|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục chậm tiến độ và phải vay thêm vốn. |
Lo ngại về những tồn tại trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc không phải là mới, nhưng vẫn là chủ đề nóng được các chuyên gia kinh tế quan tâm hiện nay.
Nỗi lo nhập siêu, chưa là gì cả!.
Tại hội thảo về kinh tế vĩ mô vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thâm hụt thương mại với Trung Quốc có xu hướng ngày càng gia tăng là vấn đề nổi bật của nền kinh tế.
Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc suốt từ năm 2001 đến nay và con số này ngày càng lớn. Năm 2001 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 189 triệu USD thì năm 2014 đã lên tới gần 30 tỷ USD.
Tính đến 6 tháng năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc đã đạt tới gần 17 tỷ USD (Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam).
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Bá lại cho rằng nhập siêu thương mại vẫn “chưa là gì cả” so với nỗi lo tới hơn 90% dự án trọng điểm của Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.
“Điều đáng nói, Trung Quốc không muốn Việt Nam mạnh. Nhà thầu Trung Quốc phần không có lực, phần có lực cũng không làm nên dự án đầu tư ký kết chỉ 5 năm, nhưng kéo dài đến 15 năm. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ, nay lại phải vay thêm 250 triệu USD nữa”, ông Bá nói.
Ông Bá lo lắng nền “kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào nếu cứ tiếp tục dựa vào kinh tế Trung Quốc?”. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần bỏ nhiều thời gian công sức hơn để nghiên cứu về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
“Nền kinh tế phải đa dạng. Nhất định không được phụ thuộc kinh tế vào một nước nào, dù là Mỹ hay là Trung Quốc…”, ông Bá nhấn mạnh.
Bài học thì nhiều, chủ yếu có học hay không?
Liên quan đến thị trường chứng khoán Trung Quốc “đổ vỡ”, nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là bài học với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo TS. Lưu Bích Hồ,nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì cần thiết phải xem xét sự đổ vỡ của chứng khoán Trung Quốc có ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam. Việt Nam phải lấy đó làm bài học trong việc sử dụng nguồn vốn, đừng nghĩ Trung Quốc lúc nào cũng ghê gớm.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: Bài học quốc tế thì nhiều lắm, nhưng chủ yếu có học hay không thôi.
Còn theo ý kiến của TS. Lê Đăng Doanh: “Nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sập thì nhà đầu tư sẽ chạy sang nước ta. Tôi thấy điều này chưa chắc. Cầu của nền kinh tế Trung Quốc rất kém, trong khi cung dư thừa, hàng hóa nước này sẽ tràn sang Việt Nam”.
Thực tế, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó có nhiều mặt hàng vốn là chủ lực của Việt Nam đang giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó tình trạng nhập khẩu các loại thịt động vật, rau, củ quả từ Trung Quốc lại tràn lan.
Hàng Trung Quốc vừa rẻ, vừa cung ứng nhanh, có rất nhiều lợi thế khi chính sách của Việt Nam thay đổi. Điển hình cho nhận định này là việc từ đầu năm đến nay, lượng nhập khẩu ô tô vận tải từ Trung Quốc gia tăng, đặc biệt là xe tải vì chính sách siết chặt xe chở quá trọng tải.
“Hàng Trung Quốc vừa nhanh, vừa rẻ nên xe được nhập về ngay. Đây là phản ứng tự nhiên của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi, nhưng phản ứng này tiềm ẩn rủi ro”, TS. Nguyễn Đình Cung lo lắng.
MẠNH NGUYỄN theo BizLive