Siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, hai 'ông lớn' ngành bia có kết quả trái ngược

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi 'ông lớn' ngành bia Sabeco có nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2024 thì 'đại gia' phía Bắc là Habeco lại ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Bia Sài Gòn lấy lại 'phong độ' sau một năm liêu xiêu

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB), doanh thu thuần của Sabeco đạt 7.184 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng gần 10% so với quý I/2023.

Trừ chi phí, lãi sau thuế của Sabeco đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6% so với quý IV/2023. Tuy lợi nhuận sau thuế tăng ở mức nhẹ nhưng kết quả này chấm dứt chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm của “ông lớn” ngành bia rượu.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 25/4 vừa qua, Sabeco trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2024 với mục tiêu doanh thu tăng 12,9%, đạt 34.397 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.580 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thực hiện 2023. Với kết quả kinh doanh quý I vừa công bố, Sabeco đã thực hiện được 21% chỉ tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

bia-ruou-434-314.jpg
Các hãng bia lao đao trước bài toán thổi nồng độ cồn, khiến lượng tiêu thụ bia rượu giảm.

Nhìn lại năm 2023, Sabeco cho rằng, đây là một năm đầy khó khăn khi doanh thu thuần giảm 13%, xuống 30.461 tỷ đồng. Lợi nhuận của Sabeco cũng không mấy khả quan, giảm 23% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sức mua của người tiêu dùng suy yếu và một phần tác động từ việc siết chặt xử phạt vi phạm về nồng độ cồn.

Tuy nhiên, theo Sabeco, nhu cầu tiêu thụ đã có sự cải thiện trong quý đầu năm dù việc thực thi Nghị định 100 vẫn rất nghiêm ngặt.

Ngoài sản lượng, doanh thu quý I/2024 của Sabeco tăng còn nhờ tác động thuận lợi từ việc tăng giá trong năm ngoái, bù đắp phần sụt giảm từ lãi tiền gửi và phần lợi nhuận từ công ty liên kết.

Các công ty con của Sabeco cũng ghi nhận lợi nhuận dương trong quý đầu năm. Cụ thể, CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung (mã SMB) báo lãi 23 tỷ đồng trong quý I, tăng 53% so với cùng kỳ. CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (mã WSB) tuy lợi nhuận giảm nhưng cũng đạt được 19 tỷ đồng.

Về thị trường bia năm 2024, Sabeco nhận định, Nghị định 100 tiếp tục được cho là một rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia. Chưa kể đến các yếu tố khác như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển) ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Việc người dân thắt chặt chi tiêu cũng là một áp lực.

Kết phiên giao dịch ngày 3/5, cổ phiếu SAB đạt 56.700 đồng/cp.

Bia Hà Nội lỗ sâu nhất trong 4 năm

Trong khi Sabeco có tín hiệu tích cực cho một năm nhiều triển vọng thì ông lớn cùng ngành ở phía bắc là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) lại có kết quả cuối cùng khá bết bát trong quý I/2024, với lợi nhuận sau thuế âm sâu hơn cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, dù doanh thu thuần quý I của Habeco đạt 1.308 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ nhưng sau khi khấu trừ chi phí và thuế, Habeco vẫn lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, so với mức lỗ 3,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Habeco đặt kế hoạch doanh thu đạt khoảng 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ đồng, đều thấp hơn mức thực hiện năm 2023. Với kết quả quý I, công ty còn cách xa mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Như vậy, sau ba quý kinh doanh khởi sắc, Bia Hà Nội lại ghi nhận quý lỗ lớn nhất trong 4 năm, kể từ quý I/2020.

Lý giải về tình trạng lợi nhuận âm, Habeco cho rằng mặt bằng lãi suất huy động giảm khiến doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm 16%, xuống còn gần 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc gia tăng đầu tư cho công tác thị trường cũng ảnh hưởng đáng kể đến chi phí.

Báo cáo tài chính của Habeco cho thấy, trong kỳ vừa qua, khoản chi phí bán hàng đã tăng 13% lên hơn 230 tỷ đồng, trong đó tốn kém nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ khi tăng đến 42% lên 105 tỷ đồng.

Cùng với đó, các quy định siết chặt quy định nồng độ cồn ngày càng gắt gao buộc các hãng bia phải "bạo chi" hơn cho việc quảng cáo để gia tăng nhận diện thương hiệu và chiếm lĩnh thị phần.

Tương tự, hai công ty con của Bia Hà Nội là CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (mã HAD) và CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (mã THB) lợi nhuận cũng thụt lùi trong quý đầu năm 2024.

Trong đó, HAD đạt tổng doanh thu và doanh thu thuần đi ngang so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp cũng giảm khá mạnh, chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Trừ thêm các khoản chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của HAD âm hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức âm nhẹ hơn nhiều, khoảng 213 triệu đồng.

THB cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi tiếp tục lỗ trong quý I/2024. Cụ thể, doanh thu công ty này đạt hơn 23 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ; lãi sau thuế âm 3 tỷ đồng, giảm mức lỗ so cùng kỳ năm ngoái là âm 7,6 tỷ đồng.

Kết phiên giao dịch ngày 3/5, cổ phiếu BHN đạt 38.500 đồng/cp.