Sự bùng nổ phương thức mua sắm "mua trước, trả sau" và những rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi thói quen mua sắm và thanh toán của nhiều người tiêu dùng. Để cung cấp phương thức thanh toán đơn giản và linh hoạt, một số công ty đã tung ra nền tảng thanh toán "mua trước, trả sau".

Buy Now, Pay Later (BNPL) đang trở thành xu thế tiêu dùng được giới trẻ yêu thích (Ảnh: opportunityindia).
Buy Now, Pay Later (BNPL) đang trở thành xu thế tiêu dùng được giới trẻ yêu thích (Ảnh: opportunityindia).

Công ty cung cấp nền tảng "mua trước, trả sau" (Buy Now Pay Later, BNPL) cho phép khách mua hàng trả góp sau, không tính lãi cho khách hàng. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ phí khách hàng và phí trả nợ quá hạn. Với việc ngày càng có nhiều người sử dụng mô hình thanh toán mới nổi này, nhiều nền tảng thanh toán và công ty dịch vụ tài chính đang gấp rút tung ra dịch vụ BNPL như Affirm, Afterpay, Hoolah, Klarna, Quadpay...thu hút số lượng lớn người dùng.

BNPL hiện khá phổ biến ở các nước. Nhiều người tiêu dùng trẻ có ham muốn mua sắm mãnh liệt nhưng lại không có đủ tiền để thanh toán hóa đơn, bởi vậy họ thích trả góp thông qua dịch vụ BNPL. Với việc hóa đơn được chia ra, khi thanh toán những khoản tiền nhỏ, họ cảm thấy mình đang chi tiêu ít hơn.

Một cuộc khảo sát của Cardify cho thấy gần một nửa số người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn 10% đến 20% khi sử dụng phương thức BNPL so với sử dụng thẻ tín dụng. Mặc dù các nhà bán lẻ cần phải trả phí cho nền tảng BNPL, nhưng họ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ doanh số bán hàng và số lượng khách hàng tăng lên.

Ưu điểm lớn nhất của nền tảng BNPL là không cần thẻ tín dụng, thủ tục và việc đăng ký đơn giản hơn so với thẻ tín dụng. Sinh viên không có thu nhập cố định hoặc những người không thể đăng ký thẻ tín dụng đều có thể sử dụng được, mức phạt quá hạn, phí hoặc lãi chậm trả nhìn chung cũng thấp hơn thẻ tín dụng. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng của thẻ tín dụng cao hơn hạn mức tiêu dùng BNPL, thời gian trả nợ có thể lên tới 60 tháng, dài hơn mức 3-4 tháng của BNPL.

App Klarna.jpg
App Klarna dễ sử dụng, phổ biến ở châu Âu (Ảnh: Klarna).

Những công ty tiên phong

Công ty công nghệ tài chính Thụy Điển Klarna đi đầu trong xu hướng BNPL, cung cấp cho khách hàng 3 phương thức thanh toán: 4 đợt (Pay in 4), 30 ngày (Pay in 30 days) và Chia đợt trả góp 6-36 tháng (6-36 month financing). Ngoài ra, nó còn có hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) chấm điểm rủi ro để xác định tỷ lệ vỡ nợ của người tiêu dùng rồi quyết định có phê duyệt giao dịch hay không.

Klarna hiện có 90 triệu người dùng tích cực và hơn 250.000 thương nhân hợp tác tại 17 quốc gia trên thế giới. Các thương hiệu hợp tác nổi tiếng của Klarna gồm có Adidas, ASOS, Etsy, H&M, Macy's, Nike, Sephora, Spotify...

Phuong thuc BNPL dang ngay cang pho bien.jpg
Phương thức mua sắm BNPL đơn giản, thuận tiện, đang trở thành trào lưu
trong giới trẻ (Ảnh: innopreneur).

Ở châu Á, Hoolah, có trụ sở tại Singapore, gia nhập thị trường Hong Kong vào năm 2020. Dịch vụ BNPL của họ cho phép khách hàng chia hóa đơn thành 3 kỳ thanh toán không lãi suất, trả ngay một phần ba và trả hết số dư sau một tháng và hai tháng mà không phải trả thêm phí. Hoolah sẽ trả trước toàn bộ số tiền cho người bán hàng theo giao dịch và người bán hàng không cần lo lắng về tiến độ thanh toán.

Cơ chế ra quyết định rủi ro của Hoolah có thể đánh giá tình trạng tài chính và mục đích tiêu dùng của người dùng trong thời gian thực và xác định xem có chấp nhận giao dịch hay không. Nền tảng này cũng có giới hạn tiêu dùng, giới hạn này sẽ được điều chỉnh dựa trên hồ sơ trả nợ và thời gian sử dụng của người dùng. Các đối tác thương mại với Hoolah gồm có YOHO, FITLAB, Go24 Fitness, Urban Coffee Roaster, Zenyum...

BNPL dang duoc ua chuong.jpg
BNPL sẽ trở thành xu hướng của giới trẻ (Ảnh: shutterstock).

Xu hướng mới của giới trẻ?

Việc BNPL có trở nên phổ biến hay không còn phụ thuộc vào thói quen sử dụng thẻ tín dụng của người tiêu dùng. Ở Mỹ, chỉ có khoảng 50% Gen Z sở hữu thẻ tín dụng và mạng xã hội địa phương thường khuyến khích chủ nghĩa tiêu dùng, khiến BNPL trở nên phổ biến đối với lớp người tiêu dùng trẻ tuổi.

Ở Hong Kong, hơn 90% Gen Z có thẻ tín dụng và việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán đã trở thành thói quen của họ, do đó, tốc độ chấp nhận BNPL chậm hơn so với nước ngoài, nhưng nhu cầu vẫn có.

Grantit ủy quyền Nielsen nghiên cứu hành vi thanh toán của người tiêu dùng đã mời 310 cư dân Hong Kong từ 18 đến 35 tuổi thực hiện một cuộc khảo sát. 59% số người được hỏi cho biết họ sẽ cân nhắc sử dụng phương thức thanh toán mới "trả góp không cần thẻ tín dụng" và 62% số người được hỏi nói gặp khó khăn với việc kiểm tra tín dụng khi đăng ký dịch vụ thanh toán mới.

Nhìn chung, BNPL là phương thức thanh toán linh hoạt, ít rào cản tài chính cho người tiêu dùng, khách hàng sẽ mua sắm không cần đắn đo, giúp tăng doanh số bán hàng cho người bán. Người bán có thể sử dụng điều này để mở rộng cơ sở khách hàng của mình, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ.

Canh bao cua BIS ve rui ro cua BNPL.png
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo rủi ro của BNPL (Ảnh: Guancha)

Còn nhiều rủi ro

Tuy nhiên, ngày 4/12, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã công bố một nghiên cứu về mô hình tiêu dùng BNPL.

Trong báo cáo, BIS cho biết: “Do một số lượng lớn người thu nhập thấp và tín dụng thấp ở Mỹ sử dụng BNPL, có những bằng chứng cho thấy rủi ro BNPL là đặc biệt lớn (particularly risky).”

Mô hình BNPL cũng khiến mức nợ của các nhóm thu nhập thấp nhất tiếp tục tích lũy. Tuy nhiên, tổng số nợ chưa trả được tích lũy bởi BNPL vẫn chưa được đặt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý, giám sát tài chính truyền thống.

Điều đáng chú ý là ngoài số nợ khổng lồ tích lũy do BNPL, số dư tiêu dùng thẻ tín dụng và lãi suất quá hạn của người Mỹ cũng đạt mức cao kỷ lục. Với việc Fed nâng lãi suất, nếu năng lực chi trả của người tiêu dùng có vấn đề, sẽ không chỉ tạo ra rủi ro tài chính lớn mà còn gây ra hiệu ứng cánh bướm, tạo ra sự bất ổn lớn cho nền kinh tế Mỹ.

Mặt khác, phương thức BNPL có những đặc điểm cho vay nặng lãi nhất định nhưng nhóm người dùng lại biết rất ít về nó. Khi xem xét cụ thể thành phần của nhóm người BNPL ở Mỹ, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhận thấy rằng số này chủ yếu tập trung ở những người dưới 35 tuổi, trong đó thế hệ Millennials và Gen Z là chủ đạo. Nhiều người trong số họ không có thẻ tín dụng, biết rất ít về các quy tắc mua trước, trả tiền sau.

Đồng thời, BIS cũng phát hiện ra rằng những người ở Mỹ sử dụng hình thức BNPL có tỷ lệ vỡ nợ gần 20%, không chỉ cao hơn nhiều so với những người không sử dụng BNPL mà cũng cao hơn đáng kể tỷ lệ người thẻ tín dụng vỡ nợ.

Theo Innopreneur, Guancha