Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành văn bản, chính thức chấp thuận việc sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trước đó, ngày 12/9, cơ quan này đã có công văn số 6812 chấp thuận về nguyên tắc thương vụ, theo đề án đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của SHB và VVF thông qua.
Cụ thể, tại quyết định số 2400/QĐ-NHNN ký ngày 12/12/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc sáp nhập Công ty tài chính VVF vào ngân hàng SHB. Đồng thời thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của Công ty tài chính VVF.
Ngân hàng SHB có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của VVF. Trong 45 ngày kể từ ngày 13/12 ngân hàng phải hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trước đó, hồi giữa tháng 9/2016, NHNN đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc SHB nhận sáp nhập VVF và thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Dự kiến sau khi được chấp thuận chính thức từ NHNN trong quý IV/2016, SHB sẽ hoàn thiện các thủ tục để chính thức thành lập Công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của SHB, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 năm nhận sáp nhập Habubank, SHB tiếp tục sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel để SHB có đầu mối chuyên biệt phát triển tín dụng tiêu dùng, vừa là xu hướng hoạt động, vừa đáp ứng yêu cầu NHNN đặt ra. Nên nhớ, VPBank – một đối thủ cạnh tranh của SHB trên thị trường tín dụng - vừa thành công mỹ mãn với chiến lược phát triển cho vay tiêu dùng thông qua mô hình công ty tài chính.
Trước đó, chia sẻ về quyết định nhập sáp nhập VVF tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 24/4/2015, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB từng ví von công ty tài chính này như một “cô gái đẹp”.
Ông Hiển nói, việc sáp nhập VVF là “món hời” mà ngân hàng may mắn có được. Vì giá trị tài sản và lợi nhuận của đối tác khi sáp nhập vào SHB là cao hơn mệnh giá cổ phần (10.000 đồng/CP). Tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1, tức giá trị cổ phần hai bên được xác định là ngang giá trị. Hơn thế, lợi thế và hệ thống mạng lưới sẵn có của VVF sẽ giúp ngân hàng phát triển mạnh mảng cho vay tài chính tiêu dùng.
“Có thể ví VVF như một cô gái đẹp, lành mạnh được SHB cưới về. Sau khi về ngân hàng thì công ty đã có lãi ngay”- Chủ tịch SHB hài hước so sánh./.