Ngày 22/11/2024, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect (SAMA) và Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ I.
Nhân dịp tháng kỷ niệm 65 năm hoạt hình Việt Nam (1959 -2024), Liên hoan Phim hoạt hình Dòng khát vọng lần thứ I được tổ chức với chủ đề “Dòng chảy hoạt hình Việt Nam”. Liên hoan phim được tổ chức để kết nối các thế hệ nghệ sĩ, tôn vinh những đóng góp cho sự phát triển của ngành hoạt hình, lan tỏa và kết nối các giá trị trong cộng đồng.
Tại Liên hoan phim, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức bày tỏ rằng 65 năm đi qua những thăng trầm lịch sử, hoạt hình Việt Nam vẫn ngày tháng bền bỉ với khát vọng chinh phục những cột mốc mới, sản xuất ra những bộ phim hoạt hình “Make in Vietnam”. Hoạt hình là cách kể chuyện độc đáo để quảng bá văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
"Năm nay, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng, đánh dấu một bước chuyển mình tích cực của ngành hoạt hình Việt", ông Vũ Kiêm Văn nói.
Liên hoan phim cũng dành thời lượng đáng kể để chiếu các bộ phim hoạt hình tiêu biểu của Việt Nam và Pháp phục vụ người dân tại 4 cụm chiếu đã thu hút hơn 1.000 lượt khán giả đăng ký xem phim. Sự kiện này không chỉ giúp thúc đẩy sự sáng tạo trong giới làm phim hoạt hình mà còn thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành, tạo động lực để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên thị trường hoạt hình khu vực và thế giới.
Mỗi bộ phim là biểu tượng của khát vọng vươn xa và gìn giữ bản sắc Việt
Chia sẻ về dòng chảy lịch sử của hoạt hình, NSUT Trịnh Lâm Tùng - CEO Công ty Alpha Animation Studio chia sẻ rằng câu chuyện về hoạt hình Việt Nam tựa như một bức tranh đầy màu sắc và cảm xúc, được vẽ nên qua bao thế hệ với niềm đam mê và sự kiên trì bền bỉ.
Khởi nguồn vào năm 1959 giữa khói lửa chiến tranh, những nét vẽ đầu tiên của hoạt hình Việt Nam đã ra đời với tác phẩm “Đáng đời thằng Cáo”. Thuở đầu, những thước phim ấy chủ yếu gắn liền công tác truyền tải lịch sử hào hùng nên không khó để nhận ra tinh thần dân tộc và khát vọng hòa bình của đồng bào ta trong mỗi khung hình.
Đến năm 1992, phim hoạt hình “Người thợ chạm tài hoa” đánh dấu bước chuyển mình từ phương pháp thủ công sang công nghệ kỹ thuật số để tạo nên những hiệu ứng hình ảnh độc đáo. Tiếp nối là “Dưới bóng cây” (2011), một trong những bộ phim 3D đầu tiên, mang đến những khung hình chân thực và sâu sắc, chạm đến trái tim người xem.
Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi hoạt hình Việt Nam lần đầu tiên ra mắt dự án phim hoạt hình 3D dài tập “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” và bộ phim điện ảnh hoạt hình “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” do các nhà sản xuất trong nước sản xuất. Với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại cùng nét vẽ ngộ nghĩnh và nội dung giáo dục nhẹ nhàng đã đưa hoạt hình Việt đến với người xem trong nước và quốc tế.
Trải qua 65 năm, cùng với sự phát triển của công nghệ số và những nền tảng truyền thông mới, hoạt hình Việt Nam đã tự tin bước ra thế giới, mang theo niềm tự hào văn hóa dân tộc.
"Hành trình ấy không hề dễ dàng, những thách thức về nguồn lực và sự cạnh tranh khốc liệt khi bước ra thị trường quốc tế luôn hiện diện. Thế nhưng, hoạt hình Việt Nam vẫn kiên cường, mạnh mẽ, để lại dấu ấn qua những tác phẩm chất lượng và chạm đến trái tim khán giả", Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Sconnect Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ.
Ông Hoàng cho rằng, mỗi bộ phim không chỉ là thành quả của công nghệ và sáng tạo, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn xa và gìn giữ bản sắc Việt.
Hơn 100 dự án tiềm năng tham gia Giải thưởng Khát vọng Hoạt hình
Liên hoan phim diễn ra từ 8/11/2024 đến 30/11/2024 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với khoảng 20 sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ chương trình. Trong đó, có nhiều hoạt động phong phú như: Chợ dự án; tour tham quan tìm hiểu dòng chảy hoạt hình Việt Nam; tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí; chuỗi hội thảo song hành; lễ ra mắt doanh nghiệp và lễ công bố 4 dự án sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp “Make in Vietnam” cùng rất nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa khác.
Một hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ Liên hoan phim là Giải thưởng “Khát vọng hoạt hình”. Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh những tài năng xuất sắc và tìm kiếm, khai phá tiềm năng mới trong lĩnh vực hoạt hình. Giải thưởng bao gồm 3 hạng mục: kịch bản, nhân vật hoạt hình, phim hoạt hình và 6 giải thưởng: Kịch bản phim truyện hoạt hình tiềm năng, kịch bản series phim hoạt hình tiềm năng, bộ nhân vật hoạt hình xuất sắc, bộ nhân vật hoạt hình tiềm năng, phim ngắn hoạt hình xuất sắc, series phim hoạt hình xuất sắc.
Theo Ban Tổ chức, kể từ lúc phát động, Giải thưởng Khát vọng Hoạt hình đã thu hút đông đảo thí sinh tham dự. Sau quá trình làm việc công tâm của Ban Giám khảo, từ hơn 100 dự án đầy tiềm năng, Ban Tổ chức đã chọn ra 30 tác phẩm đề cử vào vòng chung khảo, trong đó có 9 dự án tiềm năng có cơ hội thuyết trình trước Hội đồng Ban giám khảo tại vòng chung kết diễn ra ngày 24/11.
Cũng trong khuôn khổ liên hoan phim, triển lãm “Dòng chảy hoạt hình Việt Nam” là không gian trưng bày các tác phẩm đậm nét họa Việt, chiêm ngưỡng những tác phẩm tiêu biểu qua từng giai đoạn lịch sử, đồng thời khám phá các kỹ thuật sản xuất mới, từ 2D, 3D, đến Frame by Frame và Stopmotion.