Sách Trung Quốc: lo từ online đến sách in

Sách dịch từ sách Trung Quốc đang có một đời sống khá ồn ào tại VN. Khác với nhiều dòng sách khác, một lượng lớn sách từ Trung Quốc xuất phát từ thế giới mạng.
Tại một nhà sách ở TP.HCM, số lượng các sách dịch từ sách Trung Quốc chiếm 10% trong tổng số các sách. Với hệ thống phát hành lớn nhất Việt Nam là Fahasa, tỉ lệ sách từ Trung Quốc chỉ chiếm dưới 5%.  Nhưng vấn đề sách Trung Quốc tại thị trường Việt Nam cò
Tại một nhà sách ở TP.HCM, số lượng các sách dịch từ sách Trung Quốc chiếm 10% trong tổng số các sách. Với hệ thống phát hành lớn nhất Việt Nam là Fahasa, tỉ lệ sách từ Trung Quốc chỉ chiếm dưới 5%. Nhưng vấn đề sách Trung Quốc tại thị trường Việt Nam cò

Tại một nhà sách ở TP.HCM, số lượng các sách dịch từ sách Trung Quốc chiếm 10% trong tổng số các sách. Với hệ thống phát hành lớn nhất Việt Nam là Fahasa, tỉ lệ sách từ Trung Quốc chỉ chiếm dưới 5%.

Nhưng vấn đề sách Trung Quốc tại thị trường Việt Nam còn là câu chuyện phức tạp khác, khi con đường từ online đến sách in vốn ồn ào và ẩn chứa nhiều rủi ro.

Một dịch giả tiếng Trung tại TP.HCM ước lượng hiện nay có đến khoảng 80% các công ty sách xem mạng Internet bao gồm chủ yếu là các diễn đàn đọc - dịch (forum) như một kênh tham khảo để chọn bản thảo xuất bản.

Ngồn ngộn từ thế giới mạng

Cách đây ba năm, khi tập đầu tiên của bộ sách Cực phẩm gia đinh (tác giả Vũ Nham, NXB Lao Động) ra mắt tại Việt Nam, có một số ý kiến từ giới phụ huynh lên tiếng cho rằng nội dung không ổn, có nhiều tình tiết dung tục, thậm chí nhảm và không có tác dụng giáo dục...

Nhưng cũng tại thời điểm đó, cộng đồng mạng đã chia nhau cùng dịch trọn bộ truyện này. Và sau đó, các tập còn lại của bộ Cực phẩm gia đinh được lần lượt xuất bản tại Việt Nam.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ xíu trong nhiều trường hợp tác phẩm Trung Quốc gia nhập thị trường sách Việt Nam theo con đường “từ mạng đến nhà in”.

Mặc dù hiện nay Cục Xuất bản chưa có thống kê cụ thể sách Trung Quốc chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong tổng thể thị trường xuất bản phẩm, nhưng giới đọc sách online đều có thể lập tức kể vanh vách các đầu sách nổi tiếng xuất bản ở Việt Nam từng gây đình đám trước đó trên mạng: Yêu em từ cái nhìn đầu tiên, Sam Sam đến đây ăn nào (Cố Mạn), Ai là ai của ai (Tiên Chanh), Tam sinh tam thế thập lý đào hoa (Đường Thất Công Tử), Bộ bộ kinh tâm (Đồng Hoa),Hẹn đẹp như mơ (Phỉ Ngã Tư Tồn), Vì sao đông ấm, vì sao hạ mát (Cố Tây Tước), Khách qua đường vội vã (Phiêu A Hề), Nếu chỉ là thoáng qua (Mai Tử Hoàng Thì Vũ), Bí mật bị thời gian vùi lấp (Đồng Hoa). Kể cả một số bộ được xem là có nội dung sex phản cảm như Dụ tình (Ân Tầm), Ngủ cùng sói, Nụ hôn của sói (Diệp Lạc Vô Tâm) cũng “nổi tiếng” trước từ các trang mạng.

Chưa có thống kê chính thức nào cho thấy hiện có bao nhiêu diễn đàn và trang web (forum) đang hoạt động dịch và đọc sách Trung Quốc. Nhưng một người có thâm niên sinh hoạt trong giới này vừa làm một rà soát bỏ túi và đưa ra danh sách 31 trang mạng loại này.

Đây là những trang đọc và dịch các sách Trung Quốc từ ngôn tình, đam mỹ, kiếm hiệp, tiên hiệp, xuyên không, dị hiệp, võng du, trùng sinh... nhiều đến không thể kiểm đếm nổi.

Và số lượt người tham gia các diễn đàn này cũng rất nhiều, kể sơ sơ như trang Bạch Ngọc Sách có hơn 41.000 thành viên, trang Tàng Thư Viện có trên 130.000 thành viên. Cứ hình dung cộng đồng mạng của 30 trang như vậy thì đã là một phân khúc đọc không hề nhỏ.

Cho nên, khác với lời than phiền của các bậc phụ huynh và giới “mô phạm”, những bạn trẻ 9x, 10x (sinh vào thập niên 1990 đến 2000) cho rằng giới trẻ Việt Nam hiện nay đọc rất nhiều, rất khỏe.

Thậm chí một số người theo dõi các diễn đàn mạng còn cho biết trong số độc giả online hiện nay có nhiều người thuộc giới công chức, nhân viên văn phòng, họ tìm đọc như một liệu pháp giải trí.

“Họ chỉ theo dõi nội dung truyện, đọc xong quên luôn, hôm sau lại đọc truyện khác. Với những người này, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng dịch thuật, chỉ cốt đọc cho xuôi và theo dõi...” - một người trong giới xuất bản nhận định.

“Nhưng rõ ràng, các trang mạng với cộng đồng dịch - đọc như vậy lại là một kênh tham khảo cho các nhà làm sách ở Việt Nam. Họ theo dõi các bộ truyện nào đang thu hút người đọc, đang được thảo luận và bày tỏ yêu thích hay không, từ đó họ quyết định chọn mua bản quyền và xuất bản bằng sách giấy” - Mai Quyên, dịch giả tiếng Trung đang công tác tại NXB Tổng Hợp TP.HCM, cho biết.

Phó thác cho phần mềm

Đặc điểm không chuyên nổi bật ở các trang mạng đọc - dịch truyện online Trung Quốc kể trên là thành viên sử dụng các phần mềm convert (chuyển đổi) từ tiếng Trung sang tiếng Việt - một cách “dịch bằng máy” rồi sau đó sẽ có người chỉnh sửa lại câu cú sao cho đọc suôn, tạm thời hiểu được nội dung nguyên tác.

Bằng cách này, tốc độ dịch các truyện từ Trung Quốc đạt rất nhanh, các diễn đàn lại tăng tốc độ dịch bằng cách kêu gọi thành viên tham gia và chia nhau dịch theo kiểu một tập truyện trăm trang thì chia cho 5 - 7 thành viên mỗi người dịch một ít, sau khi dịch xong sẽ tập hợp lại. Cách này nhanh chóng cho ra một bản dịch với tốc độ nhanh nhất. Phía tác giả Trung Quốc vừa công bố nguyên tác thì chỉ vài chục giờ sau, nếu muốn, phía Việt Nam đã có bản dịch.

Nhưng vì lạm dụng cách dịch “chẻ nát” nguyên tác ra như thế, nên tình trạng bản dịch với câu cú lộn xộn, nhân danh địa danh ở đầu sách và cuối sách dùng không khớp nhau... nhiều như cơm bữa. Không những thế, hệ lụy của kiểu làm việc tập thể nhưng thiếu thống nhất như vậy dẫn đến cách gọi thể loại truyện cũng sai.

Như có một thể loại truyện được gọi là “trọng sinh”, lâu nay vẫn đọc vẫn dịch và ngầm hiểu đây là những truyện về nhân vật chết đi sống lại đầu thai làm người khác trong bối cảnh khác... nhưng thật ra chữ trọng phải đọc là trùng mới đúng, và “trùng sinh” là cách gọi về những trường hợp nhân vật sinh làm nhiều kiếp, lặp đi lặp lại theo ý đồ cốt truyện của tác giả.

Nhưng những đúng - sai kiểu như vậy ở các diễn đàn mạng đều được xem là “chuyện nhỏ”. Công việc dịch được phó thác cho các phần mềm, và theo như một dịch giả tiếng Trung cho biết, thậm chí có một số diễn đàn đọc - dịch online kiểu này có đến 90% thành viên không biết tiếng Trung vẫn tham gia convert truyện và chia sẻ cho mọi người cùng đọc.

Tiềm ẩn rủi ro

Giới kinh doanh sách đều thừa nhận việc in sách ra có bán được hay không tùy thuộc phần lớn ở người đọc. Làm chủ sự rủi ro ấy được nhiều hay ít phụ thuộc vào kinh nghiệm thị trường của mỗi đơn vị làm sách. Đây cũng là một điểm riêng, khác hoàn toàn với các diễn đàn mạng.

Bởi sách in phải đầu tư nhiều khâu, là “cuộc chơi” của những nhà kinh doanh sách. Họ phải bằng mọi cách tìm hiểu thị hiếu người đọc để quyết định chọn mua, dịch quyển nào, nếu không muốn đầu sách của mình in ra bị thất bại.

Theo Thúy Ngọc - một dịch giả tiếng Trung tại Hà Nội, một số công ty hiện nay có đội ngũ biên tập viên và nhân viên giao dịch bản quyền có nghề, có ngoại ngữ, họ có khả năng đánh giá và chọn mua bản thảo tốt từ Trung Quốc.

Ông Lê Thanh Huy - giám đốc Công ty sách Bách Việt - cũng khẳng định nhóm khai thác bản quyền của công ty ông dựa trên các thông tin chào hàng từ những NXB Trung Quốc, từ các cộng tác viên, dịch giả quen biết giới thiệu... Và các diễn đàn mạng đọc dịch tại Việt Nam chỉ để tham khảo thôi chứ công ty ông không khai thác bản thảo trực tiếp từ đó.

Dù vậy, thế giới mạng với lượng người đọc sách dịch sách sôi động nhộn nhịp “có khi còn hơn cả ngoài đời” như vậy nhưng chất lượng bản dịch lại bị thả nổi. Gần đây, khi bản in truyện Đạo mộ bút ký (tác giả: Nam Phái Tam Thúc) bị phát hiện có chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các cơ quan chức năng lập tức đình chỉ phát hành.

Nhưng liệu có ai để ý rằng: số người đã đọc chi tiết “Thất Liên đảo” trong bộ sách in ấy có khi còn chưa nhiều bằng số người đã đọc nó trên bản online dịch từ những năm trước đây.

Hay như mới đây, một dịch giả tiếng Trung Quốc cho biết hiện nay Trung Quốc có dòng “truyện y” (một kiểu truyện ý dâm) với các nhân vật “tự sướng” ở mức độ cao, coi mình hoặc chủng tộc mình là nhất, một trong các hệ quả là hạ thấp các nước xung quanh xuống. Và các diễn đàn mạng cũng có người nhận ra nên bỏ đi không dịch các đoạn liên quan đến Việt Nam.

Nhưng rõ ràng những trường hợp “va chạm” về các vấn đề lịch sử văn hóa, chủ quyền trong quá trình đọc - dịch online như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và năng lực nhận biết của các thành viên Việt Nam.

Điều này tiềm ẩn rủi ro bởi khi tác giả Trung Quốc đưa vào sách những thông tin không đúng liên quan đến lịch sử, chủ quyền của Việt Nam, thì từ diễn đàn mạng đến các đơn vị xuất bản khi ấn hành sách không biên tập kỹ, những vụ như Đạo mộ bút ký vẫn có thể tiếp tục diễn ra.

Cho nên, từ hoạt động của các diễn đàn có thể nhìn ra nhu cầu đọc - dịch truyện Trung Quốc của người Việt Nam là không nhỏ. Vấn đề là từ nhu cầu không nhỏ đó, chúng ta có cách nào để khai thác, vận dụng một cách có ích cho việc phát triển thị trường sách cũng như đáp ứng nhu cầu đọc của dân ta?

Khi người làm sách “tận dụng” người dịch online

Truyện online tuy hằng hà sa số, đủ mọi thể loại như nấm mọc sau mưa nhưng truyện có chất lượng thì rất hiếm hoi. Dù vậy, truyện dịch online đã trở thành một kênh tham khảo hữu hiệu cho các công ty sách và nhà xuất bản để xuất bản dòng sách ngôn tình.

Có hai cách thức: một là, các công ty sách tham khảo những truyện được dịch trên mạng để mua bản quyền từ phía đối tác Trung Quốc, rồi thuê dịch giả khác dịch lại; hai là, nếu bản thân người dịch truyện online dịch trôi chảy suôn sẻ, công ty sách sẽ sử dụng ngay người dịch đó nhằm rút bớt thời gian xuất bản sách, tận dụng lúc sách còn “hot” để tung ra thị trường.

Rất nhiều sách in ở Việt Nam đã được tận dụng như thế, và việc tận dụng người dịch online (một số người chỉ dừng lại ở mức biết dịch nhưng dịch không hay) cũng dẫn đến tình trạng chất lượng sách dịch giảm sút.

Nhắm tới truyện đã được dịch trên mạng để mua bản quyền, các công ty sách không phải tốn công đi tìm hiểu, đã có người chuyển ngữ sẵn; cũng đã có sẵn một lượng độc giả trên mạng yêu thích bộ truyện đó, nên khi xuất bản chắc chắn không lo về đầu ra.

Trên thực tế, số lượng editor (chỉ những người chuyển ngữ từ Trung sang Việt mà không biết tiếng Trung, phải dùng công cụ, phần mềm hỗ trợ) vượt xa rất nhiều so với số lượng translator (người dịch biết tiếng Trung), thể hiện nhu cầu khát truyện, đòi hỏi lượng truyện phải nhiều để đáp ứng phần nào nhu cầu của độc giả.

Truyện ngôn tình Trung Quốc được chuyển ngữ có một lợi thế khác với các thứ tiếng khác là có phần mềm chuyển từ tiếng Trung sang Hán Việt, và dù chất lượng truyện kém, chỉ toàn từ Hán Việt, nhưng độc giả vẫn tìm đọc theo kiểu đọc hiểu là được, vừa đọc vừa đoán cũng được.

Tuy nhiên theo thời gian, yêu cầu của độc giả cũng tăng cao, cùng một bộ truyện có thể có nhiều người cùng tham gia chuyển ngữ, do đó những bản chuyển ngữ chất lượng kém tất nhiên sẽ bị đào thải.

Từ tác phẩm online đến sách giấy, điều bất lợi là một số bộ truyện tuy “hot”, lôi kéo được một số lượng độc giả tham gia theo dõi, nhưng thực chất chỉ là do chúng chứa đựng những yếu tố H (chỉ sex), hoặc nội dung quá nhảm nhí, xuất bản thành sách giấy thì chỉ góp thêm “rác” cho thị trường xuất bản.

ĐỖ MAI QUYÊN(Dennis Q. - dịch giả củaSam Sam đến đây ăn nào, Tuổi xuân của em, tòa thành của anh, Có cần lấy chồng không, Mắt trái...)

Bán sách như bán tăm

Có thể nói vài cái mốc văn học Trung Quốc ở Việt Nam như thế này. Trước năm 2005 là các nhà xuất bản tác phẩm của các tên tuổi gạo cội như Vương Sóc, Thiết Ngưng... và gối dần sang các nhà văn linglei như An Ni Bảo Bối, Vệ Tuệ, Xuân Thụ, Quách Kính Minh, đến độ năm 2008 thì ngừng.

Sau đó là thời kỳ Việt Nam khai thác văn học mạng Trung Quốc, thời kỳ văn học mạng Trung Quốc này cũng có thể chia làm hai giai đoạn căn cứ vào chất lượng bản thảo và độ quan tâm của độc giả:

Giai đoạn 1 (2008 - 2011) bản thảo còn dồi dào nên chất lượng khá tốt, toàn của các tác giả văn học mạng đã có tên tuổi, lúc đó dòng sách này cũng mới mẻ với người đọc Việt Nam nên bán khá tốt.

Giai đoạn 2 (2011 đến nay) văn học mạng Trung Quốc đã có nhiều độc giả trung thành, lúc này bản thảo cũng cạn kiệt nên các NXB Việt Nam khai thác một số tác giả cỡ trung bình thậm chí kém, và sách bán ra cũng như bán các bó tăm vậy thôi, không tăm tiếng gì.

Đỉnh điểm cho sự “vơ bèo vạt tép” của giai đoạn 2 là khi Bách Việt khai thác một số tác phẩm mà đến người đọc có cơ chế tự lọc cũng không chọn đọc, như vụDụ tìnhồn ào và trước đó có vụKhuynh tẫn thiên hạ loạn thế phồn hoacũng ầm ĩ.

ĐÀO BẠCH LIÊN(dịch giả củaTru tiên, Côn Luân)-MAI HOÀNGghi

Theo Tuổi trẻ