|
Ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) đã chia sẻ một số đánh giá, phân tích của ông về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa kết thúc năm 2016 cũng như nhận định của ông về một số vấn đề như quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Nh |
Ngày 19/12/2016 các đại cử tri Mỹ đã ấn định ông Donald Trump, người giành chiến thắng trong cuộc đua bầu cử chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. Dù còn nhiều tranh cãi, bất đồng cũng như chia cắt trong lòng nước Mỹ nhưng việc ông Trump làm Tổng thống là một thực tế rõ ràng. Cá nhân ông có đánh giá gì về cuộc bầu cử cũng như kết quả cuối cùng được cử tri đoàn ở Mỹ ấn định hôm 19/12?
Việc ông Trump chiến thắng trong đại hội cử tri đoàn hôm 19/12/2016 vừa qua là điều đã được dự báo trước.
Thứ nhất, tỷ lệ chênh lệch phiếu đại cử tri hôm bầu cử ngày 8/11 của ông Trump và bà Hillary là quá lớn: ông Trump đã đạt được hơn 300 phiếu đại cử tri, thắng áp đảo so với con số hơn 200 của bà Hillary. Tuy hôm 19/12 vừa qua, vẫn còn một số đại cử tri không bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng, khi số phiếu của bà Hillary cách ngưỡng 270 quá xa.
Thứ hai, thông thường trong đại hội cử tri đoàn, không chỉ riêng đại hội hôm 19/12, mà trong tất cả các cuộc đại hội từ trước đến nay, khả năng lật ngược tình thế của ứng cử viên thất thế là chưa có tiền lệ. Dường như nước Mỹ cũng chưa sẵn sàng để chào đón một nữ Tổng thống.
Thứ ba, trong lịch sử nước Mỹ, rất hiếm có đảng nào nắm quyền hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Vì vậy chuyện thay đổi đảng cầm quyền ở cuộc bầu cử năm nay là bình thường. Hơn nữa, với tâm lý thích thay đổi, và luôn mong muốn thay đổi của người Mỹ, thì việc người của Đảng Cộng hòa giành chiến thắng là điều hiển nhiên.
Đấy là chưa nói tới tâm lý của nhóm cử tri da trắng có học vấn thấp. Những cử tri này rất không bằng lòng với những chính sách của đảng Dân chủ dưới thời ông Obama. Bên cạnh đó, các cử tri này còn bị tác động bởi việc bà Hillary bị cho là không đáng tin cậy.
Như vậy, kết quả hôm 19/12 không có gì đáng ngạc nhiên. Dù đảng Dân chủ đã có một số nỗ lực để tìm cách đảo ngược tình thế nhưng cũng không thể thay đổi được cục diện chung - một cục diện đã được quyết định từ trước.
Mặc dù có nhiều tuyên bố hùng hồn, gây sốc khi tranh cử và khiến dư luận quốc tế, trong đó có cả các đồng minh và các đối tác của Mỹ trên toàn cầu quan ngại nhưng sau khi được bầu làm Tổng thống, ông Trump đã có những động thái, tuyên bố, phát ngôn mềm đi rất nhiều. Theo ông, những biểu hiện của ông Trump có thể giải thích ra sao?
Về phát ngôn, việc ông Trump có những phát ngôn gây sốc, theo tôi, thứ nhất, có thể là do ông Trump chưa có kinh nghiệm chính trị. Lưu ý rằng, ông Trump vốn xuất thân là một thương gia, chưa bao giờ quản lý chính quyền.
Thứ hai, ở Mỹ, quyền tự do ngôn luận rất mạnh. Như vậy, ta có thể hiểu, việc ông Trump phát biểu để bày tỏ quan điểm, lập trường riêng của mình trong bối cảnh ông chưa chính thức nhậm chức Tổng thống, thì chỉ là những phát ngôn của riêng ông Trump, không liên quan gì đến chính quyền Mỹ.
Về hành động, trong thời gian qua, từ khi thắng cử tổng thống hôm 8/11 đến hết tháng 12/2016, tính ra ông Trump đã có khoảng 50 cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước trên thế giới. Những phát ngôn, tuyên bố của ông Trump trong các cuộc điện đàm này cũng gây ra rất nhiều sự tò mò cho giới nghiên cứu cũng như các nước liên quan.
Đặc biệt, có một số cuộc điện đàm rất gây được nhiều chú ý, như điện đàm với bà Thái Anh Văn của Đài Loan. Cuộc điện đàm này đã khiến phía Trung Quốc rất không hài lòng. Các phát biểu của ông Trump trong cuộc điện đàm này, cũng như một số vấn đề liên quan, đã gây ra một số suy diễn rằng quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới sẽ phức tạp hơn.
Biểu hiện thứ ba là ông Trump rất hay lên mạng xã hội Tweetter để bày tỏ quan điểm của mình. Với một nước phát triển và người dân thường xuyên sử dụng các mạng xã hội như ở Mỹ, thì việc ông Trump lên Tweetter bày tỏ quan điểm là những phản ứng mang tính cá nhân, nhiều hơn là thể hiện lập trường quan điểm.
Tuy nhiên, việc ông Trump sử dụng thường xuyên mạng Tweeter từ khi được bầu đến trước khi được chính thức chuyển giao quyền lực cho thấy nhu cầu muốn khẳng định quan điểm, và thể hiện mình với thế giới bên ngoài. Điều này có thể thay đổi sau ngày 20/1/2017 tới.
Điểm thứ tư là quá trình chọn nhân sự chuẩn bị cho nội các mới, được làm rất kỹ với sự tham gia của rất nhiều tỷ phú, triệu phú và các tư lệnh chiến trường có kinh nghiệm...
Từ 4 vấn đề trên cho thấy ba điều khá rõ, một là, ông Trump đang tích cực chuẩn bị cho việc tiếp quản quyền lực, chuẩn bị trở thành Tổng thống. hai là, ông Trump đang có nhu cầu bộc lộ quan điểm trong lúc chưa chính thức nhậm chức.
Cuối cùng, ông Trump là một người không có nguồn gốc chính trị nên có thể ông Trump sẽ có những hành động không giống các chính trị gia thông thường. Do vậy, sẽ có thể có những bất ngờ trong thời gian tới.
Bên cạnh các vấn đề đối nội gai góc mà ông Trump cam kết sẽ thực hiện, về đối ngoại ông Trump cho biết có thể xây dựng lại quan hệ với Nga bởi ông cho rằng nước Nga không phải là kẻ thù của nước Mỹ. Theo ông liệu mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Nga của ông Trump có triển vọng hay gặp rào cản gì không?
Về quan hệ với Nga, ông Trump có quan điểm rất khác, không chỉ khác với ông Obama mà còn cả với giới chính trị chính thống của Mỹ. Cá nhân ông Trump đã có những phát biểu, đánh giá tương đối tích cực hơn trong mối quan hệ với ông Putin cũng như nước Nga so với ông Obama trước đây.
Theo tôi, sau khi nhậm chức, nhiều khả năng ông Trump sẽ có nhiều biện pháp để cải thiện quan hệ với Nga.
Biểu hiện rõ ràng nhất, là việc trong nội các mới của mình, ông Trump đã chọn ông Rex Tillerson, nguyên Giám đốc của ExxonMobil, một người có rất nhiều quan hệ ông Putin và nước Nga làm ngoại trưởng.
Ông Tillerson và tập đoàn ExxonMobile đã và đang có nhiều dự án dầu khí tại Nga. Đây rõ ràng là động thái của ông Trump muốn thúc đẩy quan hệ tích cực hơn với Nga.
Ngoài ra, còn một lý do nữa, đó là việc Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc xích lại quá gần nhau.
Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán của tôi dựa trên các phát ngôn, hành động của ông Trump, còn việc ông Trump có thể cải thiện được hay không, thì thời gian sẽ chứng thực. Dù là Tổng thống thì phía sau ông Trump vẫn còn cả bộ máy chính quyền và Quốc hội phức tạp, không phải mọi thứ cam kết khi tranh cử đều có thể được triển khai.
Khi tranh cử, ông Trump cảnh báo sẽ cân nhắc việc rút quân đội khỏi các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản (thậm chí cả ở Hàn Quốc), nếu họ không chịu trả chi phí để Mỹ duy trì các lực lượng vũ trang ở đây. Có nhận định cho rằng việc ông Trump đưa ra ý tưởng cân nhắc rút quân đội khỏi các nước đồng minh như vậy không hẳn là để gây khó dễ cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á mà để các nước như Nhật Bản chủ động mở rộng quy mô quân đội, thúc đẩy Hàn Quốc kết nối vào kế hoạch triển khai tên lửa THAAD... ông có nhận định gì về suy luận này?
Theo tôi, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc hay Nhật Bản là rất quan trọng đối với cả Mỹ và khu vực. Mỹ không thể bỏ được vì các mối quan hệ đồng minh này rất có lợi cho Mỹ và nước Mỹ đã xây dựng mối quan hệ này từ nhiều thập kỷ qua, không thể dễ dàng từ bỏ chỉ sau một hai lần phát ngôn. Dù ai làm Tổng thống thì lợi ích quốc gia của Mỹ là không thay đổi.
Nhưng cách chơi với đồng minh của Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ thay đổi theo hai hướng. Một là nhiều khả năng Mỹ sẽ để Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn về mặt an ninh – quốc phòng và đã có biểu hiện cho thấy hiện tượng đó.
Hai là đồng minh sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, tức là phải hiện diện nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, giữ vai trò lớn hơn cả về chính trị, cả về an ninh – quốc phòng lẫn vai trò trong các thiết chế ở khu vực. Những điều này được ông Trump thể hiện khá rõ.
Như vậy, việc ông Trump rút quân đội sẽ không hoàn toàn xảy ra. Thậm chí, theo tôi, ông Trump không những không rút mà còn tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực. Xin lưu ý rằng ông Trump không phải là người có quan điểm chính thống của Đảng Cộng hòa nên nhiều khả năng tiếng nói của các cố vấn, của Quốc hội sẽ rất quan trọng.
Về chính sách đối ngoại của ông Trump ở châu Á, một trong những chủ đề được giới quan sát rất quan tâm đó là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo nhìn nhận của ông, với một số những biểu hiện căng thẳng gần đây, liệu mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có bước vào một giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ đối đầu toàn diện trong tương lai hay không?
Về quan hệ Mỹ - Trung, khả năng đối đầu là khó, đối đầu toàn diện lại càng không, nhưng cạnh tranh thì có. Quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh, hai nước đang có hơn 100 cơ chế hợp tác khác nhau, nên sự đan xen lợi ích là rất lớn. Hai bên không thể bỏ nhau được. Nhưng Mỹ và Trung sẽ cạnh tranh nhau trong một số lĩnh vực.
Thứ nhất, Trung Quốc đang muốn vươn lên trở thành số 1 thế giới, điều này đã đụng chạm đến tôn chỉ “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump, nên chắc chắn nước Mỹ sẽ làm mọi cách để bảo vệ “sự vĩ đại” của họ.
Thứ hai, cạnh tranh và hợp tác có giới hạn của nó, đây chủ yếu là cạnh tranh chiến lược, và không dẫn đến đổ vỡ.
Trung Quốc cũng không muốn lao vào cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ. Bài học của Liên Xô khi lao vào cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ vẫn còn đó, Trung Quốc sẽ không dại gì đi vào vết xe đổ này. Cho nên, những nhận xét về mối quan hệ Mỹ - Trung cần thận trọng, có một số điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung đang suy giảm và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.
Thứ hai, những biểu hiện sơ bộ ban đầu vừa qua cho thấy nhiều khả năng sự cọ xát giữa quan hệ Mỹ - Trung sẽ tăng. Ông Trump đã từng nêu vấn đề Trung Quốc thao túng đồng NDT, chính sách một Trung Quốc, vấn đề Đài Loan, vấn đề sở hữu trí tuệ… để gây sức ép với Trung Quốc.
Đáng chú ý, ông Trump là một chuyên gia về mặc cả và thỏa hiệp, nên rất nhiều khả năng ông đưa ra các vấn đề này, không phải là để đối đầu toàn diện, mà là một cách để “ra giá”, để mặc cả nhằm đạt được một vài lợi ích nào đó. Việc ông Trump chọn Rex Tellerson, Henry Kissinger càng củng cố thêm giả thiết này, vì cả Rex Tellerson và Henry Kissinger đều đã từng là các chuyên gia đàm phán hàng đầu thế giới.
Do vây, tôi cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung đang tiềm ẩn cả cơ hội và rủi ro. Cần theo dõi chặt chẽ quan hệ Mỹ - Trung. Trước đây, ông Obama coi Nga là đối thủ, coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Nhiều khả năng ông Trump sẽ coi Nga là đối tác, còn coi Trung Quốc là đối thủ. Điều này sẽ có tác động sâu rộng tới cục diện khu vực trong những năm tới.
Hôm 14/12/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Là chuyên gia chuyên nghiên cứu về quan hệ ngoại giao Việt Nam và ngoại giao quốc tế, ông có nhìn nhận gì về cuộc điện đàm đáng chú ý này? Dù hiện nay còn khá sớm để phán đoán về chính sách cụ thể của ông Trump trong quan hệ với Việt Nam - một trong những đối tác toàn diện của Hoa Kỳ, nhưng ông có thể đưa một vài nhận định sơ lược?
Ở thời điểm hiện nay, ông Trump chưa chính thức nhậm chức nên chưa thể khẳng định quan hệ Việt – Mỹ sẽ như thế nào. Nhưng sơ bộ có mấy điểm đáng chú ý thế này:
Qua cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trump, có nhiều dấu hiệu tích cực đối với quan hệ Việt – Mỹ trong những năm tới.
Dấu hiệu tích cực thứ nhất là việc ông Trump nhận lời trao đổi qua điện thoại. Hơn nữa, cá nhân ông Trump đánh giá cao mối quan hệ Việt - Mỹ. Thật ra, việc đánh giá cao mối quan hệ Việt - Mỹ không chỉ riêng ông Trump, mà cả chính quyền Mỹ, cả hai Đảng ở Mỹ đều có sự đồng thuận trong thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ. Như vậy đây là đà rất thuận lợi.
Dấu hiệu thứ hai là ngày càng có nhiều người Mỹ đến Việt Nam và họ đã thay đổi nhận thức về Việt Nam. Trước đây, người dân Mỹ chỉ nhận thông tin một chiều về Việt Nam, thậm chí, không ít người còn cho rằng ở Việt Nam vẫn đang có chiến tranh (!).
Nhưng khi đến Việt Nam, họ thực sự rất ngạc nhiên khi chứng kiến một đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và mến khách. Xu hướng thay đổi cách nhìn nhận của người dân Mỹ về Việt Nam là rất tích cực.
Tôi cho rằng, chúng ta có nền tảng ngày càng vững chắc để xây dựng mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển, có lợi cho cả hai bên, cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Trong thời gian tới, quan trọng nhất là nắm bắt được “cách chơi” đã thay đổi. Theo tôi, ông Trump rất khác với ông Obama và chính quyền Đảng Dân chủ, vì vậy Việt Nam không thể dùng cách cũ để “chơi” với chính quyền mới. Tôi cho rằng "cách chơi" với chính quyền mới ở Mỹ nên cụ thể, thực tế và lấy hiệu quả làm đầu.
Như vậy, tới đây, nhiều thứ sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp, còn điều chỉnh như thế nào thì phải đợi đến sau ngày 20/1 mới biết rõ được.
Xin cảm ơn ông!