Sở Y tế Quảng Nam nói gì về ca mắc COVID-19 là nhân viên CDC tỉnh, không rõ nguồn lây?

VietTimes – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thừa nhận bệnh nhân không có biểu hiện bệnh lý, yếu tố dịch tễ khá đặc biệt và đến nay vẫn chưa tìm được nguồn lây.
Khu dân cư nơi bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 964 ở Quang Nam bị phong tỏa

Liên quan đến lịch trình dịch tễ khá đặc biệt của bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 964 ở Quảng Nam vừa được Bộ Y tế công bố sáng nay 17/8, chiều cùng ngày bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết, đây là ca bệnh có yếu tố dịch tễ khá đặc biệt và vẫn chưa phát hiện được nguồn lây. 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Hai, sau khi Đà Nẵng có ca bệnh đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng từ ngày 25/7, Quảng Nam đã có chủ trương mở rộng đối tượng lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp từ Đà Nẵng về Quảng Nam theo từng đợt. Hiện tại ngành y tế tỉnh đang lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp từ Đà Nẵng trở về trong thời gian từ ngày 18/7 về sau và số lượng này khá lớn. Sau khi lấy hết mẫu của đợt từ ngày 18/7 trở về sau, ngành y tế sẽ tiếp tục lấy mẫu rộng ra các đợt từ ngày 10/7 và tiếp đến là từ ngày 1/7.

“Nếu lấy mẫu xét nghiệm theo đợt từ ngày 18/7 trở lại đây thì bệnh nhân 964 (từ Đà Nẵng về Quảng Nam ngày 11/7) vẫn chưa đến lượt. Nhưng đây là nhân viên y tế của lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch (nhân viên của CDC Quảng Nam), nên bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm theo diện tầm soát” -  ông Hai cho hay.

Cũng theo bác sĩ Hai, hiện bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh lý gì nên nhận định về khả năng trường hợp này có thể ủ bệnh 1 tháng là chưa chắc chắn. Cũng không loại trừ khả năng phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 nếu được xét nghiệm trước đó. "Chính vì vậy, trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu đối với những người từ Đà Nẵng về Quảng Nam" - bác sĩ Nguyễn Văn Hai thông tin.

“Việc xác định được nguồn lây nhiễm của bệnh nhân 964 là điều khó khăn. Có thể người này lây nhiễm từ một người nào đó đã từng tiếp xúc, hoặc có thể tiếp xúc gần với người nhà bệnh nhân ở Đà Nẵng mà chưa phát hiện được. Hơn nữa, lịch trình dịch tễ quá lâu, bệnh nhân khó có thể nhớ chính xác, nên theo tôi, người dân không được lơ là, chủ quan. Với sự việc này, cần phải nhanh chóng tầm soát, mở rộng đối tượng lấy mẫu xét nghiệm để sớm phát hiện nguồn lây” - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam chia sẻ.

Trao đổi với Viettimes, bác sĩ Hai cho biết thêm: Ngày 25/7, bệnh nhân học lớp Đại học Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Phương Đông – Quảng Nam cùng với khoảng 46 học viên và tiếp xúc với giáo viên thính giảng tên là N.H.V. ở phường Hòa An, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Do đó, không loại trừ đây là nguồn lây, nên chúng tôi đã thông báo cho CDC Đà Nẵng để sàng lọc tiếp các trường hợp này. "Có thể chúng ta truy được vết, hoặc có thể mất dấu F0, nhưng đây là những thông tin dịch tễ quan trọng mà chúng tôi đang phối hợp truy tìm.