Hãng bay này cho biết: Thị trường hàng không trong những tháng đầu năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi. Giá thanh toán nhiên liệu bình quân quý I/2017 là 65,19 USD/thùng, tăng 13,64 USD/thùng so với quý I/2016. Chi phí nhiên liệu quý I/2017 tăng do giá tăng là hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn duy trì được đà tăng trưởng về sản lượng, chất lượng và doanh thu.
Theo đó, 3 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt gần 21.200 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần ước đạt hơn 20.800 tỷ đồng), tăng gần 12,5% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt gần 854 tỷ đồng. Tổng doanh thu và thu nhập của Công ty mẹ ước đạt trên 16.200 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần đạt gần 16.000 tỷ đồng), tăng hơn 5% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế Công ty Mẹ đạt trên 563 tỷ đồng.
Quý I/2017, Vietnam Airlines thực hiện gần 34.500 chuyến bay an toàn, vượt 1,3% kế hoạch quý. Chỉ số đúng giờ (OTP) đi được nâng cao, đạt 91,6%, tăng 6,2 điểm so với cùng kỳ và vượt 3,6 điểm so với mục tiêu quý.
Vietnam Airlines vận chuyển trên 5 triệu lượt khách, tăng 9,3% so với cùng kỳ và gần 76.000 tấn hàng hoá, tăng 23% so với cùng kỳ.
“Trong 3 tháng đầu năm, Tổng công ty Hàng không Việt Nam vẫn duy trì thị phần 61% thị trường nội địa”, hãng bay này cho biết.
Theo Báo cáo thường niên năm 2016, tại thời điểm 31/12/2016, Vietnam Airlines có tổng tài sản hợp nhất gần 96.500 tỷ đồng, tăng gần 7.300 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó Công ty Mẹ đạt hơn 87.000 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng so với năm 2015; vốn chủ sở hữu hợp nhất đạt gần 16.250 tỷ đồng, tăng hơn 4.100 tỷ đồng so với năm 2015.
Đáng chú ý, năm 2016, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ANA Holdings Inc (Nhật Bản), nâng quy mô vốn điều lệ đạt mức 12.275 tỷ đồng.
Như vậy, Vietnam Airlines tiếp tục duy trì vị thế là hãng hàng không có quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.
Cũng theo báo cáo, năm 2016, tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất đạt hơn 71.600 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần đạt gần 70.100 tỷ đồng), tăng 3,6% so với năm 2015.
Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh, đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm trước và vượt 12% so với kế hoạch.
Tổng doanh thu và thu nhập Công ty mẹ đạt gần 58.400 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần đạt hơn 56.500 tỷ đồng), tăng 3,1% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Nên biết, đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của Vietnam Airlines trong nhiều năm trở lại đây.
Trong năm 2016, hãng đã thực hiện gần 140.000 chuyến bay an toàn, tăng 20% so với năm trước. Số lượng chuyến bay khai thác trung bình khoảng 400 chuyến/ngày. Trong năm qua, Vietnam Airlines vận chuyển hơn 20,6 triệu lượt hành khách, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số sử dụng ghế toàn mạng đạt 81%. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt hơn 270.000 tấn, tăng 31% so với năm 2015 và vượt 13% so với kế hoạch.
Trong một động thái liên quan, CTCP Hàng không Viet Jet - Vietjet Air (Mã chứng khoán: VJC) – đối thủ lớn nhất của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa - cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2017.
Theo đó, mặc dù chi phí xăng dầu trong nước tăng lên mức bình quân 17,9 triệu đồng/tấn so với mức giá 12,33 triệu đồng/tấn của quí 1-2016 nhưng mức tăng này đã nằm trong dự báo và hãng đưa vào kế hoạch kinh doanh quí 1 và cả năm 2017.
Chính vì vậy, doanh thu vận tải hàng không của hãng trong quí đầu tiên của năm 2017 vẫn đạt 5.095 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, vượt 10,6% so với kế hoạch, trong đó tỷ trọng doanh thu các đường bay quốc tế tăng mạnh.
Lợi nhuận trước thuế của Vietjet đạt 424 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 382 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách vận chuyển của hãng đạt 3,7 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, báo cáo không công bố thông tin về quy mô thị phần của Vietjet Air trong 3 tháng đầu năm/.