Sẽ “quản chặt” nợ công hơn nữa

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến 31-12-2015, tỷ lệ nợ công ở mức 61,3% GDP, trong đó nợ Chính phủ 48,9% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 41,5% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.

Ổn định trong giới hạn

Cơ cấu dư nợ công bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,3%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 18,2% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,5%.

Đối với nợ Chính phủ, nợ trong nước chiếm khoảng 58% và nợ nước ngoài chiếm 42% tổng nợ Chính phủ, phù hợp với định hướng chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Khoảng 94% danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ là các khoản vay ODA, vay ưu đãi có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi và quy mô huy động tương đối ổn định.

Các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, đã có sự thay đổi đáng kể về điều kiện vay theo hướng giảm kỳ hạn từ 10-15 năm, chi phí huy động vốn tăng gấp đôi so với trước đây.

Nhiều khoản vay ODA có điều kiện ràng buộc từ bên ngoài, làm chi phí đầu vào cao, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ trong các trường hợp các dự án được vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ.

Các khoản vay trong nước, lãi suất trái phiếu Chính phủ trong nước nhìn chung liên tục giảm kể từ năm 2011. Tuy nhiên lãi suất phát hành có xu hướng tăng lên kể từ đầu năm 2015 trước tình hình thị trường tài chính trong nước và thế giới có nhiều biến động bất lợi trong năm 2015.

Trong năm 2015, Bộ Tài chính cũng đã chủ động kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ nguồn NSNN khoảng 13-14% so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm và nằm trong giới hạn cho phép (không quá 25% tổng thu NSNN).

Nhìn chung, việc thực hiện nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương, về cơ bản các đơn vị đã chủ động bố trí nguồn vốn để hoàn trả trực tiếp cho các chủ nợ cho vay trong và ngoài nước.

Mặc dù chỉ số nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, song vấn đề đặt ra là tốc độ nợ công đang tăng nhanh (bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2011-2015) xuất phát chủ yếu từ áp lực gia tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, khối lượng huy động vốn trong nước tăng nhanh, vượt khả năng cung về vốn trung và dài hạn trên thị trường trong nước. Mặc dù có những bước phát triển đáng kể, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn còn nhỏ chỉ bằng 14% GDP và bằng 63% quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam nên khó có thể tiếp tục tăng quy mô huy động vốn trong nước trong các năm tới.

Cùng với việc tốt nghiệp nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (IDA), Việt Nam sẽ được áp dụng điều khoản trả nợ nhanh với các khoản nợ Chính phủ. Điều này sẽ ảnh hưởng ngay tới nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Cụ thể, Việt Nam sẽ phải tăng gấp đôi nghĩa vụ trả nợ gốc cho WB mỗi năm hoặc trường hợp giữ nguyên mức trả gốc như cũ thì sẽ phải trả thêm lãi suất cho khoản vay, tăng thêm khoảng 1,4%/năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc bố trí nguồn trả nợ của NSNN và làm thay đổi dòng tiền nhận nợ của các khoản vay IDA về cho vay lại đến các doanh nghiệp.

Ưu tiên các dự án thiết yếu

Xác định nợ công là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhằm từng bước giải quyết các vấn đề đặt ra trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đặt ra nhiều giải pháp thiết thực.

Trước hết là quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.

Việc vay nợ phải tuân thủ chương trình quản lý nợ trung hạn, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn 5 năm đã được phê duyệt; bố trí sử dụng các nguồn vốn vay phải đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu và quán triệt đầy đủ các nguyên tắc quản lý nợ công, đảm bảo các giới hạn trần nợ cho phép.

Các cơ quan quản lý trực tiếp cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn sẽ được tiếp tục cùng với việc đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công; tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ; quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; ưu tiên bố trí dự toán chi trả nợ mức hợp lý trong cân đối NSNN hàng năm.

Theo Hải Quan