SOL E&C: Cuộc chơi mới của ông Nguyễn Bá Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 4 tháng kể từ ngày rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã chính thức xuất hiện với vai trò Chủ tịch sáng lập công ty xây dựng SOL E&C.
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch sáng lập công ty xây dựng SOL E&C (Nguồn: SOL E&C)

Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch sáng lập công ty xây dựng SOL E&C (Nguồn: SOL E&C)

Ông Nguyễn Bá Dương mới đây đã tham dự lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của Công ty Cổ phần Vật liệu và Giải pháp SOL (SOL E&C) dưới vai trò là Chủ tịch sáng lập.

Với những tiền đề đạt được trong năm 2020, SOL E&C đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 đạt hơn 2.000 tỉ đồng. Đây được coi là bước đi đột phát trong năm mới của công ty.

Trong trương trình lễ ký kết, ông Nguyễn Bá Dương cho rằng tiềm năng và cơ hội của SOL E&C vượt trội hơn nhiều công ty khác trên thị trường xây dựng. Ông tin tưởng SOL E&C sẽ phát triển thành một trong những tổng thầu hàng đầu của Việt Nam.

Như vậy, sau 4 tháng kể từ ngày từ nhiệm vị trí Chủ tịch Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã chính thức xuất hiện với vai trò Chủ tịch sáng lập công ty xây dựng SOL E&C.

Theo tìm hiểu của VietTimes, SOL E&C tiền thân là CTCP Vật liệu và Giải pháp S.M.A.R.T (S.M.A.R.T), được thành lập vào tháng 11/2015 – trước đó là khối thi công chống thấm thuộc Công ty F.D.C (Tiền thân Newteccons).

S.M.A.R.T có vốn điều lệ ban đầu 18 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Huỳnh Nhật Minh (nắm giữ 70% vốn điều lệ), ông Nguyễn Xuân Đạo (nắm giữ 29,9% vốn điều lệ) và bà Phạm Thị Thu Huyền (nắm giữ 0,1% vốn điều lệ). Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Huỳnh Nhật Minh (SN 1967).

Cuối tháng 5/2017, cả 3 cổ đông sáng lập của S.M.A.R.T cùng thoái hết vốn. Cùng với đó, vị trí Tổng giám đốc cũng được thay thế bởi ông Trần Văn Tiến (SN 1978). Ông Tiến hiện đã là Chủ tịch HĐQT công ty.

Tháng 8/2017, S.M.A.R.T nâng vốn điều lệ từ 18 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng. Hơn 1 năm sau, tháng 10/2018, công ty chính thức đổi tên thành SOL E&C.

Cập nhật đến tháng 11/2020, quy mô vốn điều lệ của SOL E&C đạt 305 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.

Theo giới thiệu trên trang chủ, SOL E&C từng tham gia thi công hoàn thiện hoàng loạt dự án lớn nhua Masteri An Phú, Nhà máy Gain Lucky, Nhà máy Brotex, … Năm 2017, công ty còn khánh thành Trung tâm thí nghiệm vật liệu và phát triển sản phẩm – SOL LAB.

Năm 2020, SOL E&C là tổng thầu xây dựng với giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỉ đồng.

Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần hàng năm của SOL E&C liên tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu vẫn ở mức thấp, duy trì trong khoảng 2-3%.

Gần nhất là năm 2019, SOL E&C ghi nhận doanh thu thuần đạt 577,2 tỉ đồng (tăng 41,6% so với năm 2018), báo lãi thuần 19,7 tỉ đồng (tăng 64%), tương ứng với biên lợi nhuận 3,4%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của SOL E&C đạt 261,2 tỉ đồng, cao gấp 2,2 lần so với vốn chủ sở hữu – ở mức 118,6 tỉ đồng.

Về Chủ tịch HĐQT SOL E&C, ông Trần Văn Tiến còn đang là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cho CTCP BM Windows (BM Windows).

Được biết, cả SOL E&C và BM Windows đều là những công ty từng nằm trong hệ sinh thái của Coteccons – nơi ông Nguyễn Bá Dương đã có 17 năm gắn bó trước khi để lại cho nhóm cổ đông nước ngoài./.