Nội dung trên được ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số (CCHC và CĐS) tỉnh - chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS địa phương.
Không chạy theo thành tích
Theo Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS số tỉnh Quảng Nam, trong năm 2022, công tác CCHC của tỉnh đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Trong đó, khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiếp nhận 477.263 hồ sơ, đã giải quyết và trả kết quả đạt 96,85%, trong đó giải quyết đúng hạn đạt 63,79%; đang giải quyết đạt 3,47%.
Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn của khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã lần lượt là 0,2%; 28,54%; 5,88%. Khối các cơ quan ngành dọc tại tỉnh đã giải quyết hồ sơ đúng hạn 99,57%.
Về hồ sơ trực tuyến qua mạng internet mức độ 3-4, đến nay, UBND tỉnh đã triển khai 1.463 dịch vụ công, tích hợp 1.396 dịch vụ công mức 3, mức 4 vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiếp nhận thành công 194.328 hồ sơ, đạt tỉ lệ 55,73%. Khối cơ quan ngành dọc tại tỉnh tiếp nhận 567.943 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4.
Ứng dụng chuyển đổi số, Quảng Nam thí điểm nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp trực tuyến thông qua phần mềm thuộc hệ thống giáo dục thông minh |
Trong năm 2022, các cơ quan hành chính đã thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích với tổng hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ này là 471.098 hồ sơ, trong đó tại Trung tâm Phục vụ hành chính công là 3,53% và cấp huyện là 96,47%.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã tăng cường chỉ đạo thực hiện cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Trong đó, nổi bật là triển khai xây dựng hệ thống bản đồ thực thi thể chế của tỉnh để cung cấp thông tin giám sát, thống kê các chỉ tiêu về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh...
Đối với tiến trình chuyển đổi số, Quảng Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Trong năm 2022, Quảng Nam xếp thứ 25/63 tỉnh/thành về kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với những kết quả này, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho rằng, năm 2023, công tác CCHC sẽ chú trọng rút ngắn thời gian giải quyết TTHC ở ngay tại các cơ quan và bộ phận một cửa. Còn CĐS theo ngành, lĩnh vực cần đi thẳng vào vấn đề mấu chốt, trọng tâm, trọng điểm, có hướng dẫn cụ thể là cần làm việc gì, tránh bị động, dàn trải chung chung.
“Quảng Nam làm là làm thực chất, sát thực tiễn, không chạy theo thành tích, không chạy theo chỉ số. Xác định được tinh thần khách quan đó mới làm hiệu quả, chất lượng được”- ông Lê Trí Thanh nói.
Cải cách hành chính là phải chấm điểm
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến trình CCHC và CĐS ở Quảng Nam còn vấp phải nhiều vấn đề cần khắc phục.
Theo Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS, công tác cải cách TTHC vẫn đang dừng lại ở việc chấp hành, triển khai quy định của trung ương, chưa năng động, linh hoạt trong triển khai và còn thiếu tính mới, đột phá. Tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ở lĩnh vực đất đai cao. Kiểm soát, thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao chưa tốt. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng về năng lực chuyên môn, yêu cầu trong tình hình mới;...
Đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương vẫn chưa thật sự sâu sát. Nhiều địa phương phải sử dụng quá nhiều phần mềm nên vẫn phải nhập lại cùng nội dung thông tin trên các phần mềm khác nhau. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn hạn chế.
Ngoài ra, việc kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do một số thiết bị mạng và máy chủ còn tồn tại lỗ hổng bảo mật; hạ tầng của tỉnh vẫn chưa đảm bảo để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nguồn nhân lực làm công tác CĐS ở các đơn vị còn thiếu, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm… khiến quá trình triển khai thực hiện công tác CĐS và CCHC ở Quảng Nam chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Quảng Namm |
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam – cho rằng, nhiều sở, ngành, địa phương vào cuộc thực sự quyết liệt, hiệu quả, có chuyển biến. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa như mong muốn, kỳ vọng của ban Chỉ đạo.
“CĐS là phải toàn dân, cả người già, người trẻ, doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chịu CĐS. Do đó, phải tổ chức nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên, nhất là người đứng đầu về CCHC và CĐS”- ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, từ năm 2023, Quảng Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ CCHC và CĐS, lấy chỉ số cải cách hành chính, CĐS làm tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại hằng năm.
“Cải cách thủ tục hành chính là phải chấm điểm. Đến ngày 5/11/2023 là sẽ có số liệu để chấm điểm toàn tỉnh. Đơn vị, địa phương nào làm không được rõ ràng là không hoàn thành nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo sẽ đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lấy chỉ số CCHC để làm tiêu chí ưu tiên đánh giá thi đua, xếp loại hằng năm”- ông Cường cho hay.