|
Tàu ngầm lớp “Varshavianka” Kilo trên biển. Ảnh minh họa Military Watch Mgazine |
Hạm đội tàu ngầm Hải quân Nga có số lượng thứ tư trên thế giới với 63 tàu trong biên chế - hàng đầu là hạm đội tàu ngầm Bắc Triều Tiên (76 chiếc), Mỹ (70 chiếc) và Trung Quốc (68 chiếc) nhưng đứng hàng thứ 2 sau Mỹ về uy lực, sức mạnh và cấp độ nguy hiểm.
Hạm đội tàu ngầm Mỹ hoàn toàn là chiến hạm sử dụng năng lượng nguyên tử, Nga hiện nay và Liên Xô trước đây đầu tư mạnh vào cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và diesel. Loại tàu ngầm năng lượng nguyên tử có lợi thế do khả năng cung cấp năng lượng không phụ thuộc vào không khí, do đó có lợi thể trực chiến trên biển trong nhiều tháng. Khả năng này tạo ra lợi thế tấn công đáp trả bằng vũ khí hạt nhân vào quốc gia kẻ thù như tàu ngầm lớp Cá heo - Dolphin của Israel hoặc tàu ngầm Trident của Anh trong biên chế trang bị.
Từ quan điểm khai thác sử dụng khác, tàu ngầm diesel điện cho thấy khả năng sống còn rất cao trong một trận hải chiến. Trong đó hệ thống truyền chuyển động tàu ngầm diesel có độ ồn rất thấp, khiến cho các sonar rất khó phát hiện so với các tàu ngầm hạt nhân.
Hải quân Nga đang có khoảng 28 tàu ngầm diesel điện lớp Kilo, tăng cường sức mạnh phòng ngự cho lực lượng tàu ngầm nguyên tử tầm xa chiến lược. Trên chiến trường châu Âu, Trung Đông và vùng Viễn Đông thuộc Nga, hải đoàn tàu ngầm diesel có đủ năng lực phòng thủ bảo vệ vùng biển và lãnh hải Nga, bảo vệ các quốc gia đồng minh chống lại các lực lượng hải quân đối phương và khủng bố. Tàu ngầm lớp Kilo dự án 636 được đóng liên tục trong hơn ba thập kỷ nay, được Hải quân Liên Xô đưa vào biên chế vũ khí trang bị lần đầu tiên vào năm 1980.
Trong những năm gần đây, tàu ngầm lớp Kilo dự án 636 đã thể hiện những tính năng kỹ chiến thuật rất tốt. Đến thời điểm này, có khoảng 59 tàu ngầm lớp Kilo hiện đang phục vụ trong hải quân 8 quốc gia. Ngày nay, những tàu ngầm Kilo thời kỳ Liên Xô vẫn đang sử dụng loại tàu này: Ba Lan sở hữu một tàu ngầm Kilo, Ấn Độ có 9 tàu ngầm Kilo, Iran được trang bị 3 tàu, Trung Quốc cũng có một số tàu ngầm lớp Kilo và Romania có một tàu ngầm duy nhất.
Một biến thể nâng cấp của tàu ngầm Kilo, Kilo 636 Improved, được thay thế hoàn toàn phần thiết bị điện tử thân tàu và những trang thiết bị được hiện đại hóa. Những chiến hạm hiện đại hóa này có những tính năng kỹ chiến thuật vượt trội lớn, giảm tiếng ồn và tăng cường sử dụng các vật liệu cách âm khiến tàu ngầm trở lên cực kỳ yên tĩnh và gần như không thể phát hiện được khi đứng tại chỗ do không có tiếng bọt nước.
Những tàu ngầm lớp “Varshavianka” Kilo hiện đại hóa này được NATO đặt tên tàu ngầm Hố Đen – “Black Hole” do khả năng làm vô hiệu hóa các cảm biến sonar, điện từ trường của đối phương. Việt Nam có trong biên chế với 6 tàu ngầm lớp 636.1, Algeria có 4 chiếc mới - và 2 tàu cũ hơn. Hải quân Nga hiện có trong biên chế 22 tàu ngầm lớp “Varshavianka” Kilo cũ, 6 tàu Kilo nâng cấp lớp 636.3 và hiện đang đóng 6 tàu ngầm Kilo nâng cấp và hiện đại hóa, biên chế cho hạm đội Thái Bình Dương vào năm 2021.
Nhiều quốc gia khác, trong đó có Philippines quan tâm đến việc mua lại các các tàu ngầm lớp Kilo- phương tiện chiến đấu phi đối xứng đối với các cường quốc hải quân trên biển.
Tàu ngầm lớp “Varshavianka” Kilo nâng cấp, hiện đại hóa được trang bị tên lửa hành trình Kalibr phóng qua ống ngư lôi, có khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền, chiến hạm nổi và tàu ngầm với tốc độ siêu âm. Các tàu Kilo được trang bị ngư lôi và thủy lôi tiên tiến, thủy thủ đoàn được trang bị tổ hợp phòng không di động MANPAD Strela-3, cho phép tấn công các mục tiêu – phương tiện bay trên không, trong tương lai các nước có thể mua Vebra, tên lửa phòng không tiên tiến hơn có khả năng tiêu diệt được máy bay không người lái.
Tính năng kỹ chiến thuật đặc trưng nhất của lớp lớp “Varshavianka” Kilo là khả năng sống còn của tàu ngầm trong các vùng nước hẹp. Độ ồn rất thấp của tàu ngầm dự án 636 khiến các phương tiện săn ngầm hiện đại rất khó phát hiện. Cấu trúc thân của Kilo có hình dạng giống như giọt nước, giảm đáng kể sức cản thủy động học và ngăn ngừa tạo ra xoáy nước đặc trưng dọc thân tàu gây tiếng ồn. Động cơ chân vịt được phân lập trên đế cao su cách ly thân tàu, ngăn chặn các rung chấn có thể chuyển hóa thành tiếng ồn thân tàu. Lớp phủ cao su trên thân tàu hấp thụ tiếng ồn lan trong sóng nước. Khác hơn tàu ngầm hạt nhân, Kilo không thể hoạt động ngầm nhiều tháng như các tàu ngầm năng lượng nguyên tử, nhưng hệ thống tái tạo không khí của Kilo có thể giúp cho thủy thủ đoàn oxy tối đa 260 giờ lặn ngầm, tương đương hai tuần.
Trước đó, trong các nước thuộc liên bang Xô viết, Ukraine chịu trách nhiệm đóng chiến hạm cho hải quân và đồng minh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine từ bỏ nghĩa vụ này và gần như phá hủy hoàn toàn nền công nghiệp quốc phòng. Nhưng Nga là quốc gia kế thừa Liên Xô đã giữ lại được các công xưởng, nhà máy đóng tàu cũ, nâng cấp trang bị và nhân sự, tiếp tục chế tạo và hiện đại hóa những thiết kế tàu ngầm và chiến hạm nổi. Tàu ngầm lớp Kilo là một thiết kế thành công lớn cả về tính năng kỹ chiến thuật và thị trường vũ khí thế giới.
Tàu ngầm lớp “Varshavianka” Kilo đang là mối đe dọa lớn đối với các lực lượng hải quân kẻ thù tiềm năng, chủ yếu là khối quân sự NATO. Có trong biên chế của hải quân Việt Nam, tàu ngầm diesel điện Kilo là phương tiện tác chiến rất quan trọng, đóng vai trò vũ khí răn đe, ngăn chặn của đất nước khi căng thẳng trên Biển Đông có thể diễn biến phức tạp, và các bên đều nhận thấy sẽ có những tổn thất không thể chấp nhận được khi ngọn lửa xung đột vũ trang bùng phát trên Biển Đông.
Hải quân Iran, triển khai tàu ngầm lớp Kilo trên vùng nước eo biển Hormuz với ý định rõ ràng. Đây là một trong những đe dọa lớn nhất đối với các cụm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ khi ngư lôi của Kilo có thể phối hợp với các vũ khí chống tàu khác.
Trong tương lai gần, tàu ngầm Kilo cải tiến sẽ được thay thế bằng tàu ngầm lớp Lada, có năng lực kỹ chiến thuật thậm chí còn cao hơn hẳn các tàu ngầm hiện nay đang phục vụ trong Hải quân Nga. Đây là tàu ngầm mà độ ồn còn thấp hơn 636.3, trang bị vũ trang tốt hơn so với Kilo Improved, được trang bị trạm nguồn yếm khí (không phụ thuộc vào không khí). Tàu ngầm Lada có khả năng trở thành một phương tiện thành công trong xuất khẩu và tiếp tục là mối đe dọa NATO trong cuộc leo thang xung đột với Nga .