|
Việc bùng phát nạn lừa đảo giả danh shipper làm dấy lên lo ngại về lộ lọt thông tin người dùng. |
"Đau đầu" vì chiêu lừa đảo mạo danh shipper
Ngày 16/4, anh Bùi Quang Trung (Nghệ An) liên tục nhận cuộc gọi của người đàn ông nói giọng miền Nam tự xưng shipper giao đôi giày anh vừa đặt hôm trước từ Bắc Ninh. Bên gọi nói đã để hàng vào ở nhà và yêu cầu anh chuyển khoản 2,2 triệu đồng tiền hàng.
Địa chỉ nhận tại Nghệ An nhưng shipper nói giọng miền Nam khiến anh Trung nghi ngờ. Anh gọi vợ xuống nhà lấy hàng thì không thấy ai, cũng không thấy hàng trong sân như lời người đàn ông kia nói. Kiểm tra lại đơn hàng, thấy bưu kiện còn chưa ra khỏi trung tâm trung chuyển ở Hà Nội, anh thở phào vì chưa chuyển khoản thanh toán cho kẻ lừa đảo.
Trao đổi với VietTimes, anh Trung cho biết anh đặt đôi giày nam ship COD với tổng giá 2.220.000 đồng. Anh chỉ tương tác với cửa hàng tại Bắc Ninh qua kênh Messenger và cửa hàng gửi giày cho anh qua dịch vụ của Vietnam Post.
Mặc dù đơn hàng chưa đến trạm nhận ở Nghệ An nhưng kẻ lừa đảo đã có thông tin rất chính xác về đơn hàng, giá, tên người nhận, số điện thoại, địa chỉ để thực hiện cuộc gọi lừa đảo. Việc lộ lọt thông tin này khiến anh rất bức xúc.
Sự việc tương tự cũng xảy ra với chị Hải Thu (Hà Nội) khi gần đây chị nhận điện thoại từ số máy lạ, đầu kia có người xưng là nhân viên chuyển phát của Viettel Post, thông báo giao một đơn hàng quần áo giá trị lớn. Người gọi đọc rõ các thông tin của bưu gửi, như tên người gửi, tên người nhận, sản phẩm gì, thu bao nhiêu tiền và gửi số tài khoản yêu cầu chị chuyển khoản để nhận hàng.
Thấy các thông tin đều đúng, chị Thu hẹn xuống nhận hàng trực tiếp thì đầu dây bên kia ngắt máy. Kiểm tra trên ứng dụng Viettel Post, chị thấy đơn hàng thời trang mình đặt còn chưa đến bưu cục nhận. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị gọi lại không được vì bị chặn số. Chị thấy mình may mắn vì không chuyển khoản đơn hàng ngay.
Một ngày bị làm phiền tới 5-7 lần về cùng một đơn hàng, chị Thu cho rằng các cơ quan chức năng có thể chỉ mặt điểm tên những kẻ lừa đảo từ số tài khoản ngân hàng. Chị mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo.
Bức xúc về cách kiếm tiền bất chấp của những kẻ lừa đảo từ các đơn hàng trực tuyến, Bảo Quỳnh, chủ shop Mẹ Bun Sam (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với VietTimes về hàng loạt vụ việc lừa đảo diễn ra đối với khách hàng của chị với hình thức gần giống nhau: Kẻ lừa đảo gọi điện thoại và nhắn tin dồn dập yêu cầu thanh toán cho đơn hàng chưa được giao. Dù chị liên tục cảnh báo khách hàng và đã thay đổi đơn vị vận chuyển nhiều lần nhưng thông tin gửi hàng và địa chỉ nhận hàng của khách vẫn bị khai thác để lừa đảo.
Shipper giả không đặt được mục đích lừa đảo nhưng việc chúng đọc chính xác những thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại của cả người gửi và người nhận cùng các thông tin về đơn hàng như họ đang cầm trên tay bưu kiện... đặt ra hàng loạt câu hỏi về bảo mật như các đối tượng lấy đâu ra các thông tin vừa nêu? Các đơn vị chuyển phát hiện nay đang bảo mật thông tin khách hàng thế nào?
Doanh nghiệp chuyển phát lên tiếng
Trao đổi với VietTimes về việc đảm bảo an ninh thông tin của khách hàng, 3 doanh nghiệp chuyển phát lớn là Viettel Post, VietnamPost, J&T Express đều khẳng định toàn bộ dữ liệu quan trọng của khách hàng như số điện thoại, địa chỉ, số tiền thu hộ (COD) đều được mã hóa, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, ngăn chặn mọi hành vi truy cập trái phép từ bên ngoài.
Đại diện Vietnam Post khẳng định các dữ liệu nhạy cảm của khách hàng được mã hóa khi lưu trữ bằng các thuật toán, mã hóa khi truyền tải bằng các giao thức an toàn và tuân thủ các yêu cầu liên quan đến dữ liệu cá nhân. Doanh nghiệp này cho biết luôn áp dụng nguyên tắc tối thiểu trong phân quyền và thường xuyên thực hiện việc rà soát để đảm bảo cập nhật các quy trình nghiệp vụ tránh việc lộ lọt thông tin. Khu vực khai thác sẽ không được mang các loại thiết bị mang thông tin vào để chụp hình ảnh bưu gửi.
“Khi giao hàng, bưu tá luôn mặc đồng phục chuẩn nhận diện thương hiệu, đeo thẻ nhân viên, gọi điện thoại trước để thông tin cho khách hàng về bưu gửi. Vietnam Post không yêu cầu khách hàng chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến qua bất cứ hình thức nào”, đại diện Vietnam Post nói thêm.
Cũng như Vietnam Post, đại diện Viettel Post xác nhận thời gian gần đây, Viettel Post ghi nhận một số phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi giả mạo bưu tá Viettel Post, yêu cầu chuyển tiền thanh toán cước và bưu phẩm.
Mặc dù không phải thủ đoạn mới, những trường hợp này vẫn có thể thành công nếu khách hàng không kiểm chứng thông tin. Hiện Viettel Post đã làm việc với Bộ Công an để điều tra, truy vết nguồn gốc các vụ việc giả mạo, xử lý và ngăn chặn hành vi gian lận.
“Mọi kết quả điều tra sẽ được công bố minh bạch, ngay cả trong trường hợp không có vi phạm từ phía doanh nghiệp”, Viettel Post nói với VietTimes.
Cùng với việc thắt chặt các biện pháp bảo mật, Viettel Post khuyến nghị khách hàng chủ động nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Khi tham gia mua sắm trực tuyến, người dùng nên gửi tin nhắn riêng hoặc thiết lập chế độ ẩn thông tin, chỉ cho phép người bán xem để giảm nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng. Đồng thời, theo dõi tình trạng đơn hàng trực tiếp qua ứng dụng Viettel Post hoặc Zalo OA Viettel Post để xác thực thông tin bưu tá phát hàng, thay vì tin vào những cuộc gọi không xác minh được nguồn gốc.
Nói với VietTimes cụ thể về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin người dùng, đại diện J&T Express cho biết hệ thống hiển thị thông tin người gửi nhưng ẩn thông tin người nhận ẩn. Số điện thoại của người nhận chỉ hiển thị 4 số cuối (ví dụ: ***9999) trên hệ thống của admin.
Khi đơn hàng giao, trên ứng dụng của shipper, thông tin số điện thoại của người bán cũng sẽ được mã hóa. Để kết nối với khách hàng, shipper ấn vào icon điện thoại, điện thoại sẽ tự truy vấn số để thực hiện cuộc gọi. Mọi thao tác truy vấn đều được ghi lại để đảm bảo tính minh bạch.
Thông tin tên, địa chỉ và số điện thoại khách hàng trên bao bì chủ yếu do khách hàng tự in và dán theo yêu cầu của quy trình vận hành. Tuy nhiên, số điện thoại luôn chỉ hiển thị 4 số cuối.
“Do đó, việc cho rằng thông tin người gửi, người nhận in trên bao bì là nguồn gây lộ lọt thông tin cá nhân là không chính xác. Trên thực tế, số điện thoại của người dùng luôn được mã hóa và bảo mật trong suốt quá trình vận chuyển”, đại diện J&T Express nói.
Vì sao lộ lọt thông tin cá nhân khách hàng?
Thủ đoạn trục lợi từ thông tin cá nhân của khách hàng không mới, nhưng đang ngày càng tinh vi khiến người dùng nào cũng có thể trở thành ‘con mồi’ nếu thiếu thận trọng.
Trao đổi với VietTimes về nguy cơ lộ lọt thông tin khách hàng trong thương mại điện tử, ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến nghị người dùng cẩn thận, kiểm tra kỹ đơn hàng trước khi trả tiền, lựa chọn nhà cung cấp uy tín để an tâm khi thực hiện giao dịch.
Ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng người dùng nên chủ động trong việc quản lý các đơn hàng và chỉ trao đổi với shipper qua ứng dụng của đơn vị chuyển phát.
Để phòng ngừa, ông Vũ Ngọc Sơn khuyên người dùng nên chủ động trong việc quản lý các đơn hàng của mình, cần biết rõ mình đặt mua gì và đơn vị nào thực hiện chuyển phát, thường xuyên theo dõi trên các ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát và chỉ trao đổi với shipper qua kênh này.
Trong trường hợp bắt buộc phải liên lạc trực tiếp với shipper, chỉ nên trao đổi thông tin qua điện thoại, tuyệt đối không bấm vào link có địa chỉ không rõ ràng, không có tick xanh hay không được công bố công khai trên website của nhà cung cấp dịch vụ.
Nói thêm về việc lộ lọt thông tin khách hàng từ các hoạt động thương mại điện tử đang diễn ra, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết có tình trạng khách vừa đặt hàng trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn, lập tức có nhóm khác gọi điện đến thông báo là chuyển hàng, thu tiền, mặc dù đó không phải là hàng người mua đặt.
Theo chuyên gia, một hệ thống thương mại điện tử phải liên kết với nhiều đơn vị để phục vụ hoạt động, như: quản lý đơn hàng, quản lý giao nhận, kho bãi… Muốn xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộ lọt thông tin tương đối phức tạp, phải kiểm tra từng khâu, cần nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng tìm ra được.
Người dùng cũng có thể vô tình làm lộ thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản, dịch vụ, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội…
Cũng như ý kiến của ông Sơn, đại diện một doanh nghiệp chuyển phát đã dẫn thực tế hàng loạt nền tảng Facebook, Tiktok, Shopee,… và chỉ ra việc để lại bình luận công khai với đầy đủ thông tin về người dùng, số điện thoại, địa chỉ nhà trên các phiên livestream, bài viết bán hàng có thể là nguyên nhân khiến người dùng lộ thông tin cá nhân.
Nhiều người dùng đặt hàng qua kênh trực tuyến đã để công khai số điện thoại, địa chỉ chi tiết, nguy cơ trở thành "mồi ngon" cho kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, việc các shop kinh doanh trực tuyến sử dụng phần mềm tạo đơn hàng của nền tảng trung gian có thể gây nguy cơ lộ lọt dữ liệu nguy cơ bị thu thập và khai thác trái phép.
Để tránh bị lộ lọt thông tin, người dùng lưu ý không cung cấp hoặc để lại thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu,…trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến cũng như cho người giao hàng. Người dùng chỉ thanh toán khi đã nhận đúng, đủ mặt hàng đặt mua.
Trong yêu cầu mới đây Bộ KH&CN gửi các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính đã yêu cầu doanh nghiệp bưu chính không được tiết lộ thông tin sử dụng dịch vụ bưu chính (quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Bưu chính) và phải thực hiện phổ biến, quán triệt cho toàn bộ nhân viên giao hàng của doanh nghiệp về trách nhiệm bảo mật thông tin về dịch vụ bưu chính và hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt thông tin dịch vụ bưu chính.
Trường hợp doanh nghiệp có hành vi “Tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật” thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Các doanh nghiệp bưu chính cần chủ động xây dựng các giải pháp để bảo vệ thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính như: hệ thống thông tin định danh cuộc gọi của nhân viên bưu chính, mã hóa thông tin trên các bưu gửi như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, nội dung hàng hóa…”, Vụ trưởng Vụ Bưu chính nêu rõ.
4 thủ đoạn giả shipper lừa đảo và biện pháp phòng tránh
Theo Bộ Công an, các đối tượng thông qua hoạt động giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua một số phương thức, thủ đoạn sau:
- Các đối tượng lừa đảo thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng vào những khung giờ bị hại thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán. Sau đó, thông báo chưa nhận được tiền, lừa bị hại tiếp tục chuyển tiền hoặc gửi tin nhắn thông báo bị hại đã đăng ký 1 gói dịch vụ nào đấy, với mức phí từ 2-10 triệu đồng/tháng và hướng dẫn nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hủy gói dịch vụ... để chiếm đoạt.
- Đối tượng lừa đảo giả danh shipper đến giao hàng (bên trong hầu hết là hàng giả, hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị), đề nghị thanh toán trước hoặc thanh toán khi giao hàng nhưng không cho kiểm tra hàng hóa.
- Các đối tượng lừa đảo tiếp cận với các kênh livestream bán hàng, tiếp cận với những khách hàng đặt mua hàng online, đề nghị xác thực đơn hàng tại các trang web giả mạo hoặc yêu cầu tải app theo dõi giao hàng để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
- Các đối tượng gọi điện giả danh shipper giao hàng để thu thập thông tin cá nhân của người dân, sử dụng cho các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác.
Bộ Công an đưa ra 5 khuyến cáo đối với người dân:
- Luôn kiểm tra kỹ đơn hàng, xác nhận với người gửi trước khi thanh toán. Nếu không đặt hàng, từ chối nhận và không thanh toán.
- Yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Nếu shipper từ chối, hãy liên hệ ngay với người bán hoặc tổng đài của đơn vị vận chuyển.
- Chỉ thanh toán khi hàng đó đúng do mình đặt, kiểm tra hàng đảm bảo chất lượng, nên thanh toán trực tiếp với bên bán hoặc thông qua các sàn thương mại số. Kiểm tra kỹ thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền. Không quét mã QR từ nguồn không rõ ràng.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ hay các đối tượng mạo danh shipper (các shipper chân chính luôn có thông tin của khách hàng trên đơn hàng).
- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời tố cáo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, đồng thời chủ động lưu giữ các nội dung trao đổi giữa mình và đối tượng lừa đảo để cung cấp cho cơ quan Công an phục vụ công tác điều tra (chụp ảnh lại các nội dung tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, sao kê chuyến tiền...).