|
LỜI TÒA SOẠN
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), báo VietNamNet trân trọng gửi tới quý độc giả những bài viết, câu chuyện, ký ức, kỷ niệm… khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Quân đội anh hùng.
Dấu son đầu tiên chính là sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944. 17h ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa địa bàn của hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngày nay), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố Chỉ thị của Hồ Chí Minh và đứng ra thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đội được biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 chính là đội quân chủ lực chính quy đầu tiên của QĐND Việt Nam.
Ngay từ khi vừa mới thành lập, đội quân chủ lực đầu tiên này đã tạo lập nên dấu ấn thứ 2 vô cùng quan trọng của QĐND Việt Nam anh hùng - đó chính là truyền thống đánh tiêu diệt, chắc thắng và đánh thắng trận đầu.
Để làm tròn vai trò là đội tuyên truyền để xây dựng, phát triển lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”. Thực hiện chỉ thị này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã họp bàn với Chi bộ đảng và Ban Chỉ huy đội, quyết định chiến đấu ngay sau khi thành lập Đội.
Để đảm bảo yếu tố, mục tiêu đánh thắng trận đầu để gây truyền thống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Ban Chỉ huy, lãnh đạo Đội đã quyết định chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần để tổ chức đánh địch.
17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập và đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và sáng ngày 26/12/1944 lại đột nhập vào đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình, nay thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), giết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng. Đây là hai chiến thắng đầu tiên của đội quân chủ lực chính quy tập trung của QĐND Việt Nam ngay sau khi vừa mới thành lập. Chiến thắng ở Phai Khắt, Nà Ngần đã tạo nền móng hình thành nên truyền thống đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt và đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
Sau chiến thắng quan trọng này, tháng 4/1945, để đẩy mạnh việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định hợp nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng với các tổ chức vũ trang khác để thành Việt Nam Giải phóng quân. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, ngày 15/5/1945, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Đây có thể coi là dấu ấn thứ 3 trong chặng đường hình thành và phát triển 80 năm của QĐND Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam Giải phóng quân là lực lượng nòng cốt để xây dựng quân đội của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11/1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân với quân số khoảng 50.000 người. Ngày 22/5/1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu.
Cơn chấn động địa cầu
So với quân đội Pháp, về cơ bản, bộ đội chủ lực của ta được trang bị vũ khí và khí tài, quân tư, quân trang còn thiếu và lạc hậu rất nhiều. Thế nhưng, quân đội thực dân Pháp đã thất bại khi đối đầu với Quân đội Quốc gia Việt Nam non trẻ. Họ đã bị đội quân non trẻ này giam chân tại các đô thị, và gục ngã khi thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, đổ bể chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, buộc phải chấp nhận chuyển sang đánh lâu dài với quân và dân ta. Thắng lợi trong chiến dịch giam chân địch trong lòng các đô thị cuối năm 1946 và cuộc mai phục, phản công trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 là dấu mốc quan trọng thứ 4 trong hành trình 80 năm trưởng thành, phát triển của QĐND Việt Nam.
Tiếp đó, chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Biên giới năm 1950 ở Đông Khê, Thất Khê chính là dấu ấn thứ 5 của QĐND Việt Nam anh hùng. Chiến thắng này đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng thủ biên giới Việt - Trung của thực dân Pháp ở cánh cung Đông Bắc Việt Nam.
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Dấu ấn thứ 6 chính là thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếng sấm này đã thực sự tạo ra cơn chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên truyền thống quyết đánh, quyết thắng và biết đánh, biết thắng của Bộ đội Cụ Hồ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và thắng lợi này đã tạo đà, tạo nền tảng buộc người Pháp phải cúi đầu, chấp nhận thua cuộc và rút về nước.
Ngày 24/9/1954, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Quyết định số 400/TTg quy định "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là: QĐND Việt Nam". Danh xưng này được sử dụng cho đến ngày nay. Như vậy, đây là dấu ấn quan trọng thứ 7 trong hành trình 80 năm xây dựng và phát triển của QĐND Việt Nam.
Dấu ấn quan trọng tiếp theo chính là những chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước giai đoạn 1954-1975. Thắng lợi vĩ đại trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 là mốc son chói lọi. Tiếp theo đó là những thắng lợi của QĐND Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh biên giới.
Một trong những dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử 80 năm xây dựng và phát triển của QĐND Việt Nam anh hùng, đó chính là việc ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 22/12/1944 là Ngày thành lập QĐND Việt Nam đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội và ngoại giao
Trong quá trình tiến hành đổi mới, với quan điểm hội nhập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, phòng thủ đất nước từ sớm, từ xa, QĐND Việt Nam tiếp tục có những dấu ấn mới.
QĐND Việt Nam đã bảo vệ được vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, tạo ra sự ổn định về an ninh, quốc phòng, tạo đà cho sự phát triển về kinh tế - xã hội và ngoại giao của đất nước; thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc tế; truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, thủy chung; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, góp phần giữ vững hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các quốc gia; tạo thế và lực mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình…
Và có lẽ, dấu ấn tốt đẹp nhất trong quá trình đổi mới mà QĐND Việt Nam anh hùng đã tạo dựng được đối với quần chúng nhân dân, đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế, đó chính là những đóng góp với việc phòng, chống dịch Covid 19 và phòng chống, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Hình ảnh những y, bác sĩ quân y và các cán bộ, chiến sĩ của nhiều quân binh chủng lao vào tuyến đầu để dập dịch; rồi những hình ảnh cứu hộ, cứu nạn ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai trong đợt mưa lũ vừa qua ở miền Bắc… sẽ mãi mãi là hình ảnh đẹp về người Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ đã thực sự vì nhân dân quên mình, vì nhân dân đấu tranh. Đây hẳn là dấu ấn tươi đẹp và sẽ còn mãi, nối dài thêm lịch sử vẻ vang của QĐND Việt Nam.