|
Ngân hàng Xây dựng, trước đây là Ngân hàng Đại Tín, đã cho nhóm công ty Phương Trang vay nhiều hơn gấp đôi vốn tự có của ngân hàng, và hiện vụ kiện tụng giữa hai đơn vị này đang gây thắc mắc cho dư luận. |
Khoản 1, điều 13, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quy định rất rõ rằng (i) tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng (ii) và không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng khi cho vay đối với một khách hàng và những người có liên quan (cả tổ chức và cá nhân).
Vậy phải chăng các ngân hàng đã vi phạm các quy định của NHNN?
Theo quan điểm của cá nhân người viết thì câu trả lời có lẽ là không nhưng dường như đã có sự “nhẹ tay” của các cơ quan quản lý khi để các ngân hàng thương mại dễ dàng lách luật.
Lách ra sao?
Hiện nay, một số ngân hàng sẵn sàng đẩy mạnh tài trợ vốn để đưa các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ trở thành những tập đoàn kinh tế lớn. Một khi đã quyết định như vậy thì sẽ không khó để bơm vốn vượt hạn mức quy định.
Qua trao đổi với nhân viên của một số ngân hàng lớn thì có nhiều cách thực hiện mà không vi phạm các quy định tại Thông tư 36 của NHNN.
Phổ biến nhất hiện nay là việc cho vay bắc cầu. Theo đó, để cấp thêm vốn cho doanh nghiệp thì ngân hàng cho vay chính sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của một bên thứ ba là một ngân hàng khác. Ngân hàng này sẽ đứng ra cho doanh nghiệp vay và nhận được một khoản tiền gửi tương ứng với số tiền đã cho vay. Đây là phương thức thực hiện trên thị trường liên ngân hàng.
Cách thứ hai phức tạp hơn và cũng phổ biến. Đó là khi triển khai thêm bất kỳ một dự án kinh doanh mới nào thì các ông chủ của doanh nghiệp sẽ thành lập thêm các pháp nhân mới mà gần như không có mối liên hệ gì về mặt sở hữu với công ty ban đầu để được các ngân hàng giải ngân vốn. Sau đó, dù dự án có được triển khai hay không thì các công ty sẽ thực hiện các nghiệp vụ kinh tế để chuyển vốn cho nhau.
Cách thứ ba mạo hiểm nhất, chỉ rất ít ngân hàng thực hiện. Đó là ngân hàng sẽ đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định thì trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bị tính vào hạn mức tín dụng. Do vậy, ngân hàng sẽ phải tìm cách bán số trái phiếu này cho bên thứ ba là tổ chức hoặc cá nhân, những người sẽ được ngân hàng bơm vốn thông qua các hợp đồng vay.
Cần nhiều hơn vai trò giám sát của NHNN
Đó chỉ là ba trong số nhiều cách lách luật mà các ngân hàng đang thực hiện. Liệu các cơ quan thanh tra của NHNN có biết thực trạng trên hay không? Chắc chắn là biết và họ cũng có đủ căn cứ pháp luật để xử lý. Bởi lẽ, khoản 8, điều 13, Thông tư 36 quy định mặc dù các tổ chức, cá nhân không phải là người có liên quan theo quy định nhưng có lợi ích liên quan đến khách hàng vay thì NHNN có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng coi những tổ chức, cá nhân này như là những người có liên quan và áp dụng nguyên tắc thận trọng khi xem xét cấp tín dụng để tránh rủi ro tín dụng tập trung.
Rõ ràng các tổ chức tín dụng sẽ không thể thực hiện việc cho vay quá mức đối với một doanh nghiệp và người có liên quan nếu các cơ quan quản lý nhà nước quyết liệt và xử lý công tâm hơn.
Vẫn biết rằng việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội phát triển cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn nhưng nếu quá dễ dãi trong quan hệ tín dụng thì có thể dẫn tới nguy cơ đổ vỡ cho cả hệ thống ngân hàng. Khi đó, hậu quả mà người dân cũng như cả nền kinh tế phải gánh chịu sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì họ đã làm trước đó.
Theo TheSaigontimes