Anh N.N.L., 27 tuổi, sống ở Kiến Xương, Thái Bình không may bị ngã từ giàn giáo ở độ cao 7 m được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 3/6 trong tình trạng hôn mê sâu, hết sức nguy kịch.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, máu tụ DMC bán cầu T, nhồi máu bán cầu trái do hẹp động mạch cảnh trong trái, chấn thương ngực, đụng dập phổi hai bên, tràn khí trung thất. Chấn thương cột sống cổ: gãy gai sau C5C6.
Ảnh chụp hộp sọ của bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
|
Ngay lập tức, bệnh nhân được mổ cấp cứu lấy máu tụ, giải tỏa não (trong mổ màng não căng tím, đập yếu, não phù nhiều). Sau mổ, bệnh nhân được chuyển hồi sức tích cực thở máy. Ngày thứ 2 sau mổ tri giác bệnh nhân không tiến triển, sốt 40,6 độ C, áp lực nội sọ tăng cao.
Bệnh nhân được chỉ định hạ thân nhiệt chỉ huy. Khi nhiệt độ hạ xuống còn 38,8 độ thì nhiệt độ tại nhu mô não (ICP) là 27 độ, khi nhiệt gần độ đạt đích 35 độ thì ICP còn 16mmHg. Bệnh nhân được duy trì nhiệt độ và ICP này trong 5 ngày.
Các thiết bị y tế hiện đại được các bác sĩ sử dụng để hạ thân nhiệt chỉ huy cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)
|
TS. BS. Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: 3 phương pháp cuối cùng điều trị tăng ICP là gây mê bằng barbiturate, mở sọ giải áp hoặc hạ thân nhiệt chỉ huy (barbiturate coma, decompressive craniectomy or hypothermia). Bệnh nhân đã được an thần và mở sọ giải áp cũng không giảm được ICP, cuối cùng hạ thân nhiệt được ứng dụng để cứu sống bệnh nhân.
Trong năm 2016, tại hội nghị về hạ thân nhiệt tại Philadelphia - Mỹ, các báo cáo viên đã nói nhiều về vấn đề này, đến nay kỹ thuật này được ứng dụng tại Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mang lại hiệu quả điều trị cao.
Sau 29 ngày điều trị tại phòng hồi sức tích cực, bệnh nhân N. đã được cứu sống, tri giác cải thiện, mở mắt tự nhiên, làm theo lệnh chậm, sau đó được chuyển đến khoa phẫu thuật thần kinh điều trị tiếp. 2 ngày sau, bệnh nhân được ra viện và hẹn ngày ghép xương sọ.