Sagri làm ăn thế nào?

VietTimes – Từ giữa năm 2016, ban lãnh đạo cũ của Sagri như Chủ tịch HĐTV Vân Trọng Dũng và Tổng Giám đốc Lê Tấn Hùng liên tục phê duyệt các dự án lớn.
Trụ sở Sagri (Nguồn: Internet)
Trụ sở Sagri (Nguồn: Internet)

Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa bị khởi tố “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vì sai phạm liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri).

Theo tìm hiểu của VietTimes, Sagri là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được thành lập cuối năm 1996 dựa trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của TP. HCM.

Tính đến cuối năm 2019, Sagri có quy mô tổng tài sản đạt 3.046 tỷ đồng, bao gồm 4 đơn vị phụ thuộc, 6 công ty con và 13 công ty liên kết.

Dù sở hữu lượng quỹ đất đáng nể, song kết quả kinh doanh của Sagri những năm gần đây không thực sự nổi bật. Năm 2019, Sagri ghi nhận doanh thu đạt 2.708,2 tỷ đồng, giảm tới 21% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 84,8 tỷ đồng, tăng 39,4% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh của Sagri giai đoạn 2016-2019
Kết quả kinh doanh của Sagri giai đoạn 2016-2019

Các báo cáo tài chính của Sagri những năm gần đây còn nhận được nhiều ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán liên quan đến những khoản đầu tư.

Từ giữa năm 2016, ban lãnh đạo cũ của Sagri như Chủ tịch HĐTV Vân Trọng Dũng và Tổng Giám đốc Lê Tấn Hùng liên tục phê duyệt các dự án lớn theo hình thức góp vốn.

Cụ thể, Sagri triển khai 7 dự án trọng điểm bao gồm đầu tư cụm công nghiệp, trại heo giống, nhà máy giết mổ gia súc gia cầm… Ngoài ra, Sagri còn hợp tác phát triển 4 dự án khu công nghiệp và đô thị dịch vụ liền kề, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên các khu đất có tổng quy mô 1.900 ha nhưng đến nay đã bị ngừng thực hiện.

Tháng 8/2016, Sagri và Tập đoàn Trung Thủy ký hợp đồng thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri (Trung Thủy Sagri) để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất 650 ha tại huyện Củ Chi.

Trung Thủy Sagri có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Sagri nắm giữ 36% cổ phần. Theo hợp đồng, Trung Thủy tự nguyện cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn 59 tỷ đồng, đồng thời không tính lãi trong 3 năm và thanh toán thêm cho Sagri 500 triệu đồng mỗi hecta chi phí đầu tư đất.

Một thương vụ cũng có nhiều nét tương đồng là việc Sagri hợp tác với Tổng Công ty CP Phong Phú (Phong Phú) đầu tư xây dựng dự án Phước Long B tại quận 9 với quy mô hơn 3,75 ha. Trong đó, vốn góp của Sagri là 28%, của Phong Phú là 72%. 

Theo kết luận của Thanh tra TP. HCM, Sagri đã chuyển nhượng trái phép 3,75ha dự án Khu nhà ở Phước Long B (Quận 9, TP.HCM) Phong Phú với mức giá 168 tỷ đồng – tương đương với 10,5 triệu/m2. Đây là mức giá quá thấp so với giá thị trường thời điểm năm 2017. 

Đến tháng 6/2019, UBND TP. HCM đã thu hồi, hủy bỏ quyết định cho phép chuyển nhượng, đồng thời buộc hai bên phải hủy hợp đồng chuyển nhượng, rà soát hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Việc đầu tư và sai phạm tại các dự án này là nguyên nhân chính khiến nhiều lãnh đạo của Sagri bị tạm giam điều tra, có thể kể đến như Chủ tịch HĐTV Vân Trọng Dũng, Tổng Giám đốc Lê Tấn Hùng, Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy và gần đây nhất là ông Trần Vĩnh Tuyến.

Năm 2020, Sagri được giao chỉ tiêu doanh thu đạt 1.472 tỷ đồng, lãi trước thuế là 42 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phân các dự án đầu tư thành 3 nhóm gồm đang phát triển, ngưng thực hiện và chờ chủ trương mới.

Ngoài ra, UBND TP. HCM yêu cầu Sagri tập trung vào các hoạt động cốt lõi như mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ nông sản, tăng năng suất lao động thay vì mở rộng dàn trải nhiều dự án lớn./.