Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 – CTCP (CIENCO 4) được thành lập theo Quyết định số 2601/QĐ-BGTVT ngày 22/08/2007 của Bộ Giao thông Vận tải, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xây dựng Công tình Giao thông 4.
Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần số 2900324850, lần đầu ngày 02/06/2014.
Với thị trường xây dựng, lâu nay CIENCO 4 vẫn luôn được đánh giá là “trùm thầu” số 1 trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, khi ghi dấu tại hầu hết các dự án tầm cỡ. Có thể kể đến như: đường 18, Láng - Hòa Lạc, đường 14, đường 51 và Quốc lộ 5; 19 cầu trên Quốc lộ 1A đoàn thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Quốc lộ 1A đoàn Vinh - Đông Hà, Đông Hà - Huế, Cầu Tân Đệ, dự án R5 Quốc lộ 10 - Hải Phòng, cầu Bến Lức, cầu Đà Rằng, cầu Vĩnh Tuy.
Ngoài ra, CIENCO 4 còn cùng với Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đầu tư xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (B.O.T).
Năm 2003 Tổng công ty đã đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn trành thành phố Vinh với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng cũng theo phương thức BOT. Hiện nay các dự án đã được đưa vào khai thác.
Gần đây nhất, công ty đã góp hơn 350 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợi Mới từ 10% lên 99,3%, thực hiện đầu tư theo hình thức BOT tuyến đường Thái Nguyên – Chợi Mới (Bắc Cạn) và nâng cấp, mở rộng QL3; cũng như 577 tỷ đồng (50%) vào Công ty TNHH Hai thành viên BOT QL1A CIENCO4 – 319, thực hiện đầu tư xây dựng theo hình thức BOT công trình mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) – Km402+330 (Cầu Giát).
Nặng nợ…
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2015 của Cienco 4 cho hay, tính đến ngày 30/6/2015, tổng tài sản của công ty là 6.515 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, giá trị vốn chủ sở hữu là 702 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đồng vốn cổ phần và 102 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
9/10 khối tài sản còn lại của Cienco 4 là nợ phải trả, với giá trị lên đến 5.813 tỷ đồng, chia thành 3.314 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 2.499 tỷ đồng nợ dài hạn. Tất nhiên, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số đó vẫn là các khoản vay ngân hàng, với 1.338 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.853 tỷ đồng vay dài hạn.
Nhà tài trợ vốn và cũng là chủ nợ lớn nhất của Cienco 4 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với tổng dư nợ lên đến 2.644 tỷ đồng, chiếm 83% tổng vay & nợ thuê tài chính, và bằng 41% tổng tài sản của tổng công ty.
Mục đích của các khoản vay này là nhằm bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh và mở LC (834 tỷ đồng); đầu tư dự án mở rộng QL1A Nam Bến Thủy (1.473 tỷ đồng); đầu tư dự án Quốc lộ 46 (196 tỷ đồng); đầu tư dự án tăng cường mặt đường tuyến tránh Vinh (141 tỷ đồng).
Trong đó, hai khoản vay “khủng” cho dự án mở rộng QL1A Nam Bến Thủy và dự án mở rộng Quốc lộ 46 đều có thời gian vay vốn rất dài - lên đến 15 năm, với phương thức bảo đảm là ngân hàng trực tiếp quản lý nguồn thu phí khai thác đường sau khi hoàn thành.
Bên cạnh đó, Cienco 4 cũng thực hiện vay vốn tại nhiều ngân hàng khác như: Eximbank(127 tỷ đồng); MB (43 tỷ đồng), Vietcombank (65 tỷ đồng); Vietinbank (132 tỷ đồng), SHB (33 tỷ đồng), VPBank (35 tỷ đồng), Công ty Cho thuê Tài chính Quốc tế (30 tỷ đồng).
Chông chênh!
Lẽ dĩ nhiên, một hệ số nợ cao như hiện tại cũng sẽ đặt Cienco 4 và các chủ nợ của mình vào một tình thế khá chông chênh.
Dưới giác độ doanh nghiệp, đó là chi phí sử dụng vốn và áp lực trả nợ. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng lãi tiền vay mà Cienco 4 phải chi trả đã lên đến 130 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với tổng chi phí quản lý doanh nghiệp (95 tỷ đồng) của cả tổng công ty.
Được biết, tổng lợi nhuận trước thuế của Cienco 4 trong nửa đầu năm 2015 chỉ là 40,5 tỷ đồng – một con số tương đối khiêm tốn so với tầm vóc doanh nghiệp, cũng như gánh nặng nợ mà Cienco 4 đang mang.
Về cơ cấu sở hữu, Cienco 4 đã không còn liên quan tới Nhà nước...
Bên cạnh đó, việc phải phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính cũng sẽ khiến doanh nghiệp mất đi sự chủ động. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, với sự xuất hiện của ngày các nhiều các đối thủ kinh doanh (không chỉ trong nước mà cả quốc tế - song song với tiến trình hội nhập), sự hạn chế về nội lực (vốn tự có) sẽ rất dễ khiến cho Cienco 4 phải “hụt hơi” trong các phiên đấu thầu dự án, nhất là khi doanh nghiệp này đã được cổ phần hóa triệt để (nhà nước thoái vốn hoàn toàn).
Thêm nữa, chi phí vốn lớn cũng sẽ đẩy giá thành thi công, giá vốn công trình leo cao, qua đó, kéo dài vòng đời dự án, làm tăng thời gian thu hồi vốn đầu tư.
Còn về phía ngân hàng, bên cạnh mục đích vay vốn, kế hoạch sử dụng vốn, triển vọng thu hồi vốn… thì năng lực tài chính của bên vay cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định giải ngân.
Thậm chí, thời gian vừa qua, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về một cơn khủng hoảng tiềm tàng cho hệ thống các tổ chức tín dụng liên quan đến việc tài trợ vốn cho các dự án BOT giao thông, khi mà nguồn vốn tự có của các chủ đầu tư là rất hạn chế và phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn tín dụng ngân hàng.
“Nếu không hãm phanh kịp thì “kỳ tích” của ngành giao thông không khéo sẽ là “phế tích” của ngành ngân hàng”, một vị trăn trở.
Như đã đề cập, BIDV đang tài trợ vốn cho hàng loạt dự án BOT mà Cienco 4 đóng vai trò là chủ đầu tư, với tổng số vốn đầu tư lên đến 1.810 tỷ đồng (tính riêng các dự án BOT) – gấp 3 lần vốn điều lệ công ty. Trừ dự án tăng cường mặt đường tuyến tránh Vinh (141 tỷ đồng, thời gian vay vốn: 03 năm), các dự án còn lại đều được BIDV cấp vốn trong một khoảng thời gian dất dài, lên đến 15 năm.
Và phương thức bảo đảo tiền vay cũng là rất thuận lợi cho Cienco 4 khi ngân hàng trực tiếp quản lý nguồn thu phí khai thác đường sau khi hoàn thành.
Theo ANTT