|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Chốt phiên giao dịch Thứ Năm (ngày 16/2/2017), giá vàng giao tháng Tư trên sàn Comex tại Sở Giao dịch New York Mercantile tăng tiếp $8,50 (+0,7%) lên chốt tại $1.241,60/oz – lập đỉnh kể từ ngày 10/11/2016, căn cứ theo dữ liệu của FactSet. Trước đó, phiên Thứ Tư, giá vàng đã tăng 0,6%.
Tương tự, giá bạc giao Tháng Ba cũng leo 11,1 cents (+0,6%) lên $18,074/oz, cao nhất kể từ ngày 10/11.
Tại các bảng giao dịch khác, giá bạch kim giao tháng Tư tăng $5,80 (+0,6%) lên $1.015,70/oz; Giá paladium giao tháng Ba tăng $7,10 (+0,9%) lên $793,30/oz; Giá đồng giao tháng Ba giảm 2,2 cents (-0,8%) về 2,719/pound.
Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 8h53’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.238,00/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.237,60/oz.
Giá vàng tăng vì nhiều lý do, một trong số đó là việc chỉ số USD Index giảm 0,56% đã tạo động lực cho vàng đi lên.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn do các nhà đầu tư tiếp tục quan ngại về các chính sách của tân Tổng thống Mỹ và đường lối tranh cử tại các nước như Pháp, Đức, Hà Lan.
Thêm vào đó, những bất ổn khó đoán định vẫn ở phía trước khiến cho nhiều người tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa các kênh đầu tư bất chấp việc chứng khoán Mỹ đang khởi sắc và quan điểm của chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong buổi điều trần vừa qua.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia, triển vọng tăng giá trong ngắn hạn của vàng là khá bấp bênh, bởi sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Mỹ - đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử, trước bối cảnh đầy lạc quan với các kế hoạch cải cách thuế của chính quyền Trump.
“Diễn biến đi lên của vàng dường như đang phản ánh trạng thái chốt lời của thị trường, sau khi không có thông tin gì mới hơn về các quyết sách của FED”, Ilya Spivak - chiến lược gia của Daily FX đánh giá, “Cảm giá bồn chồn ngày càng đậm hơn trước cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao G-20, cũng là hội nghị lớn đầu tiên mà chính quyền Trump tham dự, nên có lẽ các quyết sách sẽ thận trọng hơn”.
Trong một dữ liệu liên quan, trữ lượng vàng trong SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã tăng 0,6% trong phiên vừa rồi; Trữ lượng bạc trong iShares Silver Trust cũng tăng 0,6%.
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Sáu ngày 17/2), giá vàng SJC biến động nhẹ.
Cập nhật đến thời điểm 9h26’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,75 – 37,05 triệu đồng/lượng (MV-BR), hạ 20 nghìn đồng mỗi chiều so với chốt phiên trước đó.
Trong khi đó, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được tập đoàn này điều chỉnh tăng 90 nghìn đồng chiều mua nhưng lại giảm 10 nghìn đồng chiều bán về yết ở 36,91 – 37,01 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Theo, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji đã được thu hẹp một nửa về chỉ còn 100 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,92 – 36,99 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá vàng miếng thương hiệu vàng rồng Thăng Long đang được mua bán ở mức 34,33 - 34,78 triệu đồng/lượng (MV – BR).
Quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 3,10 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công)./.