Hệ thống kho bãi này được phát triển thêm tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh (5 kho bãi), Lạng Sơn (17 kho bãi), Cao Bằng (11 kho bãi), Hà Giang (6 kho bãi), Lào Cai (11 kho bãi) và Lai Châu (3 kho bãi). Hệ thống kho bãi này được xây dựng nhằm hỗ trợ cho việc đẩy mạnh giao thương hàng hoá giữa hai nước.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (10-2) về việc có thêm kho bãi tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc, bà Trương Thị Hường, Giám đốc Công ty Thanh long Tâm Hường, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), cho biết việc xây thêm kho bãi chưa hẳn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Theo bà Hường, hàng hóa từ các địa phương chở về khu vực cửa khẩu ở biên giới nếu lưu tại các kho bãi thì sẽ phát sinh thêm chi phí lưu kho, cộng với chi phí bốc dỡ từ kho lên xe chở qua biên giới thì chắc chắn chi phí vận chuyển sẽ đội lên rất cao.
Công ty của bà Hường thường chở thanh long từ Bình Thuận ra cửa khẩu phía Bắc với chi phí khoảng 85 - 90 triệu đồng/chuyến.
"Thông thường phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chọn giải pháp lưu lạnh thanh long ngay trong xe. Do vậy, tôi nghĩ nếu có thêm kho bãi cũng chưa hẳn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong thời buổi ngày càng nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nhau xuất khẩu hàng," bà Hường cho hay.
Còn theo lập luận của quy hoạch được Bộ Công Thương ban hành, việc xây thêm kho bãi nhằm mục đích đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết, lưu giữ và bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phát triển.
Cũng theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp có kinh nghiệm về xây dựng, vận hành kho bãi sẽ được chú trọng lựa chọn và được hưởng chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, như được cung cấp quỹ đất sạch, miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp những năm đầu, miễn giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị để hình thành tài sản cố định cho doanh nghiệp kinh doanh kho bãi...
Việt Nam hiện có 62 cửa khẩu trên biên giới bộ, sông, biển, trong đó có 29 cửa khẩu dọc biên giới với Trung Quốc tại bảy tỉnh miền núi biên giới phía Bắc. Ngoài ra còn có trên 43 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở, trong đó 30% là giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài, việc xây dựng thêm kho bãi, thời gian tới cũng sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cấp và xây mới các tuyến đường đấu nối khu vực cửa khẩu với các quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là các tuyến cao tốc xương sống của hai hành lang kinh tế Tây Bắc và Đông Bắc.
Theo đó, một số tuyến đường cần nâng cấp, mở rộng như Tỉnh lộ 208 (đoạn nối Quốc lộ 4A với Quốc lộ 3, đi cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng); Quốc lộ 4D (đoàn Lào Cai – Mường Khương đi cửa khẩu Mường Khương, Lào Cai); Quốc lộ 4C đoạn từ Thành phố Hà Giang đi các cửa khẩu Phó Bảng, Săm Pun, và Tỉnh lộ 177 đi cửa khẩu Xín Mần thuộc Tỉnh Hà Giang; tuyến cao tốc từ Thành phố Lai Châu qua Huyện Văn Bàn (Lào Cai) để đấu nối với đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Theo TBKTSG