SCIC muốn triệt toàn bộ số cổ phần còn lại tại Vinaconex

VietTimes – Khác với số cổ phần đem ra đấu giá trong lần đầu tiên (chiếm 22% vốn điều lệ) thu về kết quả không mấy khả quan, lần này, SCIC muốn bán hết phần vốn tương đương với gần 58% vốn điều lệ của Vinaconex.
Đại diện của Vinaconex trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư trong đợt tổ chức chào bán vốn lần đầu diễn ra ngày 16/11/2017 (Nguồn: VCG)
Đại diện của Vinaconex trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư trong đợt tổ chức chào bán vốn lần đầu diễn ra ngày 16/11/2017 (Nguồn: VCG)

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa có thông tin cho biết sẽ thực hiện chào bán 254.901.153 cổ phiếu (tương đương với 57,71% vốn điều lệ) đang sở hữu tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG).

SCIC cho biết sẽ tiến hành bán đấu giá công khai cả lô toàn bộ số cổ phần trên tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thời gian dự kiến tổ chức trong Quý 4/2018.

Các đối tượng được tham gia đấu giá, bao gồm: Nhà đầu tư trong nước (cá nhân, tổ chức), Nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức) và Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư.

Đối với trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần đăng ký mua của từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua và đảm bảo giới hạn về tỷ lệ nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Vinaconex là 49%.

Trong đợt tiến hành thoái vốn lần đầu diễn ra vào cuối năm 2017, SCIC đã tổ chức bán đấu giá 96,23 triệu cổ phần (tương đương với 22,17% vốn điều lệ) đang sở hữu tại Vinaconex với mức giá khởi điểm là 25.600 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, phiên đấu giá đã diễn ra không thành công khi chỉ có 3 nhà đầu tư (1 tổ chức và 2 cá nhân) trúng giá với số lượng 5,35 triệu cổ phần, chiếm 5,5% số cổ phần đem ra đấu giá. Kết quả, SCIC thu về được 136,96 tỷ đồng từ đợt thoái vốn này.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra sau đó, đại diện Đoàn chủ tịch Đại hội (Chủ tọa là ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT của Vinaconex, Chủ tịch Hội đồng thành viên của SCIC) cho biết, nguyên nhân của đợt thoái vốn diễn ra không thành công là do “ảnh hưởng của thị trường”.

Năm 2018, SCIC sẽ chủ động thực hiện hoạt động thoái vốn theo kế hoạch tái cấu trúc vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Vinaconex nằm trong danh sách mà SCIC phải thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017 – 2020).

Thời điểm đó, SCIC xây dựng 2 phương án thoái vốn là: (1) thoái 22% vốn và (2) thoái hết vốn. Hai phương án được xây dựng đồng thời, phương án nào khả thi sẽ được thực hiện. Đại diện Đoàn chủ tịch Đại hội cũng cho biết: “Thị trường khả thi là khi có nhà đầu tư quan tâm, có thể bán được”.

Ngoài ra, việc thoái vốn cũng thực hiện trên cơ sở đảm bảo quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cua cổ đông Nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp sau thoái vốn tiếp tục hoạt động phát triển mạnh hơn nữa.

Dựa trên thông báo mới đây, có thể thấy SCIC đang thực hiện theo phương án số 2 nhằm triệt thoái vốn khỏi VCG. Hiện SCIC chưa có những thông tin cụ thể khác liên quan đến đợt chào bán sắp tới, cũng như nhà đầu tư quan tâm tiềm năng trong thương vụ này./.