Sự kì vọng của bố mẹ liệu có phải là stress cho con trong mùa thi?

VietTimes – Những kỳ vọng của cha mẹ trong mỗi kỳ thi sẽ mang đến sự khích lệ, động viên, hay trở thành áp lực cho con cái? Bài viết dưới đây của PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội, một chuyên gia hàng đầu về sức khỏe tâm thần - hy vọng sẽ giúp các phụ huynh hiểu đúng về vấn đề này, để song hành cùng con trong mỗi ngày thi.
Ở một phòng thi trên địa bàn Hà Nội (ảnh: Minh Thúy)
Ở một phòng thi trên địa bàn Hà Nội (ảnh: Minh Thúy)

Stress là gì

Stress là một thuật ngữ tiếng Anh dùng trong vật lý để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Đến thế kỷ 17: dùng cho người với ý nghĩa một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào con người gây ra phản ứng căng thẳng.

Hiện nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi từ y học, tâm lý, xã hội, văn hóa... Tuy nhiên nhiều tác giả sử dụng với những sắc thái khác nhau.

Theo J. Delay “ stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn của cơ thể buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với tình huống đang đe dọa”. Trong khái niệm này Stress bao gồm: 1)Tình huống stress dùng để chỉ tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra stress. 2) Đáp ứng stress dùng để chỉ trạng thái phản ứng với stress. Đáp ứng gồm 3 giai đoạn: a)Báo động, b)Kháng cự thích nghi, c) Suy kiệt, bệnh lý.

Những kì vọng thường gặp của bố mẹ với con cái.

Trong xã hội hiện đại, con cái đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ và gia đình. Hầu hết các bậc cha mẹ đều cố gắng giành những điều tốt đẹp nhất có thể cho con với những hy vọng và mong muốn khác nhau. Những kì vọng của bố mẹ lên con cái rất khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố và hoàn cảnh khác nhau. Theo xu hướng chung, cha mẹ mong con cái luôn được khỏe mạnh, hạnh phúc, tự lập, có khả năng tránh được những điều xấu, tìm kiếm được một người bạn đời hoàn hảo, thành công trong công việc và sự nghiệp, có trình độ học vấn cao…

Lợi ích của sự kì vọng của bố mẹ với con cái

Những sự kì vọng này thể hiện tình cảm, sự quan tâm và mong mỏi của cha mẹ đối với con cái. Các phụ huynh đặt niềm tin, sự hy vọng của mình vào tương lai con em. Sự mong mỏi hợp lý của cha mẹ là động lực cho các em cố gắng phấn đấu và hoàn thiện bản thân. Có nhiều bậc phụ huynh gửi gắm những mơ ước, những điều mà bản thân mình chưa thực hiện được vào những kì vọng với con cái. Một ví dụ điển hình: trong buổi sinh hoạt đầu khóa Trường Đại học Y Hà Nội, khi được hỏi lý do vì sao em chọn trở thành một bác sỹ. đã có nhiều em trả lời thực hiện nguyện vọng, định hướng của bố mẹ. các em được nuôi dưỡng tinh thần từ nhỏ với những ước mơ, những khát khao tích cực, ngày qua ngày tạo cho các em niềm đam mê, động lực để hiện thực hóa những giấc mơ của cha mẹ.

Kiểm tra trước giờ vào phòng thi (ảnh: Minh Thúy)
Kiểm tra trước giờ vào phòng thi (ảnh: Minh Thúy)

1 vài nguyên nhân kì vọng của cha mẹ gây ra stress

Mặc dù vậy, sự kì vọng của cha mẹ vô hình chung cũng tạo áp lực cho con cái. Hiện nay nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nhân ra sự mong mỏi quá lớn của mình đã gián tiếp gây khó khăn cho những đứa trẻ mình hết mực yêu thương. Họ vẫn không ngừng áp đặt cho con những mục tiêu lớn lao, không phù hợp và khiến cho con mình khổ sở vì điều đó.

 Đôi khi cha mẹ không ước tính chính xác được năng lực thưc tế của trẻ, do đó họ thường mong muốn trẻ làm những điều mà chúng chưa thể làm được, sau đó phán xét và trừng phạt chúng theo kì vọng đó.

Đưa ra những mục tiêu theo độ tuổi đôi khi là thủ phạm. như chúng ta đã biết, trẻ em phát triển rất khác nhau: một đứa trẻ biết đi xe 2 bánh đầu tiên nhưng có thể sẽ là người cuối cùng trong lớp biết đọc.  trong khi đó phụ huynh có suy nghĩ chủ quan, đưa ra thang đánh giá hoặc quan điểm dựa trên một mẫu nhỏ hoăc kinh nghiệm cá nhân. Khi trẻ em không đáp ứng tiêu chuẩn theo thang đánh giá được “cá nhân hóa” của bố mẹ, trẻ có thể sẽ bị gò ép hoặc trừng phat.

Phụ huynh đưa ra những kì vọng không phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, với tính cách của con cái. Nhiều bậc cha mẹ mong mỏi con cái trở thành những người tài giỏi, làm bác sỹ, kĩ sư; tuy nhiên giấc mơ của con cái họ lại muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch được tự do khám phá những vùng đất mới. Sự mâu thuẫn đó cũng gây nên những áp lực không nhỏ với trẻ em vì con trẻ phải thuyết phục, đấu tranh với cha mẹ để được theo đuổi đam mê của chính mình. Có những trường hợp không may mắn, khi trẻ em khiên cưỡng thực hiện những kì vọng của bố mẹ, kết quả cũng không như ý muốn.

Hậu quả

ảnh hưởng đầu tiên đối với con cái là áp lực về tinh thần. trẻ luôn cảm thấy ngột ngạt trong những kì vọng quá lớn lao.

Trước những mong mỏi không phù hợp, trẻ dần xuất hiện những cảm xúc tiêu cưc như tự ti, giảm lòng tự trọng. Trẻ dần trở nên nhút nhát trước đám đông, không dám thể hiện bản thân.

Trẻ có thể xuất hiện những hành vi chống đối, đi ngược lại những mong muốn của cha mẹ khi thấy những kì vọng không thích hợp.

Tạo khoảng cách trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi không tìm được tiếng nói chung, có thể dẫn đến bất đồng trong mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội.

Một số trường hợp, trẻ có thể mắc một số rối loạn tâm thần nếu không được động viên, can thiệp kịp thời như trầm cảm, lo âu, rối loạn bướng bỉnh chống đối…

Khuyến nghị

Có nhà triết học đã nói “ngọn lửa trái tim làm bùng cháy ngọn lửa trí tuệ”. Hãy để con trẻ được theo đuổi và thực hiện đam mê của chính mình. Các bậc phụ huynh sẽ là người đồng hành lý tưởng động viên, cổ vũ và định hướng con em mình.

Sự kì vọng sẽ có tác dụng khi cha mẹ hiểu được năng lực, tính cách và nguyện vọng của con cái để cùng con đưa ra những mục tiêu phù hợp.