắc lại "văn hoá 5 không của FLC" mà ông Trịnh Văn Quyết tuyên ngôn công khai ở một hội thảo. Gần đây, sau biến cố khởi tố, nhiều diễn đàn lại chia sẻ lại clip ghi đoạn tuyên ngôn này.

"Từ mô hình đầu tư vào Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ninh…, FLC đúc kết ra văn hóa "5 không" trong đầu tư, để đảm bảo dự án phát triển bền vững, để doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình, để cho thấy quá trình hoạt động minh bạch và không lợi ích nhóm:

1. Không xin dự án, phải được mời mới đầu tư, không mời nhất định không đầu tư.

2. Không mua lại dự án. Nếu về với bất kỳ tỉnh nào, nếu FLC phải mua lại dự án nào đó thì nhất định không mua.

3. Không làm chung ở bất cứ dự án nào.

4. Không làm nhỏ. Đến với bất cứ tỉnh nào FLC đều muốn làm nhà đầu tư chiến lược: đầu tư 3 - 5 dự án, hoặc những dự án rất lớn. Nếu tỉnh phát hiện FLC không làm thì FLC sẵn sàng trả lại dự án.

5. Không làm lâu, địa phương cứ giao mặt bằng sạch xong là FLC làm ngay. Ví dụ, đầu tư vào Thanh Hóa FLC chỉ mất 9 tháng, giải ngân 5.500 tỷ đồng trên một bãi sình lầy, vừa hút, vừa thi công, ép cọc... Đối với Quy Nhơn trên diện tích 1.400 ha, FLC thi công 11 tháng trong đó làm sân golf trong 5 tháng", một tờ báo từng dẫn.

Tuy nhiên, sau khi nhà sáng lập FLC vướng vòng lao lý, nhiều địa phương đã tiến hành thu hồi một loạt các dự án mà FLC đang xúc tiến triển khai.

Trong đó, có thể kể tới các dự án như: Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long (quy mô 287ha, tổng vốn đầu tư 2.300 tỉ đồng) tại Thanh Hóa; chủ trương khảo sát, nghiên cứu dự án Nông nghiệp Công nghệ cao FAM – Kon Tum (155ha) và dự án Tổ hợp sân gôn, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Măng Đen (667ha) tại tỉnh Kon Tum.

Biến cố của người đứng đầu, dĩ nhiên, sẽ giáng một đòn khủng khiếp vào đà phát triển với bất kỳ tổ chức nào. Nhưng với một tổ chức đã được hình thành, trưởng thành, trải qua nhiều thử thách và ít nhiều đã vươn tầm đế chế như FLC, sự kiện của ông Trịnh Văn Quyết sẽ chưa thể là hồi kết cho tập đoàn.

"Tập đoàn FLC không phải là chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Vụ việc không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn" - FLC thông cáo hậu vụ việc khởi tố ông Quyết.

Ghi nhận của VietTimes cho thấy, FLC hiện vẫn đang tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, dù không rùm beng hay trống dong cờ mở như trước. Có tín hiệu cho thấy nhiệm vụ tìm kiếm các dự án mới được FLC 'trao gửi' cho các công ty thành viên trong 'hệ sinh thái'. Có thể kể đến như CTCP Đầu tư Địa ốc Alaska (Alaska Land).

Theo nguồn tin của VietTimes, Alaska Land vừa trở thành nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án số 2 Khu đô thị Hồ Tuổi Trẻ, Tp Sơn La, quy mô 7,2ha, tổng chi phí đầu tư là 295,9 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, GPMB).

Sứ mệnh mới của Alaska Land

Thành lập tháng 8/2009, Alaska Land là chủ đầu tư dự án Alaska Garden City tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Tp Hà Nội, quy mô gần 7,9ha, tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, gồm 4 tòa nhà chung cư (25 – 30 tầng), 20 căn biệt thự, 225 căn nhà ở liền kề và một số hạng mục khác.

Sau khi được FLC mua lại, dự án khu đô thị tại phường Đại Mỗ của Alaska Land được đổi tên thành FLC Garden City. Trong năm 2020, dự án này đã đóng góp hơn 105 tỉ đồng vào tổng doanh thu mảng kinh doanh bất động sản của FLC.

Alaska Land về 'chung nhà' với FLC từ nửa cuối năm 2013. Theo phương án được HĐQT FLC thông qua hồi tháng 8/2013, tập đoàn này sẽ nhận chuyển nhượng 2,97 triệu cổ phần, chiếm 99% vốn điều lệ Alaska Land.

Tuy nhiên, sau khi thương vụ hoàn tất, tỉ lệ sở hữu của FLC tại Alaska Land chỉ là 29,7% vốn điều lệ. Lý do là vì Alaska Land đã tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 1.000 tỉ đồng.

Sau nhiều lần điều chỉnh vốn góp, tính đến cuối quý 1/2022, khoản đầu tư của FLC vào Alaska Land có giá gốc 487 tỉ đồng, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 74,7% vốn điều lệ.

Không chỉ FLC, như VietTimes từng đề cập, năm 2020, CTCP Quản lý Quỹ Hợp Lực (UniCap) – đơn vị từng định giá FLC 9 tỉ USD – đã rót 7 tỉ đồng để mua vào 70.000 cổ phần của Alaska Land.

Đến tháng 12/2021, UniCap đã bán ra 25.000 cổ phần Alaska Land với mức giá lên tới 350.000 đồng/cp, ghi nhận khoản lãi đột biến 6,25 tỉ đồng.

Với lịch sử gắn bó nhiều năm với FLC, không lạ khi những chức vụ cấp cao ở Alaska Land cũng do các cộng sự một thời của ông Trịnh Văn Quyết đảm nhiệm.

Được biết, bà Hương Trần Kiều Dung cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Alaska Land trong nhiều năm liền. Tới tháng 8/2018, bà Dung đã nhường lại vị trí này cho ông Lê Văn Sắc (SN 1949).

Ông Sắc là cựu thành viên Ban kiểm soát FLC. Hiện ông đang là Thành viên HĐQT CTCP Nông dược H.A.I (Mã CK: HAI), Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV FLC Land (FLC Land)./.