Người Việt Nam ta câu tục ngữ “sông có khúc, người có lúc” để nói về hai quy luật bất biến trong tự nhiên và xã hội.
Theo quy luật tự nhiên, trên trái đất này không có con sông nào không uốn theo nhiều khúc quanh do phải tuân theo quy luật “nước chảy vào chỗ trũng”. Do thuận theo quy luật này nên trong quá trình biến hóa hàng triệu năm trên hành tinh, mọi dòng sông đã phải len lỏi qua nhiều khu vực địa hình vô cùng phúc tạp, vượt qua mọi vật cản của tự nhiên để đổ về biển cả. Bởi thế, nhiều dự án nhân tạo bắt dòng sông phải chảy theo hướng khác, trái với quy luật tự nhiên, đã để lại hậu quả lâu dài và rất tai hại đối với con người.
Theo quy luật xã hội, cuộc đời của mỗi con người cũng trải qua rất nhiều khúc quanh. Trong đó, có lúc thành công và có khi thất bại; có lúc hạnh phúc và có khi bất hạnh; có lúc may mắn và có khi rủi ro v.v... Vậy nên, trong cuộc sống của mỗi con người, không nên quá lạc quan khi thành công và quá bi quan khi thất bại; không nên hứng khởi thái quá khi hạnh phúc và gặp may mắn nhưng lại quá đau buồn khi bất hạnh và gặp rủi ro.
Quy luật này đã được người Việt Nam từ xa xưa đúc kết thành cách ứng xử rất nhân văn và rất khoa học là “sông có khúc, người có lúc” để khuyên răn mọi người nên có cách ứng xử nhân văn và đạo lý trước những khúc quanh trong thân phận của con người.
Các trận đấu bóng đá giữa hai đội trên sân cỏ là cuộc chơi rất đặc biệt bởi nó đồng thời tuân theo cả hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật xã hội.
Theo quy luật tự nhiên, quỹ đạo của trái bóng trên sân cỏ phụ thuộc vào tính chất của sân cỏ: cỏ nhân tạo hay cỏ tự nhiên ảnh hưởng rất lớn vào độ nảy của trái bóng; phụ thuộc vào thời tiết: hướng gió và tốc độ gió ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ và hướng bay của trái bóng sau khi được phát đi từ chân cầu thủ. Nhiệt độ thời tiết trên sân cũng có tác động tới tâm trạng và sức chịu đựng của các tuyển thủ. Thí dụ, U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan ở Tuần Châu năm 2018 trong điều kiện thời tiết có tuyết rơi và băng giá, hoàn toàn khác lạ với thời tiết Việt Nam, đã ảnh hưởng rất lớn tới trạng thái thi đấu của các tuyển thủ chúng ta.
Theo quy luật xã hội, đường bay của trái bóng trên sân cỏ phụ thuộc vào trạng thái tâm-sinh lý và tinh thần của các cầu thủ, vào sự phối hợp ăn ý hay không ăn ý giữa các cầu thủ, vào chiến lược và chiến thuật của huấn luyện viên, vào sự cổ vũ của người hâm mộ trên khái đài, vào chế độ dinh dưỡng của các tuyển thủ v.v.
Do phụ thuộc vào cả quy luật tự nhiên và quy luật xã hội, nên thành công hay thất bại của các cầu thủ trên sân cỏ là rất khó có thể dự đoán trước. Bởi thế, các cầu thủ thường được đánh giá là siêu sao thế giới trên sân cỏ như Messi hay Ronaldo cũng đã từng không ít lần thất bại trong các lần thực hiện cú phạt đền được coi là có xác suất thành công tới 99%! Hoăc, có thủ môn hàng đầu thế giới vẫn không ít lần không thể cản phá được đường bóng của đối phương bay vọt vào khung thành. Đó là điều dễ hiểu và nên thông cảm cho các cầu thủ mỗi khi họ thất bại trên sân cỏ. Có lẽ vì thế mà để giải thích thất bại và thành công của các cầu thủ trên sân cỏ, người ta thường nói câu “bóng đá là thế!”
Thiết nghĩ, xuất phát từ đạo lý “sông có khúc, người có lúc” để bình tĩnh và khách quan nhìn nhận pha cản phá không thành công của thủ môn đội tuyển U22 Việt Nam Bùi Tiến Dũng trước cú phạt góc của đội U22 Indonesia trong trận đấu ngày 01/12/2019 tại SEA Games 30. Sau trận đấu, trên trang cá nhân, thủ môn Bùi Tiến Dũng viết: "Kết thúc một trận đấu khó khăn. Thật hạnh phúc khi chúng ta đã đoàn kết để cùng vượt qua. Tôi sai đã có các bạn sửa. Chúng ta sẽ cố gắng vì một lá cờ trên ngực. Xin cảm ơn tất cả mọi người".
Tuy nhiên, do quá khát khao mong muốn U22 Việt Nam giành chiến thắng trước U22 Indonesia nên có không ít người đã đổ lỗi một cách quá cực đoan cho thủ môn Bùi Tiến Dũng khi anh bắt bóng không dính trong cú phạt góc của U22 Indonesia, dẫn đến bàn thua sớm đầu tiên của U22 Việt Nam.
Trong chương trình bình luận ngay sau trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Indonesia, bình luận viên thể thao Quốc Khánh của VTV vừa cầm điện thoại để làm động tác giả gọi điện cho thủ môn Đội tuyển quốc gia Việt Nam Đặng Văn Lâm và nói: “Alo, Văn Lâm đấy ạ, nếu như không có việc gì thì Lâm có thể đặt vé đến Manila ngay lúc này được không ạ, chúng tôi đang rất cần người”. Dù có thất vọng đến mấy trước lần bắt bóng không dính của thủ môn Bùi Tiến Dũng thì cách hành xử như vậy là không thích hợp, rất phản cảm đối với hàng triệu người hâm mộ bóng đá và trái với quy luật đạo lý “sông có khúc, người có lúc” mà người Việt Nam đã từng đúc kết thành chân lý ở đời.
Bình luận viên VTV Quốc Khánh trên chương trình bình luận bóng đá sau trận U22 Việt Nam gặp U22 Indonesia ngày 1/12/2019. |
Cũng nên nhớ lại, năm 2018, báo chí và hàng triệu người Việt Nam hâm mộ bóng đá đã từng tôn vinh và chào đón thủ môn Bùi Tiến Dũng Việt Nam với những biệt danh “người hùng”, “người nhện”, “người gác đền bất khả xâm phạm” bởi anh đã góp phần rất quan trọng cho U23 Việt Nam giành Giải nhì trong trận chung kết U23 châu Á với đội tuyển U23 Uzbekistan. “Người có lúc” là như vậy đấy! Và bóng đá lại càng là như thế đấy!.
Sau lời bình luận phản cảm của bình luận viên thể thao Quốc Khánh, nhiều người hâm mộ U22 Việt Nam và bình luận viên bóng đá đã lên tiếng động viên thủ môn Bùi Tiến Dũng. Một bình luận viên khác của VTV trong Chương trình thể thao 24/7 ngày hôm sau, 2/12/2019, đưa ra nhận xét thật thú vị và cũng rất nhân văn: “Cảm ơn thủ môn Bùi Tiến Dũng (bắt bóng không dính) đã khiến cho chiến thắng của U22 Việt Nam trước U22 Indonesia trở nên kịch tính và ngọt ngào hơn!”
Bình luận viên thể thao Trương Anh Ngọc có những nhận xét bình tĩnh và khách quan: "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần. Sai thì sửa, ngã thì đứng dậy, đơn giản bởi đấy là cuộc sống và khi còn trẻ, còn cơ hội, rất nhiều cơ hội trước mắt, người ta vẫn có thể sửa được, tiến bộ được và coi những lời chỉ trích của dư luận nhắm vào mình là nguồn động lực để vươn lên cao hơn, xa hơn".
Thủ môn Bùi Tiến Dũng Đội tuyển U22 Việt Nam trong một pha bắt bóng tại Sea Games 30.
|
Ca sĩ Minh Quân động viên thủ môn Bùi Tiến Dũng trên trang facebook cá nhân: "Mãi luôn vững tin vào các em! Những chiến binh quả cảm. U22 sẽ tiếp tục chiến thắng và sẽ vô địch SEA Game 30. Quên đi mọi muộn phiền và cố lên em nhé!"
Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng bênh vực Bùi Tiến Dũng trước cơn “mưa đá” nhằm vào thủ môn này: "Bùi Tiến Dũng vẫn là một tài năng! Đừng nên quá tiêu cực khi cứ mỗi một bàn thua là nghĩ đến việc gạch đi một cái tên! Thể thao phải là tích cực".
Nam ca sĩ Vũ Hà lên tiếng bảo vệ thủ môn Bùi Tiến Dũng: “Tôi không thể tưởng tượng được văn hóa hâm mộ thế nào. Người ta cũng là người chứ không phải thần thánh. Những điều các bạn nói ra sẽ làm tổn thương đối với người mà quý vị đang nói. Là khán giả, là người hâm mộ thì nên làm người khán giả có văn minh một chút".
Đạo lý “sông có khúc, người có lúc” là thế! Bóng đá là thế! Hãy nên là người hâm mộ bình tĩnh và khách quan trong cơn cuồng nhiệt. Hãy ứng xử với bóng đá bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Có lẽ vì thế mà người mẹ Nga Jukova Olga của Đặng Văn Lâm đã không thể xem trực tiếp trận chung kết của đội tuyển Việt Nam tại Giải AFF Cup 2018 mà trong đó anh là thủ môn, bởi cái đầu lạnh của bà đã không thể chế ngự được trái tim nóng đang ôm trọn người con trai vô cùng thân yêu của mình trên sân cỏ! Bà Jukova Olga chỉ biết được tin đội tuyển Việt Nam vô địch sau khi trận đấu kết thúc!