Cần Luật Đầu tư an toàn cho thị trường vốn khởi nghiệp (Nguồn: Internet) |
“Vốn” luôn là vấn đề
Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn nhất khi khởi nghiệp, chị Hồ Ngọc Trâm – nhà sáng lập của dự án nông nghiệp Đà Lạt Eco Farm nhớ nhất chuỗi những ngày “ngập” trong nợ. Đó là những ngày, chị từ một người làm nông trại quyết định kinh doanh thêm một cửa hàng bán thực phẩm sạch mang tên Chợ Phố.
Thiếu kinh nghiệm trong mảng quản lý tài chính cũng như mảng phân phối nông sản, chị Trâm có lúc tưởng chừng như phải đóng cửa mô hình kinh doanh. Bản thân rơi vào trầm cảm, bế tắc vì không biết phải làm sao để trả nợ. “Mỗi sáng thức dậy là phải đối mặt với cả đống chi phí, phí nhập khẩu rau quả, phí nhân viên, thuế, phí quản lý. Trong khi đó mặt hàng của mình là hàng nông nghiệp, rất dễ hư hỏng.”
Nguồn vốn vay hỗ trợ của một quỹ đầu tư khởi nghiệp đã cứu mô hình kinh doanh của Hồ Ngọc Trâm lúc đó. Nó giúp chị vượt qua cơn khủng hoảng, và bắt đầu cân bằng lại câu chuyện tài chính.
Mô hình kinh doanh của chị, gồm cả trang trại lẫn cửa hàng thực phẩm sạch đều đang phát triển tốt hơn.
Câu chuyện kể trên cho thấy vốn luôn là khao khát tiên quyết của các doanh nghiệp khởi nghiệp, và một nguồn vốn vay ưu đãi đúng lúc có thể cứu một mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên không phải Start-up nào cũng may mắn như trường hợp của chị Hồ Ngọc Trâm.
Những người có nhiều ý chí, nhiều mộng tưởng, có năng lực chuyên môn, tuy nhiên đôi lúc lại thiếu một chút những nhân tố khác như: kỹ năng quản lý tài chính; kỹ năng kinh doanh và năng lực huy động vốn.
Ông Trí Hoàng – Giám đốc điều hành của AI 20X, và cũng là nhà khởi nghiệp thành công tại thung lũng Silicon của Mỹ, trở về Việt Nam và nhận xét rằng: “Phần lớn các bạn không định hình được mô hình kinh doanh và chưa biết kinh doanh sao cho hiệu quả”. Và đây chính là nguyên nhân khiến việc gọi vốn đối với nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn.
Thị trường khởi nghiệp những năm qua cũng đã chứng kiến không ít lùm xùm của các nhà đầu tư và Start-up. Không ít trường hợp Start-up thất bại, nhà đầu tư và doanh nghiệp cùng “đăng đàn tố tội” nhau.
Điều này cho thấy, thị trường đầu tư khởi nghiệp đang gặp phải những nút thắt về cả phía nhà đầu tư, lẫn nhà khởi nghiệp. Mà nơi có thể hỗ trợ giải quyết khả dĩ nhất chỉ có thể là cơ quan nhà nước.
Rất cần Luật đầu tư mạo hiểm
“Start-up cần vốn đầu tư. Vì bản thân họ không thể huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng. Họ có thể chưa có gì để vay vốn ngân hàng”, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập của Vietnam Silicon Valley nhấn mạnh. Bà này cho rằng, khi nhìn về thị trường gọi vốn của Việt Nam, đang tồn tại một điểm nghẽn rất lớn: “Thiếu Luật Đầu tư mạo hiểm.”
Bà Thạch Lê Anh: "Chúng ta cần Luật Đầu tư mạo hiểm" (Nguồn: Internet)
“Khi mà đầu tư vào Start-up là đầu tư vào con người, và những ý tưởng kinh doanh mà đưa ra giải pháp. Và đó là sự hứa hẹn với các nhà đầu tư thôi.
Nhưng khi mình đưa ra lời hứa hẹn mà mình không thực hiện được, mà tiền của nhà đầu tư mà mình tiêu rồi. Hiện nay với Luật Hình sự, như vậy là mình đang bị tội danh lừa đảo.
Đó là lý do vì sao chúng ta cần Luật Đầu tư mạo hiểm.”
Sự ra đời của Luật Đầu tư mạo hiểm sẽ phần nào khiến thị trường vốn khởi nghiệp ở Việt Nam trở nên “sôi động” hơn.
Ngay cả nhà nước cũng có thể tham gia vào thị trường này, thay vì như hiện tại, việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại có thể bị quy chụp với câu chuyện “gây thất thoát ngân sách nhà nước.”
Để start-up thực sự trở thành một làn sóng tích cực, lành mạnh và bền vững, muốn Việt Nam trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” không chỉ trên khẩu hiệu, rất cần có Luật Đầu tư mạo hiểm. Sớm nhất có thể!
Nhà nước nên đổ vốn hay...
Hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động ở Việt Nam chủ là quỹ đầu tư của nước ngoài. Những năm trở lại đây, thị trường cũng đã diễn ra mạnh mẽ làn sóng doanh nghiệp chuyển địa điểm kinh doanh đến các quốc gia nơi có nguồn vốn dối dào, cũng như luật kinh doanh thông thoáng hơn, điển hình như Singapore. Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang đánh mất những Start-up triệu đô vào tay các ông lớn ngoại.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước cũng đã bắt đầu mở các quỹ đầu tư khởi nghiệp, bắt tay vào việc đi tìm những Start-up đáng giá, có thể kể đến Vingroup, VNG. Tuy nhiên, con số này chưa thực sự đáng kể.
Trong bối cảnh đó, bà Thạch Lê Anh cho rằng trong việc đầu tư cho Start-up, nhà nước nên đi trước một bước. Đây chính là cách để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào cuộc chơi đầu tư khởi nghiệp.
Ngược lại với ý kiến của bà Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng lại cho rằng: “Đã làm khởi nghiệp, nguồn vốn phải ở xã hội chứ đừng trông chờ vào nhà nước. Em làm khởi nghiệp, nhà nước rót vốn cho em đi, chuyện đó không thể có.”
Theo luận điểm của ông Tùng, Start-up nên tìm sự hỗ trợ từ các quỹ của doanh nghiệp và tập đoàn lớn, nhà nước chỉ có thể đứng ở vị trí hỗ trợ, trong đó bao gồm việc hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ sân chơi, hỗ trợ kết nối giữa các bên liên quan.
Đối với các nhà khởi nghiệp Việt Nam nhưng chọn Singapore là bến đỗ vì những chính sách ưu đãi, ông Tùng tin rằng các nhà khởi nghiệp này vẫn sẽ trở về sau khi gặt hái các thành tựu nhất định.
Phát triển thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam cũng là câu chuyện được nói đến rất nhiều trong thời gian qua, và được Chính phủ kì vọng sẽ trở thành đòn bẩy về kinh tế, công nghệ.
Tất nhiên, để đạt được sự kỳ vọng lớn, nhà nước cũng sẽ cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Quan trọng và khả dĩ hơn cả có lẽ là sự "linh hoạt" hơn về chính sách./.