|
TH School từng gây xôn xao dư luận với mức học phí lên đến nửa tỷ đồng mỗi năm. (Ảnh: Internet) |
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 610/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông TH School Hòa Lạc.
Trường có tên tiếng Anh là “TH School Hoa Lac”; thuộc loại hình trường tư thục; trụ sở tại Khu dịch vụ tổng hợp 1, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông TH School Hòa Lạc là cơ sở giáo dục và đào tạo tư thục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông có nhiều cấp học của thành phố Hà Nội; được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông TH School Hòa Lạc tổ chức và hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011, Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy định của pháp luật và Thành phố; Trường chịu sự chỉ đạo, quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội.
Như vậy, sau cơ sở đầu tiên được khánh thành vào đầu năm 2017 tại số 6 phố Chùa Bộc, Q. Đống Đa, Hà Nội, hệ thống trường liên cấp TH School lại sắp có thêm một cơ sở mới. Lần này là tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
TH School vẫn được biết đến rộng rãi là một trong những cơ sở giáo dục hiện đại, đồng bộ được phát triển bởi Tập đoàn TH (TH Group) của nữ doanh nhân Nghệ An, bà Thái Hương; ghi dấu ấn là hệ thống trường quốc tế đầu tiên được sáng lập bởi người Việt. Ngay trong lần đầu tuyển sinh (niên học 2016 - 2017), TH School đã gây sốc với nhiều người bởi mức học phí khủng, dao động từ 232 triệu đến 523 triệu một năm nếu đóng theo kỳ.
Nhắc đến TH School, công chúng thường lập tức liên hệ tới TH Group và bà chủ TH True Milk Thái Hương. Tuy nhiên, ít người để ý tìm hiểu đâu là pháp nhân trực tiếp đứng tên sở hữu, quản lý hệ thống trường học “nhà giàu” này.
CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế
Theo dữ liệu của VietTimes, pháp nhân trực tiếp đứng tên sở hữu và quản lý hệ thống TH School là CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế. Công ty này được thành lập ngày 03/03/2010, đăng ký trụ sở chính tại số 09 Đào Duy Anh, phường Phương Liên, Q. Đống Đa, Hà Nội, do ông Nguyễn Phương Đông (SN 1977, thường trú tại phường Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) làm Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.
Công ty được sáng lập bởi 3 cổ đông, gồm: Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank); CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Tùng.
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 28/07/2017, CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ mức 170 tỷ đồng lên 195,2 tỷ đồng. Cơ cấu sở hữu công ty theo đó cũng có nhiều thay đổi.
Cụ thể, Bac A Bank tuy vẫn giữ nguyên quy mô nắm giữ tại CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế ở mức 700.000 cổ phần, nhưng tỷ lệ sở hữu đã bị pha loãng từ 4,118% về còn 3,586%.
CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội lại giảm quy mô nắm giữ từ 4.698.000 cổ phần về còn 979.100 cổ phần, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 27,635% về 5,016%.
Không rõ ông Nguyễn Thanh Tùng có được CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội chuyển nhượng cổ phần nào không, nhưng cổ đông thể nhân này đã nâng mạnh quy mô nắm giữ tại CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế từ 2.360.000 cổ phần lên thành 3.994.920 cổ phần, tương ứng tăng tỷ lệ sở hữu từ 13,882% lên 20,466%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng đã thay thế CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội trở thành cổ đông sáng lập lớn nhất tại CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế. CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội được thành lập tháng 03/2004 và hiện do một người họ Thái làm đại diện, là ông Thái Duy Đô (Tổng Giám Đốc) – cựu thành viên HĐQT Bac A Bank. Còn ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1978, đăng ký hộ khẩu trường trú tại Thôn Trịnh, Xã Duy Minh, Huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam; Đây thực sự vẫn là một cái tên còn xa lạ với nhiều người.
Lưu ý rằng, theo đăng ký kinh doanh thì tính từ ngày 28/07/2017, tổng sở hữu của 3 cổ đông sáng lập cũng mới chỉ đạt 29,068% vốn điều lệ CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế. Vậy hơn 70% cổ phần pháp nhân này đang được sở hữu bởi ai?
Với sự hiện diện khuynh loát của TH Group ở TH School, tất nhiên các cá nhân, tổ chức có liên quan tới TH Group hay nữ doanh nhân Thái Hương sẽ là những cái tên có khả năng cao nhất trong việc sở hữu 70% cổ phần còn lại của CTCP Quản lý, Đầu tư Giáo dục Quốc tế./.