Sắc màu Tết trên tùy bút, hồi ký, giai thoại báo xuân Sài Gòn xưa

VietTimes – Nhẩn nha với những bài viết trong tuyển tập “Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa”, độc giả sống lại không khí Tết xưa với con người, xã hội, phong tục Việt Nam của một thời quá vãng.
"Tùy bút, hồi ký, giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa" của tác giả Phạm Công Luận

Trong ký ức của nhiều người Sài Gòn lục tỉnh xưa, những tờ báo xuân không đơn thuần là một món ăn tinh thần không thể thiếu mà còn là nét văn hóa riêng biệt của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Để rồi mỗi khi nhớ về Tết xưa, người ta lại bồi hồi trong không khí chộn rộn của những tờ báo xuân.

Là người nặng tình với mảnh đất Sài Gòn quê hương, sau nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn đã xuất bản, nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục gom hoài niệm trong những điều từng quen thuộc để cho ra đời tuyển tập “Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa”, như một món quà đầu xuân mới 2020. Sách do Phương Nam và NXB Văn hóa Văn nghệ liên kết xuất bản.

Cuốn sách tập hợp gần năm mươi bài viết đặc sắc được tuyển chọn từ các giai phẩm Xuân xuất bản tại Sài Gòn từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Xuất hiện trong tuyển tập này đều là tên của những tờ báo uy tín, từng làm nên diện mạo đời sống xã hội và tinh thần của người dân miền Nam thời trước như: Thần Chung, Ánh Sáng, Đuốc Nhà Nam, Mới, Tự Do, Tiếng Chuông hay Sài Gòn Mới,...

Ở cuốn sách này, độc giả có thể đọc được không ít bài viết thú vị. Từ những giai thoại ly kì như: chuyện vua Gia Long biết dùng lối lăn tay, chuyện con trâu “nghĩa bộc” đả hổ cứu chủ, chuyện cô gái thay hồn đổi xác sống lại đến khó tin…;

Nhiều giai thoại ly kì về Tết xưa khiến độc giả sống lại ký ức một thời


Điều đặc biệt là trên những tờ báo này luôn có sự tham gia của các cây bút nổi tiếng hay những nghệ sĩ tài danh, góp phần làm nên phong vị đặc sắc cho số báo mà độc giả mong chờ nhất trong năm.

Cho đến những tùy bút kể về chuyện đời chuyện nghề của nhiều tên tuổi đã làm nên thời cực thịnh của sân khấu miền Nam như: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Phùng Há, Kim Cương…; Hay nhiều đoạn hồi ký, giai thoại liên quan đến lịch sử, đời sống văn hóa xã hội: chuyện nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh cùng anh em bán dầu cù là và guốc cho đồng bào miền Nam ăn Tết, chuyện nhà cách mạng Nguyễn Thái Học bói Kiều đầu năm, chuyện hai phụ nữ quý tộc Mỹ lẻn vào sân triều đình Huế để xem lễ mùng Một Tết ở điện Thái Hòa vốn chỉ chấp nhận sự hiện diện của nam giới,…

Không dừng lại ở đó, tuyển tập còn mang đến cho độc giả nhiều tiếng cười rộn rã qua các câu chuyện trào phúng xoay quanh sân khấu, bóng đá, hay đơn giản chỉ là chuyện kể về một bữa tiệc rượu tất niên…