Giai đoạn nào quyết định tầm vóc, thể lực và trí lực?
Sáng 12/10, Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II - chủ đề Dinh dưỡng Học đường - năm 2024, được Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn toàn diện về thực trạng dinh dưỡng và dinh dưỡng học đường tại Việt Nam, đồng thời cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu từ thế giới.
Các đại biểu và chuyên gia đồng thuận rằng, sức khỏe là vốn quý của đời người, khởi đầu là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và tiếp theo từ 2-12 tuổi. Khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt trong độ tuổi dưới 12. Đây là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người.
Chính vì vậy, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt dinh dưỡng học đường trở nên cấp thiết, cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, cho biết, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 18,2%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em dưới mức 20% (mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).
Tuy nhiên, tỷ lệ này còn cao ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (24,8%), Tây Nguyên (25,9%).
Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó phải kể đến thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi, gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 (tăng hơn 2 lần sau 10 năm).
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt với nhóm trẻ em, thanh thiếu niên tuổi học đường.
Một số mục tiêu cơ bản đề ra như, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em; Kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em; Tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường.
“Để đạt mục tiêu này đòi hỏi những giải pháp can thiệp mang tính toàn diện, liên tục, liên ngành, bao gồm sự hoàn thiện về cơ chế, chính sách về dinh dưỡng, để thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện; tăng cường phối hợp liên ngành và vận động xã hội; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng.”- ông Dương nói.
Trong lĩnh vực dinh dưỡng học đường, theo PGS.TS. Trần Thanh Dương, để đạt được các mục tiêu đề ra, vai trò của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng rất quan trọng.
“Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh ở trường và gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em”, ông Dương nêu rõ.
Về giải pháp thực tiễn chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em, PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn chứng mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.
Mô hình do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, với sự đồng hành của Tập đoàn TH, triển khai ở 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.
“Sau khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng và xây dựng thực đơn phù hợp với từng địa phương, bữa ăn học đường trong mô hình điểm được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi được đưa vào cấu phần bữa ăn khoa học.
Can thiệp chính của mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, bữa phụ buổi chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất (qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi) giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình điểm có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.” - PGS.TS Nguyễn Thanh Đề
Với kết quả đạt được, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề đề xuất cần nhân rộng mô hình điểm, xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường.
Bí quyết tăng chiều cao của người Nhật
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, đề cập thành công của chương trình bữa ăn học đường ở quốc gia này.
Theo GS. Nakamura Teiji, sau Thế chiến II, Nhật Bản đối mặt với thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đất nước khó khăn, quốc gia này ưu tiên, chú trọng đến bữa trưa học đường.
"Bữa trưa học đường không đơn thuần là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, còn giáo dục cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh.
Chương trình hoạt động như một phần của giáo dục dinh dưỡng, với chuyên gia dinh dưỡng được bố trí tại tất cả các trường tiểu học. Bữa trưa không chỉ là bữa ăn chuẩn mực, còn là tài liệu giáo dục dành cho học sinh, góp phần thay đổi thói quen ăn uống tại gia đình", GS. Nakamura Teiji chia sẻ kinh nghiệm.
Trong tham luận của mình, GS. Nakamura Teiji thông tin một trong những quyết sách giúp người Nhật phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực, do quốc gia này đã ban hành "Luật Bữa trưa học đường", từ năm 1954.
""Luật Bữa trưa học đường" đầu tiên thông qua dưới sự chấp thuận của Hoàng đế và Thủ tướng. Chương trình không chỉ nhằm xóa đói giảm nghèo, mà còn giáo dục tất cả học sinh về dinh dưỡng và vệ sinh, thông qua những bữa ăn được cung cấp với tiêu chuẩn đồng đều", GS. Nakamura Teiji nói và cho biết luật được cập nhật vào năm 2015.
Theo GS. Nakamura Teiji, các hạng mục chính liên quan đến luật về bữa trưa học đường của Nhật Bản, gồm Tiêu chuẩn về bữa trưa; Tiêu chuẩn dinh dưỡng; Xác định tiêu chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng cần thiết; Tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh bữa trưa.
Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này. Kết quả, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cách đây 50 năm.
Kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2023, cho thấy chiều cao trung bình của người Nhật thay đổi mạnh: Nam đạt 1m72; Nữ cao 1m58.
Cách đây 50 năm, các con số này lần lượt 1m50 và 1m49. Hiện tại, chiều cao trung bình của người Nhật đứng hàng đầu thế giới.
Tại Mỹ, theo ThS. Josselyn Neukom, chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng từ tổ chức SwipeRx cho biết, Chính phủ đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dinh dưỡng, tập trung vào việc giảm thiểu lượng đường, muối và chất béo; chú trọng bổ sung rau củ, ngũ cốc và sữa tươi trong các bữa ăn học đường.
Bên cạnh đó, việc giáo dục dinh dưỡng cũng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.
Luật hóa dinh dưỡng học đường là cấp thiết
Với vai trò chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, GS.TS.BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam, nhận định, với kinh nghiệm tham gia triển khai các chương trình, dự án dinh dưỡng từ năm 1995 đến nay, thông qua các Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Kế hoạch hành động của Quốc gia về dinh dưỡng, bà cho rằng, việc Luật hóa dinh dưỡng học đường ở nước ta là cấp thiết.
“Các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh, giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.
Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.” - GS.TS.BS. Lê Thị Hợp nói.
Trao đổi tại hội thảo, Anh hùng lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, cho rằng, việc xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường quan trọng, là cơ sở chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam, giúp trẻ phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người.
"Để hoàn thành sứ mệnh về dinh dưỡng học đường, từ năm 1954, Nhật Bản đã có Luật Dinh dưỡng học đường. 70 năm sau, thanh niên ở đây không còn thấp còi nữa", Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH nói.
Theo bà Thái Hương, so với thế giới, chiều cao người Việt đứng thứ 15 từ dưới lên. Bà cho rằng, cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, cần có những quy định về luật pháp đủ rộng và bao trùm. Bà Hương cho rằng, nước ta đã đủ điều kiện, cơ sở thực tiễn, cần có Luật dinh dưỡng học đường như Nhật Bản.
"Trong luật này, có cả hoạt động thể chất, quy định về nhân lực, giáo dục dinh dưỡng…. Viện Dinh dưỡng (Bộ Y Tế) sẽ là đơn vị quan trọng để đưa ra đề xuất những quy định quan trọng này", bà Thái Hương nêu ý kiến tại hội thảo.