Dẫn các vụ án tham nhũng được xét xử gần đây trên cả nước, Phương Nam lưu ý rằng chiến dich chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay đã đẩy giá hối lộ tăng cao do những người liên đới phải chịu nguy cơ cao hơn trước.
Chẳng hạn, vụ quan tham Du Baoqian vừa mãn hạn từ sau 14 năm bóc lịch về tội nhận hối lộ năm 2001 đã nhận hối lộ 42.500 USD. Khi làm bí thư đảng ủy huyện Lushi ở tỉnh Hà Nam, Du bị cáo buộc nhận hối lộ khoảng 10.000 tệ (1.570 USD) mỗi lần, cao nhất là 50.000 tệ (7.870 USD) cho một vụ đề bạt.
Một vụ khác của Yan Jinxing, cựu bí thư huyện ở tỉnh An Huy. Khi Yan bị đưa ra xét xử vào tháng 9/2014, ông ta thú nhận đã nhận 3 vụ hối lộ riêng rẽ gồm 5.000 tệ (787 USD), 10.000 tệ (1.573 USD) và 5.000 tệ (787 USD) của một người để đề bạt anh ta trong giai đoạn 2001-2007.
Sau năm 2007, giá đưa hối lộ bắt đầu tăng lên, ví như vụ Tong Mengjiao, cựu bí thư huyện Mianchi ở tình Hà Nam bị buộc tội nhận hối lộ 10.000 tệ (15.730 USD). Tiền tham nhũng tiếp tục tăng lên sau năm 2010. Năm 2012, cựu bí thư huyện Xiaoxian ở tỉnh An Huy là Wu Baoliang đã thừa nhận ăn hối lộ ở mọi cấp bậc, phần lớn tiền hối lộ mỗi vụ ít nhất cũng phải 200.000 tệ (31.460 USD).
Mấy năm gần đây, tiền hối lộ đánh dấu mốc một triệu nhân dân tệ. Trong một cuộc điều tra liên quan tới gian lận bầu cư ở huyện Nanchong, tỉnh Tứ Xuyên, đã phát hiện một ứng cử viên đã chi một khoản tiền lên tới 1,04 triệu tệ (164.000 USD) để đút lót 16 người.
Các khoản hối lộ điển hình phụ thuộc vào cấp bậc và vị trí bổ nhiệm. Chẳng hạn ở cấp huyện, các vụ việc cho thấy một quan tham phải chi khoảng 300.000 tệ (47.000 USD) để được đề bạt vào ghế cấp phó. Tại cấp thành phố, vụ một quan chức gần đây tại khu tự trị Nội Mông đã chi 550.000 tệ (86.560 USD) và 3kg vàng để được cất nhắc từ chức phó bí thư thành phố lên chức phó thị trưởng.
Tuy nhiên lên đến cấp rất cao, việc mua quan bán tước lại được đấu giá. Vào tháng 3/2015, Yang Chunchang, cựu cục trưởng cục xây dựng quân đội thuộc viện khoa học quân sự quân đội Trung Quốc khai trước tòa rằng, cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu (đã chết trong cùng tháng do ung thư bàng quang trước khi bị xét xử) đã để các ứng cử viên đấu giá để được thăng chức.
Nếu người nào đưa cho Từ Tài Hậu 10 triệu tệ (1,57 triệu USD), nhưng một người khác lại trao cho ông ta 20 triệu tệ (3,15 triệu USD), Từ sẽ đề bạt người đưa nặng tay hơn, Yang khai.
Phương Nam Tạp chí cũng cho biết rằng trong nhiều trường hợp, các quan tham đã chi tiền đút lót để chạy chức hoặc mua phiếu bầu cử nhưng rốt cuộc vẫn không được việc. Đặc biệt một vụ đã có một ứng cử viên muốn chạy chọt một chân quan chức thôn, đã bỏ ra 600.000 tệ (94.000 USD) nhưng rốt cuộc vẫn không trúng cử.
Song cũng có những vụ quan tham chi một khoản tiền lớn chỉ để chạy một chức vụ nhỏ hơn như Hao Erzhu đã chi 7,68 triệu tệ (1,21 triệu USD) để mua thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011 tại một thôn tại thành phố Taiyuan, tỉnh Sơn Tây. Với Hao, khoản tiền này là một vụ đầu tư hời vì sau đó ông ta đã lợi dụng chức vụ của mình để biển thủ 50 triệu tệ (7,87 triệu USD) từ quỹ tiền đền bù đất đai và chuyển nhượng bất hợp pháp 560 mẫu đất của thôn.
Lợi ích của việc giữ một chức vụ có ảnh hưởng lớn ở bất cứ cấp bậc nào được chứng minh bằng vụ gian lận bầu cử tập thể tại tỉnh Hồ Nam. Một cuộc điều tra tham nhũng đã phát giác trong số 76 đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh được bầu, đã có tới 56 vị chi tới 110 triệu nhân dân tệ (17,31 triệu USD) để mua phiếu bầu.
Theo DM