Trong danh sách này, có tới 5 công ty và hộ kinh doanh bị xử phạt hành chính ở mức cao. Cụ thể, 4 hộ bị xử phạt 12 triệu đồng do vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; khu chứa đựng, kho bảo quản không có giá, kệ kê hoàng hóa thực phẩm.
Riêng Công ty TNHH một thành viên Minh Đức (Đông Triều, Quảng Ninh) bị xử phạt 35 triệu đồng do sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cũng xử phạt 8 hộ kinh doanh và công ty bán thực phẩm quá hạn sử dụng với số lượng lớn, vận chuyển hàng trăm kilogram thực phẩm nhập lậu với mức phạt từ 6-8 triệu đồng.
Các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng Quảng Ninh xử phạt trong tháng 9 đa số là mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, gồm xúc xích, sữa, bánh trung thu… Cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy gần 58 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết đã kiểm tra, giám sát khoảng 50 nghìn cơ sở trên địa bàn, xử phạt 2405 hộ kinh doanh với số tiền tổng cộng gần 6,76 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019. Để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành tại tuyến quận, huyện; đôn đốc các xã, phường, thị trấn thực hiện, đảm bảo triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 100% các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Sửu yêu cầu đích thân các chủ tịch, phó chủ tịch cấp quận, huyện phải đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tháng/lần, chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần. Ngoài ra, các quận, huyện phải thực hiện 1 tháng/lần tổ chức giao ban, đánh giá công tác triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP định kỳ. |