Thủ tướng vừa chỉ đạo các Bộ ngành liên quan triển khai xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới có tầm cỡ quốc tế tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trước đây, theo quy hoạch Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới được xây tại 2 nơi: Cổ Loa và Mễ Trì. Nay, để tăng cường hiệu quả sử dụng đất và để phù hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới được xây dựng ở Thủ đô, Thủ tướng đồng ý nhập Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế để thành lập Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới (Trung tâm Hội chợ triển lãm) tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh
Theo trang web chinhphu.vn (VGP) cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, Thủ tướng cho rằng Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của cả nước, cần có những công trình quy mô, hiện đại xứng đáng với tầm vóc Thủ đô "Ngàn năm Văn hiến".
Chủ trương xây dựng Trung tâm triển lãm quốc gia, quốc tế đã có từ lâu nhưng việc thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Thành phố. Do đó, các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh việc triển khai xây dựng Trung tâm triển lãm quốc gia mới này.
Theo ý kiến của Thủ tướng, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới có tầm cỡ quốc tế, đáp ứng nhu cầu triển lãm cho các sự kiện trong nước và quốc tế, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thủ đô văn minh, hiện đại của đất nước có 100 triệu dân và đang trong quá trình xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới được thực hiện từ việc khai thác quỹ đất tại khu đất số 148 Giảng Võ, khu đất tại Mễ Trì và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xác định quy mô, vị trí, ranh giới khu vực đất dành cho Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới; chỉ đạo lập các quy hoạch chi tiết Dự án nêu trên và phê duyệt theo thẩm quyền.
Trên cơ sở các Quy hoạch chi tiết của các dự án thành phần được phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam) lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới; đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tài chính, phương án quản lý, sử dụng đối với Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét, quyết định...
Bao giờ Triển lãm Giảng Võ thành… trung tâm thương mại?
Được biết, cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Trung tâm Hộ chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) hiện nay là Tập đoàn Vingroup, với tỷ lệ sở hữu lên đến gần 90%.
Trước đó, theo tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được quy định tại phương án cổ phần hóa VEFAC, Tập đoàn Vingroup cam kết huy động 100% vốn cho Công ty Cổ phần VEFAC để thực hiện Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia (trong đó có tiền sử dụng đất tại Dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại số 148 Giảng Võ) theo đúng quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; vốn huy động đảm bảo tối ưu về lãi suất, thời hạn vay, điều kiện cho vay, độ tin cậy của nguồn cấp vốn theo đúng tiến độ (kèm theo cam kết của tổ chức tín dụng uy tín cấp vốn cho nhà đầu tư chiến lược).
Phương án này cũng quy định rõ: Chậm nhất 3 năm kể từ khi được nhận mặt bằng, giai đoạn 1 của Khu hội chợ triển lãm phải hoàn thành.
Phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia - Quốc tế mới được Vingroup công bố.
Đặc biệt, Vingroup cũng như VEFAC phải “bảo đảm tính liên tục việc tổ chức Hội chợ triển lãm, tức là Dự án Giảng Võ chỉ được xây dựng khi hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm đã được chuyển về khu hội chợ triển lãm tại Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Khu hội chợ này phải đáp ứng được quy mô, điều kiện tổ chức hội chợ triển lãm.”
Có nghĩa rằng, chỉ khi nào dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới tại khu vực Cổ Loa được hoàn thành thì Vingoup (thông qua VEFAC) mới được chuyển đổi 7ha đất tại khu triển lãm Giảng Võ hiện nay thành một “Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, là điểm nhấn kiến trúc trong khu vực nội đô; một quần thể vui chơi giải trí, mua sắm, đạt hiệu quả”. Và chậm nhất trong 3 năm, dự án phải được hoàn tất.
Được biết, vốn điều lệ của VEFAC là 1.666 tỷ đồng, trong đó, qua lần đầu tư chiến lược, Vingroup đã sở hữu tới 80% công ty với giá bán đề xuất chỉ 10.050 đồng/cổ phần.
Ninh Giang