Vì sao Bắc Kinh chủ động chìa cành ô liu
Nhân dịp Đảng lao động Triều Tiên kỷ niệm 70 năm thành lập, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc bắt đầu phát đi tín hiệu hữu hảo nhằm cải thiện mối quan hệ hai nước. Ngày 9-10, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi điện mừng cho nhà lãnh đạo, bí thư thứ nhất Đảng lao động Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời lần đầu tiên nhắc đến ông Kim Jong-un trong điện mừng.
Cùng ngày, ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc - nhân vật quyền lực thứ 5 trong Đảng cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn đã đích thân dẫn đầu đoàn đại biểu sang thăm Bình Nhưỡng trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày. Có thể nói, Trung Quốc tỏ ra vừa tích cực vừa chủ động trong dịp Triều Tiên kỷ niệm ngày thành lập đảng lần này. Tuy nhiên, điều này có giúp mối quan hệ Trung - Triều vốn đã đóng băng đã lâu trở nên nồng ấm hơn, vẫn cần có thời gian để quan sát.
Đứng trước sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ động "lấy lòng" ông Kim Jong-un lần này, rất nhiều nhà phân tích cho rằng có ý nghĩa tích cực. So với bức điện chỉ có vài dòng ngắn ngủi, không hề nhắc tới mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và Triều Tiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi tới Bắc Kinh nhân dịp 66 năm quốc khánh Trung Quốc mới đây có thể nói là đầy thiện chí.
Trong bức điện mừng năm nay, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình nhắc tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và viết rằng: "Vài năm gần đây, đồng chí bí thư thứ nhất Kim Jong-un kế thừa chí hướng của chủ tịch Kim Nhật Thành và tổng bí thư Kim Chính Nhật, lãnh đạo Đảng lao động Triều Tiên và nhân dân Triều Tiên, đạt được những tiến triển tích cực trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Chân thành chúc mừng nhân dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Bí thư thứ nhất Kim Jong-un, không ngừng đạt được thành tự lớn hơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Triều Tiên". Ở cuối bức điện, ông Tập còn "chân thành chúc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên phồn vinh phát triển, mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên đời đời bền vững".
Trung Quốc đưa "giấy chứng nhận" công nhận vị thế của Kim Jong-un
Theo Đa chiều, cùng với việc quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không ngừng được củng cố, Trung Quốc đã kết thúc giai đoạn đứng ngoài thờ ơ trước cục diện chính trị của Triều Tiên, hay nói cách khác Bắc Kinh đang định nghĩa lại mối quan hệ Trung - Triều, và điện mừng của Tổng bí thư Trung Quốc chính là tấm "giấy chứng nhận" đối với vị thế và quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Những thay đổi của Trung Quốc như cử đoàn đại biểu cấp cao do ủy viên thường vụ Bộ chính trị Lưu Vân Sơn dẫn đầu sang Triều Tiên chúc mừng quốc khánh 4 ngày, mang theo cả thư tay của Tổng bí thư Tập Cận Bình gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cộng với thái độ một số tờ báo lớn của Trung Quốc từ chỉ trích, cười nhạo Triều TIên chuyển sang khẳng định chế độ chính trị của quốc gia này đều cho thấy Trung Quốc mong muốn mối quan hệ hai nước có thể thoát khỏi cục diện đóng băng như hiện nay và nhanh chóng quay về với quỹ đạo bình thường.
Thực tế cho thấy, lần này Trung Quốc xuống thang trước Triều Tiên có bối cảnh khá phức tạp. Vài năm gần đây, giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh tồn tại sự bất đồng nghiêm trọng xung quanh vấn đề hạt nhân, cộng với việc mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng thân mật hơn, những yếu tố này đều khiến cho quan hệ Trung - Triều trở nên xa cách, đặc biệt kể từ khi lên nắm quyền tới nay, thế hệ lãnh đạo thứ ba của Triều Tiên là ông Kim Jong-un luôn đi theo lộ trình "mỉm cười với thế giới, phớt lờ với Trung Quốc", áp dụng chính sách đẩy Trung Quốc ra rìa, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng công khai hóa, mối quan hệ hai nước xấu đi trông thấy.
Tuy nhiên, Trung Quốc biết rõ nếu cứ để mặc cho quan hệ hai nước xấu đi theo đà này, đều không có lợi cho cả hai, không những không phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc tại khu vực Đông Bắc Á và Châu Á - Thái Bình Dương, mà còn rất có khả năng sẽ để Triều Tiên biến thành "kẻ gây rắc rối khó chịu". Do đó, Trung Quốc chủ động xuống thang trước Kim Jong-un là một sự lựa chọn rất thực tế, giúp Trung Quốc được nhiều hơn mất.
Kim Jong-un: Miệng cười giấu dao
Đa chiều đưa ra câu hỏi: Liệu mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có được cải thiện sau sự kiện nay hay không? Có thể nói, điều này còn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vì thể chế của Triều Tiên là thể chế tập quyền, với vai trò là nhà lãnh đạo tối cao, ông Kim Jong-un nắm trong tay quyền lực tối cao trong nội chính và ngoại giao Triều Tiên.
Nhìn bề ngoài, không những nhà lãnh đạo này tỏ ra hết sức vui mừng, hồ hởi ôm hôn 3 lần ủy viên thường vụ Bộ chính trị Lưu Vân Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang chúc mừng quốc khánh Triều Tiên, trong quá trình hội đàm với ông Lưu Vân Sơn còn ca ngợi Trung Quốc, đồng thời trong buổi lễ duyệt binh cũng không hề nhắc tới vấn đề thử nghiệm hạt nhân và phóng vệ tinh.
Điều này cũng được một số nhà quan sát bên ngoài cho là "thực sự nể mặt Trung Quốc". Đương nhiên, cũng có nhà phân tích cho rằng đây chỉ là kế hoãn binh khéo léo của ông Kim Jong-un mà thôi. Hình thức ngoại giao nhiệt tình lễ nghi giữa Trung Quốc và Triều Tiên vừa không thể che giấu, và cũng không thể giải quyết những mâu thuẫn mà hai nước đang phải đối mặt.
Đa chiều cho rằng, dù ông Kim Jong-un "miệng cười giấu dao" hay thật sự có thành ý, trước cành ô liu mà Bắc Kinh chìa ra, xuất phát từ lợi ích lâu dài của mình, ông Kim Jong-un cần nắm chắc, nên coi đây là một cơ hội để cải thiện mối quan hệ hai nước.
Hiện tại, tình hình quốc tế mà Triều Tiên đang phải đối mặt vẫn hết sức gay gắt, rất ít quyền phát ngôn trên trường quốc tế, và cũng có rất ít bạn bè. Trong các vấn đề phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đối phó với thiên tai..., Trung Quốc chắc chắn là người ủng hộ và nâng đỡ lớn nhất của Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un cần ý thức được rằng, nếu hiện tại Trung Quốc đã thừa nhận địa vị của ông ở Triều Tiên, thì ông cũng có thể buông bỏ sức ép tâm lý và giải quyết mối quan hệ Trung Triều theo hướng thiết thực hơn, không nên phong bế tự thủ, đi ngược lại với Trung Quốc. Nếu nhận thức được điều này, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên mới có hy vọng được cải thiện.
Theo QPAN