Rúng động vụ Tòa án Pháp xét xử hai cựu nhân viên tình báo làm gián điệp cho Trung Quốc

VietTimes – Ngày 6/7, Tòa án trọng tội đặc biệt Paris bắt đầu phiên tòa xét xử hai cựu nhân viên của Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE) về tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Hai bị cáo này phải đối mặt với mức án 15 năm tù.
Vụ Pháp đưa 2 cựu nhân viên tình báo làm gián điệp cho Trung Quốc ra xét xử đang gây rúng động dư luận (Ảnh: SCMP).
Vụ Pháp đưa 2 cựu nhân viên tình báo làm gián điệp cho Trung Quốc ra xét xử đang gây rúng động dư luận (Ảnh: SCMP).

Trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 6/7 dẫn nguồn truyền thông Pháp nói, hai cựu nhân viên của Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE) liên quan đến gián điệp Trung Quốc, đã bị lộ vào tháng 5 năm 2018, sẽ bắt đầu bị xét xử từ thứ Hai (6/7). Hai bị cáo bị buộc tội "cung cấp thông tin cho thế lực nước ngoài", "gây hại đến lợi ích cơ bản của đất nước" và "thông đồng với cơ quan tình báo nước ngoài"; họ sẽ phải đối mặt với mức án phạt 15 năm tù giam.

Theo báo cáo, hai bị cáo là Pierre Marie H. và Henri M. Khi bị bắt giam vào tháng 12/2017, cả hai đều đã nghỉ hưu. Pierre Marie sau đó đã được tại ngoại. Ông ta cùng bà vợ Laurence H. bị cáo buộc phạm tội "che giấu tài sản có được bằng cách cung cấp cho thế lực nước ngoài thông tin tình báo có hại đến lợi ích quốc gia cơ bản". Vụ án của ba người này sẽ được xét xử tại một tòa án trọng tội đặc biệt ở Paris. Tòa án sẽ chỉ bao gồm các thẩm phán chuyên nghiệp. Do nội dung liên quan đến vụ án thuộc loại cực kỳ nhạy cảm, nên rất có khả năng sẽ không được công khai.

Vụ việc được giới truyền thông tiết lộ vào tháng 5/2018. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã thừa nhận rằng hai cựu nhân viên của cơ quan tình báo DGSE đã “cung cấp thông tin cho một quốc gia lớn”, có thể bị coi là tội phản quốc cực kỳ nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến những bí mật quốc phòng của Pháp.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố rằng chính DGSE đã phát hiện ra vụ rò rỉ thông tin tình báo này và "chủ động nhắc nhở các công tố viên ở Paris lưu ý". Vào thời điểm đó, chính phủ Pháp không đề cập đến nội dung vụ án, thậm chí tránh đề cập đến tên quốc gia mà các điệp viên này cung cấp tin tình báo.

Việc nhân viên Tổng cục An ninh đối ngoại làm gián điệp cho Trung Quốc đã gây nên tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích của nước Pháp (Ảnh: Dongfang).
Việc nhân viên Tổng cục An ninh đối ngoại làm gián điệp cho Trung Quốc đã gây nên tổn hại nghiêm trọng cho lợi ích của nước Pháp (Ảnh: Dongfang).

Một số cơ quan truyền thông Pháp như RFI đưa tin hai người này đã làm gián điệp cho Bắc Kinh. Trong số đó, Henry được bổ nhiệm làm đại diện của Tổng cục An ninh đối ngoại tại Bắc Kinh năm 1997. Sau đó, ông ta là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc. Nhưng Henry đã bị triệu hồi về nước vào đầu năm 1998 vì bị buộc tội có mối quan hệ với một nữ phiên dịch viên người Trung Quốc tại đại sứ quán. Vài năm sau, Henry từ giã công tác tình báo và trở lại Trung Quốc vào năm 2003. Ông ta kết hôn với cô nữ phiên dịch đã quen biết trước đó và họ chuyển đến đảo Hải Nam để sinh sống.

Các báo cũng trích dẫn một nguồn tin giải đáp thắc mắc tại sao mãi nhiều năm sau đó họ mới bị bắt. Nguồn tin này nói rằng điều này là do Henry đã không chịu sự giám sát của Tổng cục An ninh đối ngoại trong nhiều năm sau khi nghỉ hưu. Pierre Marie, người còn lại cũng bị buộc tội liên quan đến vụ án gián điệp Trung Quốc này, đã bị bắt tại sân bay Zurich, Thụy Sĩ. Được biết, khi đó ông ta vừa gặp một sĩ quan liên lạc Trung Quốc trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương và trở về châu Âu mang theo rất nhiều tiền mặt thù lao của Bắc Kinh vừa nhận được. Pierre Marie từ đó không bao giờ được đi ra nước ngoài, nhưng ngoài việc giám sát của cơ quan phản gián, ông ta còn chịu sự giám sát của các tổ chức lớn, bao gồm cả công đoàn.

Mặc dù bên ngoài không thể xác nhận liệu hai trường hợp này có liên quan đến nhau hay không, nhưng tất cả họ đều bị chính quyền theo dõi trong vài tháng trước khi bị bắt. Nhà báo người Pháp Franck Renaud, trong cuốn sách "Les Diplomates" (Những nhà ngoại giao), đã liên kết Henry với quan hệ Trung Quốc-Pháp sau sự kiện Thiên An Môn và vụ bán tàu lớp La Fayette cho Đài Loan . Ông Franck Renaud nói với hãng AFP rằng "đây là một vụ việc đã gây ra nhiều vấn đề cho Tổng cục An ninh đối ngoại, sau đó Tổng cục này đã buộc phải rút các “tai mắt” đã được bố trí trước đó ra khỏi Trung Quốc”. Được biết, vụ án sẽ được tuyên phán vào Thứ Sáu (10/7).

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), đây một vụ án gián điệp có thể so sánh với một bộ phim trinh thám ly kỳ với hai cựu nhân viên của cơ quan tình báo đối ngoại Pháp bị cáo buộc cung cấp thông tin tình báo bí mật cho Trung Quốc. Một trong những bị cáo là thư ký thứ hai của đại sứ Pháp tại Trung Quốc đã sa bẫy tình. Henry M, đã yêu một nữ phiên dịch người Trung Quốc. Tờ Le Parisien Libéré (Người Paris) của Pháp đưa tin nữ phiên dịch này đã thông báo cho Bộ An ninh Quốc gia (Trung Quốc) về tất cả những gì ông ta đã làm.

Le Parisien Libéré nói rằng rất hiếm khi Pháp đưa các điệp viên không trung thành ra tòa. Trong trường hợp bình thường, họ sẽ bị triệu hồi về nước thông qua các kênh ngoại giao và sẽ không còn được công khai. Phóng viên của tờ báo nói rằng vụ án gián điệp này như một bộ phim chiến tranh gián điệp được dẫn dắt bởi tình ái và tiền bạc đã gây sốc cho mọi người. Đáng tiếc, vụ án liên quan đến bí mật quốc phòng này sẽ được xét xử sau cánh cửa đóng kín. Le Parisien Libéré nói rằng người dân Pháp có thể đã bỏ qua mối đe dọa từ bên ngoài. Trên thực tế, việc xâm nhập vào các cơ quan tình báo của Pháp sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia, sở trường của Pháp và các trụ cột kinh tế .

Một điều tra viên gần gũi với vụ án nói với Le Parisien Libéré rằng hai nhân viên của DGSE đã "bị hạ gục" do các yếu tố như bất mãn với đơn vị, hạn chế về tài chính và trúng “mỹ nhân kế”.

Le Parisien Libéré cũng tiết lộ hai người bị buộc tội là Henry M., 73 tuổi và Pierre Marie H., 68 tuổi. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parly từng nói rằng vụ việc này cực kỳ nghiêm trọng. Ông Bernard Bajolet, cựu Tổng cục trưởng An ninh đối ngoại của Pháp, đã chủ động đệ trình vụ án lên viện kiểm sát để điều tra sau khi phát hiện ra sự nghiêm trọng của vấn đề.

Theo Le Parisien Libéré, Henry M. là một nhà Hán học đã tốt nghiệp Học viện Ngôn ngữ phương Đông. Năm 1997, ông được DGSE cử đến Bắc Kinh với danh phận công khai là Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc.

Vụ án gián điệp Trung Quốc được Pháp đưa ra xét xử vào thời điểm này có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ Pháp - Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).
Vụ án gián điệp Trung Quốc được Pháp đưa ra xét xử vào thời điểm này có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ Pháp - Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

 Khi Henry M. tới Bắc Kinh, vợ ông không đi cùng mà ở lại Paris. Ông ta sớm phải lòng một nữ phiên dịch viên người Trung Quốc tại Đại sứ quán Pháp. Tờ báo nói rằng nữ phiên dịch người Trung Quốc đã thông báo về Henry M. cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. DGSE đã phát hiện ra rằng Henry M. có liên hệ quá thân mật với nữ phiên dịch người Trung Quốc, nên đã triệu hồi ông ta về Pháp năm 1998. Sau khi nghỉ hưu, ông trở lại Trung Quốc vào năm 2003, kết hôn với cô phiên dịch người Trung Quốc yêu ông và định cư tại đảo Hải Nam.

Theo Le Parisien Libéré, chính Henry M. đã bắt mối để đưa Pierre Marie H. đến gặp Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Pierre Marie H. trước đó chưa bao giờ được cử ra nước ngoài hoặc đi công tác đến các nước khác. Nhưng ông ta thường qua lại đảo Mauritius và đi du lịch châu Á, điều này gây ra sự cảnh giác của cơ quan tình báo. Vào mùa xuân năm 2017, bộ phận chống gián điệp đã theo dõi Pierre Marie H. và phát hiện ra rằng ông có liên hệ chặt chẽ với Henry M. đã nghỉ hưu. Vào tháng 12/2017, hai người họ đã bị bắt giữ.

Le Parisien Libéré cũng nói Henry M. bị cáo buộc đã cung cấp cho Trung Quốc danh tính của những điệp viên nằm vùng của Pháp trong mạng lưới tình báo ở châu Á. Hai người họ còn cung cấp rất nhiều thông tin về bí mật quốc phòng của Pháp. Trước khi bị bắt, Henry M. đã đăng ký một công ty xuất nhập khẩu, chuyên hỗ trợ các công ty Pháp muốn đầu tư vào Trung Quốc. Pierre Marie H. thì đang chuẩn bị tham gia vào cuộc bầu cử địa phương vùng Bourgogne với tư cách người của phái cực hữu.