Sau Ủy viên Trung ương, Đại biểu Quốc hội phải là tinh hoa của dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau ủy viên Trung ương, đến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải là những tinh hoa của dân tộc để quyết định những vấn để cực kỳ lớn của đất nước.

Đó là lưu ý của nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc tại hội thảo khoa học “Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030.

Bộ của các DN thì làm gì có bộ để lo cho phát triển

Theo ông Phúc, cải cách hành chính là để mọi người, mọi tổ chức của Nhà nước làm đúng chức năng, đúng việc của mình, những việc còn lại là để xã hội làm. Muốn vậy phải tách quản lý Nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ bày tỏ băn khoăn khi việc cổ phần hóa các DN Nhà nước hiện nay đang là thách thức rất lớn khi vẫn còn hàng ngàn DN chưa thực hiện được.

Ngoài ra, ông Phúc cũng lưu ý đến việc tách quản lý nhà nước ra khỏi các tổ chức sự nghiệp, đây là một mảng rất lớn.

Hiện nay, công chức từ cấp huyện trở lên có chưa đến 300.000 người nhưng số hoạt động trong khu vực đơn vị sự nghiệp khoảng 2,5 triệu. Như vậy, phải chuyển bộ phận đơn vị sự nghiệp này sang một cơ chế mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc này đang thực hiện cực kỳ chậm.

“Vẫn còn tư tưởng bao cấp và còn muốn nắm, thậm chí bộ ngành còn muốn nắm tới từng đơn vị. Bộ của các DN, Bộ của của các đơn vị sự nghiệp thì làm gì có bộ để lo sự phát triển toàn diện của đất nước”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cảnh báo, “nếu không làm được điều này, xin lỗi, mọi công cuộc cải cách của chúng ta trở thành tốn kém, không có tác dụng”.

Cho nên, theo ông Phúc, tư tưởng chỉ đạo lớn nhất trong cải cách hành chính là chuyển đổi chức năng, nhà nước nên làm đúng việc của mình, còn lại là việc của DN, của xã hội.

“Làm như vậy không phải chúng ta từ bỏ lãnh đạo mà là chúng ta quản lý bằng thể chế của nhà nước pháp quyền”, ông Phúc cho rằng, các nhà quản trị đất nước phải thấy điều đó để theo đuổi, sáng kiến, đề xuất chính sách.

Nhà nước không phải theo mấy thông tư, nghị định đưa ra. Bởi tất cả những điều đó làm “méo mó và hỏng hệ thống của chúng ta”.

Vì vậy, ông Phúc cho rằng, CCHC giai đoạn 2021 – 2030 phải cố gắng chọn vấn đề then chốt để làm xoay chuyển theo xu hướng mới, một nền hành chính, một nền quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả ngày càng công khai, minh bạch, thể hiện pháp chế dân chủ.

“Một nền hành chính phục vụ, kiến tạo phát triển hay còn gọi là một nền hành chính “bà đỡ của sự phát triển”. Phải là bà đỡ, kể cả bà đỡ chính sách, về nguồn lực”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Từ những phân tích này, ông Phúc cho rằng muốn có một nền hành chính chuyên nghiệp hiện đại cần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp.

“Quốc hội cũng ngày càng chuyên nghiệp. Sau ủy viên Trung ương thì đến ĐBQH phải là những tinh hoa của dân tộc để quyết định những vấn để cực kỳ lớn của đất nước, phải là người đủ sự hiểu biết. Cơ cấu chất lượng chứ không phải cơ cấu vùng miền”, ông Phúc nói

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Nội vụ cũng lưu ý, cần có một nền hành pháp mạnh, tập trung cho hành động chứ không phải “ngồi bàn”. “Thể chế chúng ta là thể chế một Đảng, hội nghị rất nhiều, lãnh đạo không đủ thời gian suy nghĩ công việc mà phải đi xử lý họp hành, mit tinh, lễ lạt quá nhiều”, ông Phúc nhận định.

Ông Phúc cũng đề nghị có đề án hoặc chương trình quốc gia về phân cấp phân quyền cho các địa phương. Bởi đây là bước tiến quan trọng trong quản trị đất nước và Nhà nước pháp quyền

"Hiện nay, cứ nói tự chủ tự chịu trách nhiệm nhưng có phân quyền cho địa phương đâu, nhưng cứ trách mọi việc địa phương đẩy lên trung ương. Không thể cãi cọ nhau 10m2 đất cũng đưa lên Thủ tướng", ông Phúc nói.

Đề án thứ hai, theo ông Phúc là chuyển giao nhiệm vụ của Nhà nước, các dịch vụ công cho doanh nghiệp, xã hội. Cải cách như vậy mới tinh giản được bộ máy và các nhà quản trị đất nước mới thể hiện được mình.

"Nếu không trao đủ quyền thì anh đừng đòi hỏi trách nhiệm. Anh cứ trao đủ quyền đi, anh nào không làm được thì chuyển hoặc loại bỏ, giữ lại người tài người giỏi", ông Phúc nhấn mạnh.

Cải cách hành chính còn “đơn phương độc mã”

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu cũng nhấn mạnh, dứt khoát công cuộc CCHC của đất nước không thể dừng lại mà càng cải cách mạnh hơn.

Chức năng hành chính, hành pháp của Chính phủ đã đầy đủ, trọng tâm không chỉ có hành chính thuần túy mà là hoạch định, điều hành chính sách quốc gia. Chính phủ với tư cách quản trị, quản lý đất nước hoạch định càng nhiều chính sách càng tốt.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Văn Tất Thu

Tuy nhiên, ông Thu cũng đưa ra một số thách thức trong công cuộc CCHC. Trong đó có tình trạng các nhà CCHC cô đơn quá, tiến hành CCHC nhưng “đơn phương độc mã”.

Theo ông, cuộc CCHC của đất nước bao giờ cũng gồm cải cách: lập pháp, hành pháp, tư pháp và cuối cùng là cải cách lớn nhất và chi phối các cuộc cải cách khác là đổi mới hệ thống chính trị.

“Chừng nào chúng ta chưa làm được việc này thì không kỳ vọng gì. Cho nên muốn cải cách thì phải tiến hành cải cách đồng bộ những việc này”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Thách thức nữa được ông Thu nêu rõ là tư tưởng bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong tiềm thức của đội ngũ cán bộ công chức chưa vượt qua khỏi được.

“Phải loại bỏ ngay những điều này thì mới tiến hành cải cách được”, ông Thu nhấn mạnh cải cách hành chính không thể hô hào, không thể chủ quan duy ý chí. Cải cách bằng quyết tâm chính trị thôi thì chưa đủ.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến 31/3/2020, các bộ ngành Trung ương đã giảm 10.284 người ; các địa phương giảm 13.612 người so với số biên chế được giao năm 2015.

Đến nay, tổng số biên chế công chức của 95 bộ ngành và địa phương từ cấp huyện trở lên được giao 318.048 người. Trong đó, công chức ở 32/33 bộ ngành Trung ương là 135.325 người; công chức ở 63 địa phương từ cấp huyện trở lên là 182.723 người.

Tổng số biên chế công chức hiện có: 295.536 người. Trong đó, công chức bộ ngành Trung ương là 125.144 người (44,24%); công chức ở địa phương từ cấp huyện trở lên là 170.042 người (55,76%).

Số liệu này thiếu Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, không kể Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Theo Vietnamnet