Báo cáo này do Bộ KHĐT soạn thảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KHĐT cho biết Bộ này đã 4 lần xây dựng báo cáo và Đề án có liên quan kể từ năm 2011, tổ chức hội thảo, tọa đàm nhiều lần và đã nhận được văn bản góp ý cho Đề án của các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, TTTT, Công Thương, GTVT, Công an, NNPTNT, Tài chính…
Cho ý kiến về dự thảo báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng một Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) phải quán triệt được chủ trương đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là: “Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước của DN nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN”.
Đồng thời, việc xây dựng Đề án cần tuân thủ, cụ thể hóa chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và pháp luật, chính sách có liên quan.
Theo đó, Cơ quan này sẽ thực hiện tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thay vì phân tán ở các Bộ như hiện nay, đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ tại DN. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT cần làm rõ hơn việc thành lập Cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ mà còn tạo điều kiện để các Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN (bao gồm việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển DN theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về DN thuộc các lĩnh vực; ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích và giám sát, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm).
Để nhìn nhận rõ hơn về sự cần thiết thành lập Cơ quan này, Phó Thủ tướng cho rằng cơ quan soạn thảo Đề án cần có đánh giá về vị trí, vai trò của DNNN, thực trạng hoạt động đổi mới, sắp xếp DNNN cho tới hiện nay và dự báo tình hình tái cơ cấu DNNN sau năm 2020 khi mà DNNN được xác định sẽ tập trung hoạt động ở các lĩnh vực then chốt, có sức ảnh hưởng tới các thành phần DN khác; nêu rõ thông lệ của quốc tế về các mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, cân nhắc các phương án nâng cấp Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc thành lập một số Tổng Công ty như SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN như ý kiến đề xuất của một số cơ quan, chuyên gia kinh tế.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT bám sát các nội dung của Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước vào sản, xuất kinh doanh tại DN để quy định cụ thể hơn nữa vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trong tham mưu cho Chính phủ (Điều 40), Thủ tướng Chính phủ (Điều 41) thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, các quyền trực tiếp của cơ quan này (tại các Điều 42, 43) và các nội dung khác có liên quan mà Luật quy định.
Đối với phương án tổ chức bộ máy và tuyển dụng nhân sự, Phó Thủ tướng cho rằng cơ quan này tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước từ các Bộ thì việc tổ chức, sắp xếp cán bộ trên cơ sở điều chuyển cán bộ làm nhiệm vụ này từ các Bộ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, SCIC về cơ quan này, tăng cường cán bộ có kinh nghiệm làm nòng cốt, tuyển dụng mới nhân sự, nhưng phải bảo đảm tinh gọn, chất lượng và hiệu quả, không làm tăng thêm biên chế về tổng thể, theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở dự thảo Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT rà soát các văn bản pháp luật liên quan, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN.
Dự kiến, dự thảo Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, cho ý kiến và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện.