|
Hình minh họa |
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho biết lâu nay bút phê không được quy định trong văn bản pháp luật mà chỉ là thông lệ làm việc, xử lý công việc...
Chỉ đạo bằng bút phê rất phổ biến
Trước câu hỏi tại sao bút phê không có trong quy định của pháp luật song lại được sử dụng phổ biến, TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - giải thích: “Khoảng hơn 10-15 năm trước, Văn phòng Chính phủ phối hợp một số cơ quan soạn thảo một bộ quy chuẩn gửi các bộ, cơ quan, trong đó có nói quy trình, thủ tục trình, định dạng văn bản, ký nháy, ký tắt... nên các cơ quan đã áp dụng như một thói quen trong làm việc lâu nay. Khi trình văn bản lên các cấp, người có thẩm quyền giải quyết thường phê vào”.
Theo đó, nếu trình văn bản giấy gồm các mẫu về thủ tục hành chính có mục họ, tên của người trình, qua các khâu của chuyên viên soạn thảo đến cấp vụ, rồi cấp lãnh đạo thể hiện ngày giờ, trích yếu nội dung kẹp trong tài liệu. Đến cấp cuối cùng giải quyết, người có trách nhiệm sẽ phê vào nội dung đó đồng ý hay không, sửa lại hay chuyển lại cho ai...
“Chuẩn là phải làm như thế, theo hướng dẫn, quy định của Văn phòng Chính phủ. Đã có một đề tài, đề án xây dựng như thế, sau đó phổ biến khắp nơi để mà làm” - TS Đinh Xuân Thảo cho biết và khẳng định: “Bút phê chưa được luật hóa mà chỉ thể hiện thói quen, trách nhiệm của người có thẩm quyền ở đó”.
Hiện nay, thói quen ghi bút phê vào góc tờ giấy trình đã trở nên phổ biến. Những bút tích ấy cũng như một căn cứ, cơ sở để người trình thủ tục làm cơ sở thực hiện, được lưu vào hồ sơ, kể cả căn cứ để quyết toán, thanh toán.
Liên quan đến hậu quả của bút phê, TS Đinh Xuân Thảo lấy ví dụ: “Cách đây mấy nhiệm kỳ Quốc hội, có vụ án Lã Thị Kim Oanh làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Khi quy trách nhiệm thì thấy không đúng quy trình thủ tục. Lẽ ra phải qua chánh văn phòng để phê vào đó rồi mới trình lên thứ trưởng nhưng trong thực tế không qua chánh văn phòng. Cuối cùng, thứ trưởng cũng phải có trách nhiệm về sai phạm của bà Oanh”.
Cao hơn cả luật (!)
Vừa qua, dư luận xôn xao về nội dung bút phê của một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tại một số công văn đề nghị giải quyết công việc của doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Trần Tuyên, Công ty Luật Dazpro (Đoàn Luật sư Hà Nội), phân tích: Theo luật thì thủ trưởng cơ quan phải làm việc bằng quyết định, văn bản; việc chỉ đạo bằng bút phê thì cấp dưới có thể tuân thủ hoặc không, nếu đúng về quy trình. Bút phê có hiệu lực nếu cấp dưới chấp thuận bút phê đó và sẽ là mệnh lệnh bắt buộc nếu như trong quy trình làm việc ghi rõ bút phê của thủ trưởng thay thế cho quyết định. “Đôi khi mệnh lệnh cơ quan còn cao hơn cả luật cho nên mới trái với quy định pháp luật” - luật sư Nguyễn Trần Tuyên nêu.
Bàn về việc cấp trên chỉ đạo chỉ định một đơn vị nào đó cho cấp dưới phải làm theo thì có căn cứ coi đấy là một mệnh lệnh chính thức không, TS Đinh Xuân Thảo cho rằng đây là việc không được phép. “Ví dụ, trong việc đấu thầu, chọn thầu thì có một hội đồng tư vấn. Người ta họp, làm việc khách quan xong mới báo cáo để lãnh đạo quyết. Người có thẩm quyền quyết chỉ có thể ghi vào trong đó là đồng ý với tờ trình hay tư vấn của hội đồng trên cơ sở người có trách nhiệm phải soạn thảo ra một quyết định chính thức để ký vào, chứ phê vào thì chưa đủ giá trị về mặt pháp lý để thi hành” - người đứng đầu Viện Nghiên cứu lập pháp đúc kết.
Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tư pháp xây dựng Luật Quyết định hành chính, Luật về Ban hành các quyết định hành chính nên sau này sẽ có những nội dung quy định về soạn thảo, trình, ký nháy, ký tắt… Theo các chuyên gia pháp lý, nên luật hóa bút phê để các thủ tục hành chính tuân thủ đầy đủ những quy định pháp luật cũng như dễ quy trách nhiệm đối với cá nhân liên quan.
Trước thông tin một số báo đăng tải về việc Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã bút phê vào đơn của Công ty CP Đầu tư T.H xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ (VRAMP) do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa chỉ đạo thanh tra gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án này. Lý do thanh tra là nhằm “đánh giá việc tổ chức đấu thầu gói thầu RAI/CP1 có công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật hay không”.
Trong đơn xin thực hiện dự án của Công ty T.H có bút phê của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường với nội dung: “Yêu cầu Tổng cục Đường bộ - Ban 3 để xử lý”. Bên dưới chữ ký của ông Trường có một bút phê khác có nội dung: “Ban 3 đồng ý theo chỉ đạo của lãnh đạo bộ”. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết bộ này đã quy định bút phê của lãnh đạo bộ chỉ là chuyện văn bản thủ tục, không có giá trị để lựa chọn nhà thầu hoặc nhà đầu tư.
Theo Người Lao động