E-magazine Quyền lực của ông chủ OCB và mối liên kết thân hữu với “mạng lưới” Hướng Việt

Không chỉ trực tiếp nắm lượng lớn cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), gia đình ông Trịnh Văn Tuấn còn nắm quyền lực chi phối nhờ mạng lưới doanh nghiệp liên quan được liên kết một cách tinh vi và phức tạp.

Vụ án SCB – Vạn Thịnh Phát để lại những hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc xem xét chấn chỉnh, kiểm soát mối quan hệ giữa các ông chủ tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng là chủ ngân hàng trở nên cấp bách.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát mối quan hệ đó, bằng cách yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ và giới hạn cổ đông là cá nhân không được phép sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, cổ đông là tổ chức không được vượt quá 10%. Ngoài ra, cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Từ những số liệu các ngân hàng công bố, nhóm phóng viên VietTimes đã thu thập dữ liệu để làm sáng rõ mối quan hệ giữa một số chủ tập đoàn kinh tế tư nhân với ngân hàng mà các ông chủ này đang sở hữu hoặc có thể chi phối thông qua những người “đại diện”. Qua loạt bài: "Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống “lũng đoạn ngân hàng", VietTimes cùng các chuyên phân tích và đề xuất các giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn việc lũng đoạn ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 14.

Bài 1: Phác thảo bức tranh sở hữu ngân hàng tại Việt Nam

Bài 2: Rủi ro từ mối quan hệ thân hữu Geleximco - ABBank

Bài 3: Hệ sinh thái Masterise và dấu ấn của Techcombank

Bài 4: Mối quan hệ "bí ẩn giữa Ngân hàng Hàng Hải và ROX group

Doanh nhân Trịnh Văn Tuấn là một “quái kiệt” của giới ngân hàng Việt Nam. Cùng với ông Đặng Khắc Vỹ, ông Tuấn được xem là người khai sinh ra ngân hàng VIB.

Trải qua hơn 1 thập kỷ dựng xây và phát triển, trong đó có 6 năm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, đến năm 2010, ông Tuấn rút khỏi VIB. Vị doanh nhân gốc Hoà Bình bắt đầu cuộc chơi mới tại OCB.

Thời điểm tham gia OCB, trên giấy tờ, ông Tuấn và người liên quan không sở hữu một cổ phần OCB nào. Tuy nhiên, ghi nhận tại báo cáo quản trị ngân hàng OCB năm 2012, thời điểm ông Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, số cổ phiếu của ông và người thân nắm giữ chiếm 15,47% vốn điều lệ ngân hàng này.

Không dừng lại ở đó, nhóm cổ đông gia đình ông Tuấn liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại OCB. Tính đến ngày 18/10/2024, theo danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của OCB, Chủ tịch Tuấn đang nắm giữ hơn 91,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,434% vốn OCB. Người có liên quan tới ông sở hữu hơn 318,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 15,486% vốn điều lệ.

Vợ ông Tuấn, bà Cao Thị Quế Anh, giữ hơn 66 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,213% vốn ngân hàng. Ba người con gái của ông Tuấn cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu OCB.

Trong đó, bà Trịnh Thị Mai Anh, Thành viên HĐQT OCB, nắm hơn 60 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,491% vốn điều lệ. Bà Trịnh Mai Linh sở hữu hơn 87,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,271% vốn. Bà Trịnh Mai Vân đang nắm giữ hơn 76,9 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 3,746% vốn OCB.

Ngoài người thân, một cổ đông tổ chức khác thuộc sở hữu của vợ ông Tuấn cũng nắm giữ hơn 23,27 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 1,132% vốn là Công ty TNHH Đầu tư TQA. Đơn vị này được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do bà Cao Thị Quế Anh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Tính tại thời điểm 21/12/2020, vốn điều lệ của Đầu tư TQA tăng lên 1.400 tỷ đồng, cơ cấu thành viên gồm: bà Cao Thị Quế Anh góp 35,706% vốn, bà Trịnh Thị Mai Anh góp 14,294% vốn. Cổ đông còn lại là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt – đơn vị có mối liên hệ khăng khít với gia đình Chủ tịch OCB (sẽ đề cập chi tiết tại phần sau).

Như vậy, chỉ tính riêng số cổ phiếu của ông Tuấn và gia đình cùng công ty liên quan trực tiếp sở hữu là hơn 405,5 triệu đơn vị, tương ứng 19,737% vốn điều lệ OCB - vượt trần mức quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Có thể thấy, kể từ khi tham gia cuộc chơi mới ở OCB đến nay, ông Trịnh Văn Tuấn và người thân đã miệt mài gia tăng sở hữu để củng cố vị thế làm chủ tại ngân hàng này.

Dù vậy, tỷ lệ sở hữu thực sự của gia đình ông Tuấn không dừng lại ở con số 19,737% vốn OCB nói trên. Danh sách cổ đông nắm trên 1% tại OCB còn xuất hiện nhiều cái tên ít nhiều liên quan tới gia đình ông Tuấn.

Trong danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn OCB, không thể không nhắc đến Công ty Cổ phần Đầu tư HVR, đơn vị sở hữu hơn 79,1 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 3,853% vốn ngân hàng. Từ công ty này, thông qua các cá nhân là lãnh đạo hoặc cổ đông của họ có thể lần ra “mạng lưới” của nhóm Hướng Việt trong mối quan hệ với OCB. Mà nhóm này, vốn được đồn đoán là cơ ngơi của gia đình nhà vợ Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy HVR tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Hướng Việt, thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 190 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập là vợ chồng ông Cao Quế Sơn (em vợ ông Trịnh Văn Tuấn) và Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt.

Khi mới thành lập, Đầu tư HVR do ông Cao Quế Sơn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, sau đó chuyển giao cho ông Nguyễn Đức Toàn (nhân vật này sẽ được nói tới ở phần sau).

Tới ngày 23/3/2020, ông Trần Bình Ổn kế nhiệm vị trí này. Ông Ổn là người đã gắn bó nhiều năm với vai trò Thành viên Ban Kiểm soát của Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), nơi ông Trịnh Văn Tuấn và bà Cao Thị Quế Anh từng thay nhau đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Ở thời điểm hiện tại, bà Trần Thị Thúy An thay ông Trần Bình Ổn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT tại HVR. Nữ doanh nhân sinh năm 1983 này còn là cổ đông và lãnh đạo nhiều tổ chức khác. Đáng nói, nhóm này đang trực tiếp sở hữu cổ phần của ngân hàng OCB.

Một trong số đó là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận, cổ đông sở hữu hơn 67 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 3,256% vốn ngân hàng. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đức Thành – Gia Lai góp 90% vốn điều lệ, còn lại cổ đông Nguyễn Văn Quý góp 10%.

Tính tới ngày 24/9/2020, vốn điều lệ của công ty giảm xuống 185 tỷ đồng, bà Trần Thị Thúy An giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và ông Tạ Quốc Dũng làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Kế đến là Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo HVE, đơn vị nắm giữ hơn 64,5 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 3,141% vốn ngân hàng. Tại đây, bà Trần Thị Thúy An góp 14,4 tỷ đồng tương đương 4,5% vốn điều lệ; ông Trần Bình Ổn (đã nhắc ở trên) góp 291,2 tỷ đồng, tương đương 91% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, cơ cấu lãnh đạo của Công ty HVE cũng xuất hiện ông Tạ Quốc Dũng (đã nhắc ở trên) đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, trước khi chuyển cho ông Tô Mạnh Hùng. Người này, hiện còn giữ vai trò Tổng giám đốc tại Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh, đơn vị đang sở hữu 3,247% vốn OCB.

Một điểm đáng chú ý tại ban lãnh đạo Khu công nghiệp Tây Ninh là cái tên Võ Hoàng Long – Thành viên HĐQT, cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán VIS.

Nói thêm về Chứng khoán VIS, dù vợ chồng ông Trịnh Văn Tuấn đã rút và thoái toàn bộ cổ phần, song VIS vẫn trong tầm ảnh hưởng của gia đình ông Tuấn. Cổ đông lớn nhất của Chứng khoán VIS, hiện là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt (gọi tắt là Hướng Việt Investment) với 84,816% vốn điều lệ. Cũng tại Hướng Việt Investment, ông Võ Hoàng Long nhận chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT từ ông Cao Quế Lâm - em rể Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn.

Một cái tên nổi bật khác tại Chứng khoán VIS là ông Đào Duy Hải, Thành viên HĐQT. Ngoài vai trò tại VIS, ông còn tham gia Hướng Việt Investment với vị trí Thành viên HĐQT.

Ông Hải cũng từng giữ vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Công ty Cổ phần Đầu tư Bình An House, đơn vị hiện nắm giữ hơn 97,3 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 4,735% vốn điều lệ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy Bình An House từng có liên hệ với nhóm Hướng Việt. Năm 2020, Bình An House từng có khoản vay ngắn hạn 2 tháng với Công ty Cổ phần Đầu tư HVR.

Ngoài những tổ chức nói trên, danh sách nắm trên 1% vốn của OCB ghi nhận Công ty Cổ phần Next Green Capital sở hữu hơn 59,4 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng 2,981% vốn ngân hàng. Công ty này mới thành lập hồi tháng 6/2024 với vốn điều lệ 450 tỷ đồng, do ông Nguyễn Đức Toàn (người từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư HVR, đã đề cập ở trên) sở hữu 99,99% vốn và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc.

Như vậy, có thể thấy, thông qua một mạng lưới được liên kết phức tạp, quyền lực của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn hầu như bao trùm lên OCB.

Chịu ảnh hưởng của gia đình Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn, không lấy làm lạ khi OCB và Chứng khoán VIS từng song hành trong một số “thương vụ” phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư HVR. Trong đó, OCB đóng vai trò là tổ chức bảo lãnh thanh toán, còn Chứng khoán VIS là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành.

Chẳng hạn, năm 2021, OCB và Chứng khoán VIS đã thu xếp cho HVR huy động nguồn vốn từ trái phiếu để thanh toán tiền đặt cọc bảo đảm cho việc nhận chuyển nhượng tài sản là toàn bộ Nhà máy Điện mặt trời Hàm Kiệm 1 tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, năm 2020, HVR cũng ghi nhận các khoản vay ngắn hạn và dài hạn từ OCB, với tổng giá trị là 250 tỷ đồng.

Không chỉ HVR, dữ liệu của VietTimes cho thấy các đơn vị liên quan đến nhóm Hướng Việt và gia đình Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn có mối quan hệ tín dụng sâu sắc với ngân hàng OCB.

Có thể kể đến Công ty HVE, đơn vị này từng phát sinh nhiều hợp đồng đăng ký giao dịch bảo đảm với OCB chi nhánh Linh Đàm. Đơn cử, ngày 20/12/2022, công ty ký hợp đồng đăng ký giao dịch bảo đảm với OCB, tài sản bảo đảm là 15,385 triệu cổ phiếu của Công ty HVE tại Công ty Cổ phần Phong điện la Pết Đak Đoa Số Một.

Hay OCB cũng đóng vai trò là bên cấp tín dụng cho Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận. Liên quan đến dự án Nhà máy Điện mặt trời Hàm Kiệm 1, công ty từng thế chấp tại OCB chi nhánh TP.HCM vào năm 2020.

Vào ngày 29/11/2022, Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận ký hợp đồng giao dịch bảo đảm với OCB chi nhánh Linh Đàm, tài sản bảo đảm là 14,391 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận tại Công ty Cổ phần phong điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai (cổ phần trên không phải là chứng khoán đã được đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam).

Với Khu công nghiệp Tây Ninh, nhiều năm liền đơn vị này được OCB cấp tín dụng. Ví dụ, công ty từng phát sinh giao dịch bảo đảm với OCB, tài sản bảo đảm là toàn bộ lợi ích phát sinh trong quá trình chuyển nhượng từ Hợp đồng số 62/2015-HĐ ngày 09/11/2015 và Hợp đồng số 58/TW25 – INDECO ngày 27/08/2018 giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm TW 25 và Khu công nghiệp Tây Ninh về việc hợp tác đầu tư xây dựng và chuyển giao Bất động sản tại số 120 Hai Bà Trưng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM.

Ngoài những cái tên nắm vốn OCB nói trên, dữ liệu cho thấy Hướng Việt Investment được OCB cấp tín dụng nhiều năm nay. Cụ thể, ngày 13/4/2021, công ty ký hợp đồng với OCB chi nhánh TP.HCM, tài sản bảo đảm là 4.470.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát phát hành số 185/2020/CĐ-QLP ngày 23/12/2020, mệnh giá 10.000 đồng/đơn vị.

Hoặc 920.000 cổ phiếu do Khu Công nghiệp Tây Ninh phát hành ngày 30/11/2016 cũng được Hướng Việt Investment thế chấp tại OCB chi nhánh TP.HCM vào tháng 6/2021.

Tựu trung lại, có thể nói, OCB đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình đầu tư, kinh doanh của hệ sinh thái Hướng Việt. Cả hai hợp lại thành “đế chế” có quy mô hàng đầu trong khối kinh tế tư nhân, làm nên vị thế lớn của ông Trịnh Văn Tuấn và gia đình.

Tuy nhiên, sự gắn kết khăng khít giữa OCB và Hướng Việt cũng để lại ít nhiều băn khoăn về tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động tín dụng, sử dụng vốn của các đơn vị liên quan, đòi hỏi sự kiểm soát nhằm hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững, loại trừ những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Đồ họa: Tùng Lâm