|
Ban nhạc Moranbong, gồm toàn các thành viên nữ do nhà lãnh đạo Kim lựa chọn, và dàn nhạc nhà nước rời Trung Quốc hôm 12/12 chỉ vài giờ trước buổi trình diễn chỉ có khách mời tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia ở Bắc Kinh, kết thúc sớm chiêu “ngoại giao Spice Girls” của Triều Tiên.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính phủ Trung Quốc nói rằng lãnh đạo Triều Tiên ban đầu mong đợi ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đến dự, nhưng sau đó rất tức giận khi biết chỉ có một ủy viên Bộ Chính trị tới.
Buổi biểu diễn được coi là dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai nước. Nhưng Bắc Kinh hạ cấp lãnh đạo tham dự vào ngày mà ban nhạc Moranbong vừa đến Bắc Kinh và cũng là ngày lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố các nhà khoa học của họ chế tạo thành công bom nhiệt hạch.
Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên giờ đã trở thành “một nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân hùng mạnh, sẵn sàng kích hoạt bom nguyên tử và bom nhiệt hạch tự phát triển” bị Mỹ và Hàn Quốc coi là nói quá. Nhưng có vẻ điều này khiến Bắc Kinh giận dữ và muốn thể hiện rõ sự không bằng lòng đó. Khi nhận được tin chỉ có các quan chức cấp thấp hơn dự buổi biểu diễn, Bình Nhưỡng ngay lập tức yêu cầu ban nhạc về nước. “Chỉ có ông Kim Jong-un có quyền ra lệnh thực hiện việc đột ngột như vậy”, báo Anh The Telegraph dẫn lời GS Toshimitsu Shigemura ở Đại học Waseda tại Tokyo và cũng là chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên. “Ông ấy rất giận dữ vì sự khước từ công khai này. Nhưng tôi cũng hiểu rằng ông Kim dùng buổi biểu diễn để đàm phán một chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh. Nhưng phía Trung Quốc khước từ đề xuất đó và khiến ông Kim càng giận dữ hơn”, GS Shigemura nói.
Báo chí nhà nước Triều Tiên và Trung Quốc không bình luận gì về lý do hoãn buổi trình diễn. Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua chỉ nói rằng “các vấn đề liên lạc ở cấp chuyên gia” đã dẫn đến quyết định này. “Trung Quốc chú trọng đến các hoạt động giao lưu văn hóa với Triều Tiên, và sẵn sàng tiếp tục hợp tác để thúc đẩy giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực khác”, tin của Xinhua viết, và không nói gì thêm.
Cho dù giới chức hai nước nói rằng hai bên sẽ tiếp tục các hoạt động giao lưu, nhưng giới quan sát nhận định việc hủy buổi diễn cho thấy quan hệ song phương đang xấu đi. GS Sun Xingjie ở Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, cho rằng nếu buổi biểu diễn diễn ra như dự kiến thì đó là dấu hiệu quan hệ hai bên ấm lên và ngược lại.
“Những buổi biểu diễn của các nhóm Triều Tiên không bao giờ là hoạt động văn hóa đơn thuận. Lãnh đạo cấp cao ít nhất ở cấp Ban thường vụ Bộ chính trị cần có mặt. Điều đó thể hiện sự tin cậy chính trị lẫn nhau giữa hai nước”, ông Sun nói. “Thông báo của Xinhua cho thấy Bắc Kinh muốn nhấn mạnh đây chỉ là giao lưu văn hóa định kỳ, và do đó họ cử quan chức cấp thấp đến để giảm nhẹ ý nghĩa của nó. Rõ ràng Triều Tiên không đồng ý với quan điểm này”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời GS Sun.
Nhà nghiên cứu Cui Zhiying ở Đại học Tongji tại Thượng Hải cho rằng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đi ngược với nỗ lực của Trung Quốc về một bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân. Và việc lãnh đạo nhà nước Trung Quốc dự buổi biểu diễn sẽ được hiểu là Bắc Kinh dung túng, nếu không nói là ủng hộ, chương trình hạt nhân của Triều Tiên – ngược lại với quan điểm chính thức của họ.
Những yếu tố khác đằng sau việc Bình Nhưỡng đột ngột gọi ban nhạc nổi tiếng với những bài hát tuyên truyền như Những cô gái dệt lụa (Nyongbyon) và Cờ đỏ tung bay về có thể do yêu cầu của Trung Quốc rằng ban nhạc phải giảm bớt những bài hát ca ngợi ba thế hệ trong gia đình họ Kim đã lãnh đạo Triều Tiên hơn nửa thế kỷ qua, South China Morning Post đưa tin.
Theo Tiền Phong