Quan điểm này được bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 11/2022 với chủ đề “Thách thức và kiên nhẫn”.
Theo SSI Research, trong tháng 10, các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn hiện hữu như xu hướng tăng của tỷ giá và lãi suất. Các sự kiện liên quan đến việc xử lý vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và động thái nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tuần cuối tháng cũng khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
Cụ thể, một loạt các nhóm ngành tiếp tục đẩy mạnh đà giảm từ tháng trước. Nhóm bất động sản giảm 13,8% với lo ngại liên quan đến khả năng thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Nhóm nguyên vật liệu giảm 22,4% do tác động từ kết quả kinh doanh quý 3 yếu kém.
Năng lượng, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghiệp cũng là ba nhóm ngành giảm rất mạnh, lần lượt ở mức 14,3%, 13,2% và 16,2%. Nhóm tài chính giảm 9,9% và nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu giảm 4,7%.
Thị trường bước đầu vào giai đoạn dò đáy
Theo thống kê của SSI Research, TTCK Việt Nam với đại diện là chỉ số VN-Index đã giảm 31,3% điểm số kể từ đầu năm 2022 và mức giảm của hệ số P/E ước tính năm 2022 của chỉ số VN-Index cũng tương đương ở mức 31,4%.
Mức chiết khấu này đã phản ánh phần lớn xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao.
Theo SSI Research, diễn biến của TTCK trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán.
“Thông thường tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của các yếu tố như tỷ giá, xu hướng tăng của lãi suất và kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường TPDN chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững”, SSI Research nhận định.
Với diễn biến ngắn hạn của thị trường sắp tới, trong tháng 11/2022, SSI Research đánh giá vùng hỗ trợ 1.000 điểm sẽ tiếp tục quyết định xu hướng vận động của chỉ số.
Nếu giữ vững vùng hỗ trợ này, đà hồi phục trên VN-Index sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu đầu tiên là 1.040 điểm. Trong kịch bản ngược lại, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định các vùng hỗ trợ gần là 968 – 950 điểm.
Với các giao dịch ngắn hạn, SSI Research cho rằng việc tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mới nên chờ đợi thị trường xác nhận xu hướng rõ ràng, hoặc là quay lại xu hướng tăng ngắn hạn hoặc xu hướng đi ngang.
Dòng tiền ETF và chủ động tăng tốc giải ngân
Trong tháng 10/2022, nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỉ đồng), VFM VN30 (+566 tỉ đồng), VanEck (+516 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỉ đồng trong tháng 10.
Ngược lại, giá trị rút ròng ghi nhận không đáng kể ở một số quỹ như VNFIN Lead (-92 tỉ đồng), FTSE Vietnam (-20 tỉ đồng), Global X (-31 tỉ đồng).
Dòng vốn ETF vào ròng cao thứ 2 trong năm |
SSI Research đánh giá, tháng 10 là một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỉ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022 (chỉ sau tháng 5). Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỉ đồng.
Mặc dù các quỹ chủ động giải ngân thận trọng hơn so với các quỹ ETF, song xu hướng tích cực vẫn là chủ đạo trong tháng 10, đặc biệt tập trung vào giai đoạn cuối tháng. Tổng giá trị vào ròng ghi nhận gần 700 tỉ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng trong 10 tháng đầu năm, chỉ còn hơn 1.300 tỉ đồng.
Dòng tiền chủ động giải ngân tích cực |
Theo SSI Research, khối ngoại đã tích cực mua ròng vào các nhóm ngành có nền tảng cơ bản, triển vọng tích cực nhưng định giá có phần bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến thị trường như bán lẻ hàng thiết yếu (VNM, MSN), bất động sản khu công nghiệp (IDC) và ngân hàng (VCB).
Ngược lại, các nhóm ngành ngược chu kỳ như thép hay bất động sản đều ghi nhận mức bán ròng mạnh trong tháng. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022 (loại trừ các giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB), khối ngoại đã mua ròng hơn 4.600 tỉ đồng.
SSI Research đánh giá diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam trong tháng 10 tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng. Các biến số vĩ mô trong ngắn và trung hạn (từ 3-6 tháng tới) đang cho thấy những thách thức lớn trong việc điều hành của Chính phủ và NHNN nhằm duy trì một môi trường vĩ mô ổn định.
Nhóm phân tích cho rằng, những bước đi chính sách tiếp theo mang tính chất tiếp tục siết chặt hay hỗ trợ các điều kiện tài chính trên thị trường sẽ là yếu tố ảnh hướng tới quyết định lựa chọn đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở thời điểm hiện tại, SSI Research đánh giá kỳ vọng tích cực của TTCK Việt Nam trong dài hạn vẫn tương đối lớn và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, nhóm phân tích quan ngại rằng dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam trong trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần./.