Diệp Giản Minh người giàu nhất Phúc Kiến “dạo chơi” năng lượng và tài chính
Diệp Giản Minh sinh năm 1977, sinh ra ở Phúc Kiến và có hộ khẩu tại Hong Kong, Trung Quốc năm 1999. Khởi nghiệp từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sau khi đạt được những thành công nhất định, ông chuyển sang kinh doanh dầu mỏ.
Năm 2017, Diệp Giản Minh đã mua 14,16% cổ phần của Công ty Dầu khí Nga Rosneft với giá 9,1 tỉ NDT. Thông tin này gây chấn động Trung Quốc lúc bấy giờ.
Rosneft là một trong những công ty dầu khí niêm yết lớn nhất thế giới. Kể từ khi mua lại thành công, CEFC Energy đã trở thành một trong những công ty dầu khí hạng nhất toàn cầu.
Theo các thông tin liên quan, CEFC Energy cũng đã mua lại 100% cổ phần của Công ty Dầu khí Quốc gia Romania và 51% cổ phần của Công ty Dầu khí Quốc gia Kazakhstan. Hoạt động kinh doanh năng lượng của công ty này được phân bổ rộng rãi ở nhiều nước.
Vì vậy, Diệp Giản Minh còn được truyền thông gọi là “Rockefeller của Trung Quốc”. Một số người tò mò: ông lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để liên tục mua các công ty dầu khí trên khắp thế giới?
Kiếm tiền làm giàu nhờ hối lộ quan chức
Năm 2018, vụ việc Diệp Giản Minh hối lộ các quan chức cấp cao bị vạch trần. Nhờ những điều kiện thuận lợi do các quan chức cấp cao dành cho, ông ta đã vay được những khoản tiền khổng lồ.
Diệp Giản Minh có thể vung tay mua cổ phần nước ngoài đều phụ thuộc vào tiền bất hợp pháp ở trong nước. Năm 1998, sau khi Ngân hàng Phát triển Hải Nam bị đóng cửa do đột biến rút tiền gửi, Hải Nam trở thành tỉnh duy nhất ở Trung Quốc không có ngân hàng pháp nhân. Vì vậy, tỉnh đã nỗ lực mở ngân hàng mới.
Ngày 14/8/2015, Ngân hàng Hải Nam mới cuối cùng cũng được thành lập nhưng không ngờ nó lại trở thành “đồ vật trong túi” của Diệp Giản Minh.
Diệp Giản Minh đã gặp Vương Tam Vận (Wang Sanyun), một quan chức cấp cao (Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy Cam Túc). Được sự giúp đỡ của Vương Tam Vận, công ty CEFC chi nhánh Thượng Hải (Shanghai Huaxin Group Commercial Factoring Co., Ltd.) của Diệp Giản Minh đã thành công trở thành một trong những cổ đông của Ngân hàng Hải Nam, với tỷ lệ sở hữu là 12% cổ phần, đứng thứ hai.
Kể từ đó, Ngân hàng Hải Nam trở thành ngân khố của Diệp Giản Minh. Năm 2016, Ngân hàng Hải Nam có 4 giao dịch liên quan đến cho vay tín dụng, tổng trị giá 655 triệu NDT, trong đó CEFC Thượng Hải độc chiếm vay 400 triệu NDT, tức gần 70%.
Sau khi nếm được vị ngọt của giao dịch tiền bạc và quyền lực ở ngân hàng Hải Nam, Diệp Giản Minh càng trở nên tham lam hơn.
Qua lời giới thiệu của Vương Tam Vân, Diệp Giản Minh đã gặp được quan chức cấp cao Hồ Hoài Bang (Hu Huaibang) Ủy viên Dự khuyết Trung ương, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Hồ Hoài Bang đã giúp Diệp Giản Minh có được khoản tín dụng trị giá 4,8 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Sau khi vụ việc được phơi bày, đã xuất hiện rất nhiều lời chỉ trích trên Internet. Suy cho cùng, tiền trong ngân hàng thực chất là tiền của đông đảo dân chúng. Diệp Giản Minh nhận được những khoản vay ngân hàng khổng lồ thông qua các giao dịch quyền- tiền, hầu hết không bao giờ được hoàn trả, điều này đã thực sự gây tổn hại đến lợi ích của người dân và đất nước.
Các quan chức nhận tiền lần lượt sa lưới
Vương Tam Vận khi đó là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc. Ông ta và Diệp Giản Minh có mối quan hệ chuyển nhượng lợi ích lâu dài. Sau khi Vương Tam Vận bị điều tra, thông tin liên quan cho thấy ông ta đã nhận hối lộ 66,85 triệu NDT, trong đó phần lớn nhận từ Diệp Giản Minh.
Ngoài việc giúp Diệp Giản Minh có được cổ phần Ngân hàng Hải Nam, Vương Tam Vận còn dành cho ông ta nhiều chính sách ưu đãi khác. Trên thực tế, ngay cả cái tên CEFC cũng khó tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của Vương Tam Vận.
Năm 2011, Diệp Giản Minh thực sự muốn có được tài nguyên vỏ của công ty niêm yết An Huy Huaxing Chemical Co., Ltd (Hóa chất Hoa Tinh). Với sự ra tay của Vương Tam Vận, ông ta đã lấy được thành công cái vỏ công ty niêm yết. Diệp Giản Minh đã có được 60% cổ phần của Hoa Tinh mà không phải chi bất kỳ khoản tiền nào. Sau đó, Diệp Giản Minh đổi tên Huaxing Chemical thành Huaxin International (Hoa Tín Quốc tế hay CEFC An Huy).
Tháng 4/2019, Vương Tam Vận, cựu Bí thư tỉnh ủy Cam Túc, cuối cùng đã bị kết tội và bị kết án 12 năm tù, mọi tài sản bất hợp pháp đều bị tịch thu.
Ngoài Vương Tam Vận, Hồ Hoài Bang cũng rơi vào vực thẳm của lòng tham khi đó Hồ Hoài Bang là nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).
Hồ Hoài Bang đã nhận hối lộ hàng chục triệu USD từ Diệp Giản Minh, rồi mở cửa cho ông ta vào Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Vì vậy, Diệp Giản Minh dễ dàng có được khoản tín dụng 4,8 tỉ USD từ CDB.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là một ngân hàng chính sách có trách nhiệm chính là hỗ trợ xây dựng các chiến lược phát triển quốc gia lớn và các lĩnh vực trọng điểm.
Hồ Hoài Bang thực sự đã vì lợi ích cá nhân mà cung cấp các khoản vay và tín dụng khổng lồ cho các doanh nghiệp tư nhân, điều này hoàn toàn đi chệch khỏi vai trò, chức năng của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Để thỏa mãn dục vọng ích kỷ của mình, Hồ Hoài Bang đã đánh mất lý trí, kết cục có thể đoán trước được. Tháng 1/2021, ông ta cuối cùng đã bị đưa ra xét xử và bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Trong một video công khai, Hồ Hoài Bang từng bày tỏ: “Là một quan chức lãnh đạo trong ngành tài chính, những người mà tôi tiếp xúc đều có địa vị tương đối cao. Họ có máy bay riêng và mọi thứ. Vì vậy, nếu ta cảm thấy tâm lý không ổn định và ý chí yếu đuối, thì sẽ trượt xuống vực thẳm".
Diệp Giản Minh biến mất
Tháng 11/2019, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã quyết định thu hồi “tất cả giấy phép kinh doanh” của Huaxin Securities (CEFC Chứng khoán), đánh dấu sự khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế tài chính do Diệp Giản Minh gây dựng.
Ngoài ra, sau khi vụ việc đưa hối lộ quan chức bị vạch trần, nhiều công ty thuộc Tập đoàn CEFC đã mất nguồn vốn, buộc phải phá sản, giải thể vì không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Ví dụ, tổng số nợ của Công ty CEFC Thượng Hải được cho là lên tới 187,1 tỉ NDT (26,2 tỉ USD) và số tiền vỡ nợ trái phiếu tích lũy vượt quá 26,5 tỉ NDT đã bị các chủ nợ kiện đòi thanh toán.
Đến lúc này, do bê bối hối lộ bị vạch trần, toàn bộ hệ thống CEFC đã bị mất uy tín. Khi trước, CEFC được xếp hạng trong Fortune Global 500 với doanh thu 34,134 tỉ USD. Năm 2017, Tập đoàn CEFC đạt doanh thu 299 tỉ NDT, chiếm hơn 1/3 doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Có một thời gian, Cục CEFC đã ở trong tình trạng vinh quang vô đối.
Nhưng vài năm sau, hầu hết hệ thống CEFC đều phá sản hoặc bị bán đấu giá. Đó là một thất bại nặng nề. Ngoài ra, hầu hết tài sản cá nhân của Diệp Giản Minh đều được bán đấu giá. Ví dụ, một bất động sản trên đường Tân Canh, quận Từ Hối, Thượng Hải được bán đấu giá với giá 98.600 NDT mỗi mét vuông. Các chủ nợ đang điên cuồng phân chia tài sản của ông ta để cố gắng hết sức cứu vãn thiệt hại.
Bản thân Diệp Giản Minh thì đã biến đi đâu, hiện nay vẫn không ai biết.
Nhiều người nói rằng Diệp Giản Minh là người khiêm tốn, không thích xuất hiện, nhưng thực tế ông ta rất thích nổi trội. Ông thích mặc đồ tây là lượt và đi giày vải đen. Ông ta thích dẫn kinh Phật, ra vẻ là người theo đạo Phật, nhưng ông ta lại nói những câu như "Người Trung Quốc được sử dụng xăng rẻ như vậy, phải cảm ơn tôi!".
Theo Sohu