Sơn La: Thu về gần 500 triệu đồng sau 4 tiếng livestream bán sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Buổi livestream kéo dài 4 tiếng, đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt xem. Kết quả, 5 tấn nhãn Sông Mã, cùng 2.350 đơn hàng nông sản đặc trưng của Sơn La đã được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu.

Thương hiệu nhãn Sông Mã và các sản phẩm đặc trưng khác của Sơn La đã được lan toả đến với đông đảo người dân.
Thương hiệu nhãn Sông Mã và các sản phẩm đặc trưng khác của Sơn La đã được lan toả đến với đông đảo người dân.

Các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng đã livestream bán hàng trên nền tảng số đối với các sản phẩm OCOP nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La, gồm: nhãn Sông Mã, long nhãn, thịt trâu gác bếp, tỏi đen, mật ong,…

Hoạt động này trong khuôn khổ chương trình “Chợ Phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản”, do Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok tổ chức vào cuối tuần vừa qua.

Chương trình nhằm xúc tiến thương mại và tập huấn nâng cao năng lực số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, đánh dấu giai đoạn bản lề cho ngành thương mại điện tử của tỉnh Sơn La.

Buổi livestream kéo dài 4 tiếng, đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt xem. Kết quả, 5 tấn nhãn Sông Mã, cùng 2.350 đơn hàng nông sản đã được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu.

Đặc biệt, anh Đức - một người bán tỏi đen - đã bán được hơn 200 đơn. Anh Đức chia sẻ, đây là lần đầu tiên shop của anh bán được nhiều hàng như vậy. Thương hiệu nhãn Sông Mã và các sản phẩm đặc trưng khác của địa phương cũng đã được lan toả đến với đông đảo công chúng.

Bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La - cho biết, tại chương trình “Chợ Phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản”, diễn đàn Chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên đã diễn ra với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP” đã tập trung vào các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến - quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La.

Các đại biểu cũng thảo luận về kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số; làm sao để quản lý được chất lượng sản phẩm, để việc kiểm duyệt các sản phẩm OCOP khi lên sàn đảm bảo chính xác.

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 5.917 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Số lượng các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng với 785 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó, trên 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Hiện có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ, 24 sản phẩm nông sản, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê; cá tép dầu; chè Trọng Nguyên; các sản phẩm mận sấy; trà xanh mây; hồng giòn sấy dẻo…

Được biết, chuỗi sự kiện Chợ phiên OCOP sẽ được phát sóng trực tiếp (livestream) trên TikTok Shop hàng tuần. Chuỗi sự kiện là cơ hội quảng bá và bán hàng trực tuyến các sản phẩm - đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.

Thông qua dự án này, BTC đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền./.