‘Short’ phái sinh để phòng vệ danh mục cổ phiếu: Cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phái sinh là công cụ mạnh để bảo vệ danh mục khi thị trường chứng khoán giảm sâu, song không phải ai cũng có thể sử dụng công cụ này hiệu quả...
‘Short’ phái sinh để phòng vệ danh mục cổ phiếu: Không dễ! (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
‘Short’ phái sinh để phòng vệ danh mục cổ phiếu: Không dễ! (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Kết phiên giao dịch 29/4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.366,8 điểm, tăng 15,81 điểm so với tham chiếu. Mức tăng điểm tích cực phần nào hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Nhìn lại cả tuần giao dịch từ 25/4 – 29/4, chỉ số VN-Index đã để mất 11 điểm và có tuần thứ 4 giảm điểm liên tiếp. Nhịp hồi phục cuối tuần giao dịch vừa qua chỉ góp phần thu hẹp đà giảm của chỉ số này xuống 162 điểm so với vùng đỉnh.

Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường sẽ còn phải đối mặt với các ngưỡng kháng cự kỹ thuật, kết hợp với câu chuyện Fed tăng lãi suất ngay tuần đầu tiên của tháng 5. “VN-Index có thể sớm quay lại với đà điều chỉnh”, SSI dự báo.

Có thể hiểu rằng, chứng khoán đã vào thời khó, không còn ‘dễ ăn’ như đã chứng kiến hai năm vừa qua.

Trong bối cảnh ấy, phái sinh được cho là các công cụ mạnh để giúp nhà đầu tư phòng vệ danh mục, kể như: hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options), và hợp đồng hoán đổi (swap).

Tuy nhiên, chia sẻ với VietTimes, ông Hoàng Tùng – chuyên gia tài chính tại Singapore – cho rằng, đại đa số các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam vẫn chưa thuần thục, hoặc nắm rõ cách sử dụng các công cụ này.

Trong khi đó, ở các thị trường phát triển, phái sinh là công cụ được các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các quỹ phòng hộ (hedge fund), sử dụng để phòng vệ rủi ro cho danh mục.

“Nếu muốn ‘short’ phái sinh để phòng vệ, danh mục hoặc cổ phiếu cơ sở phải ‘outperform’ (vượt trội - PV) so với chỉ số”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ví dụ, khi chỉ số giảm 20% nhưng cổ phiếu/danh mục chỉ giảm 10%; hoặc khi chỉ số tăng 10% nhưng cổ phiếu/danh mục có thể tăng tới 20%. Khi ấy, với việc duy trì vị thế ‘long’ và ‘short’ cân bằng, nhà đầu tư có thể kiếm lời từ sự chênh lệch giữa biến động của chỉ số và cổ phiếu/danh mục đầu tư.

“Khi mua một mã cổ phiếu, thống kê cho thấy, rủi ro lớn nhất mà nhà đầu tư phải đối mặt là rủi ro thị trường (market risk), tiếp đến là rủi ro ngành (sector risk), và sau cùng mới là rủi ro đến từ chính cổ phiếu đó. Cổ phiếu tốt, ngành tốt, nhưng khi thị trường giảm điểm thì cổ phiếu vẫn có thể giảm như thường”, vị chuyên gia phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia này, ‘không thể biết được ngày mai VN-Index lên hay xuống’, song nhà đầu tư có thể dự báo được triển vọng của ngành, của doanh nghiệp.

Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ tập trung vào việc tìm kiếm, đặt cược vào các mã cổ phiếu có tiềm năng ‘outperform’ thị trường, đồng thời họ sử dụng các công cụ phòng hộ để loại bỏ rủi ro hệ thống (market risk), thậm chí cả rủi ro ngành (sector risk).

"Song, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ có hợp đồng tương lai dựa trên rổ chỉ số VN30, mà để ‘outperform’ VN30 là điều rất khó vì đây là rổ tập hợp 30 cổ phiếu có vốn hoá lớn, thanh khoản bậc nhất trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, công cụ phái sinh options cũng chỉ mới có ‘call’ và vẫn chưa có ‘put options’, khiến cho nhà đầu tư có ít lựa chọn để phòng vệ cho danh mục của mình", ông Tùng nói./.