|
Nhà báo |
Sau vụ “đặt tên” trạm thu phí thành “thu giá”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục gây “sóng gió” trong dư luận với đề xuất “mất bằng lái phải thi lại” để tránh gian dối khi đổi bằng. Quan điểm của người đứng đầu Bộ GTVT đã hé lộ nhiều vấn đề trong ngành mà ông là người đứng đầu.
Trước hết, ý kiến này cho thấy Bộ trưởng Thể rất lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp quản lý an toàn giao thông, dẫn đến sự luẩn quẩn “không hề nhẹ”. Bởi những người mất bằng lái xe phải đổi không hoàn toàn là những người gian dối, mà nhiều người do bị trộm, cướp, do thiên tai, hỏa hoạn vv... và nhiều lý do bất khả kháng khác nữa. Những trường hợp như thế đáng ra cần phải có sự hỗ trợ giải quyết nhanh chóng của cơ quan chức năng để cuộc sống không bị xáo trộn. Nhưng việc đề xuất phải thi lại chính là tiếp tục đẩy các nạn nhân thật sự bị mất bằng đã khó khăn càng khó khăn thêm. Như vậy, yêu cầu mất bằng phải thi lại của Bộ trưởng Thể không hề vì quyền lợi của người dân, mà là theo kiểu “không quản được thì cấm”.
|
Giấy phép lái xe hiện có mã số, tem kiểm định chống làm giả, vì thế, kiểm tra mã số là có thể biết thông tin về người sử dụng phương tiện có vi phạm hay không.
|
“Giải pháp” mất bằng phải thi lại của Bộ trưởng Thể cũng bộc lộ sự lạc hậu của ngành GTVT trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước. Hơn nữa, các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông …đã được Chính phủ chỉ đạo ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội và ngành y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều bệnh viện, nên chỉ cần nhập tên một người đến khám bệnh là lập tức Trung tâm dữ liệu cung cấp toàn bộ thông tin y tế của người đó, nên hạn chế được việc lạm dụng bảo hiểm y tế, cũng như giảm thời gian chờ khám bệnh. Thế nhưng, ngành giao thông có vẻ như đứng ngoài cuộc, khi có mỗi việc kiểm soát những người đến làm lại bằng xem có ai vi phạm do thu bằng, ai không, mà cũng không biết thì … chịu Bộ trưởng thật!
Gần 10 năm trước, Bộ GTVT và Bộ Công an đã có thông tư liên tịch để phối hợp, trao đổi thông tin về cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, song theo Cục Cảnh sát giao thông thì số lượng bằng lái xe bị tạm giữ rất nhiều so với số được cập nhật trong hệ thống dữ liệu lái xe. Điều này cho thấy việc quản lý dữ liệu của ngành GTVT chưa theo kịp tình hình và đây mới chính là nguyên nhân dẫn đến việc người vi phạm có thể gian dối nếu bị thu bằng do vi phạm.
Những dữ liệu của người được cấp giấy phép lái xe vẫn được lưu trữ và do Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý. Giấy phép lái xe hiện có mã số, tem kiểm định chống làm giả, vì thế, kiểm tra mã số là có thể biết thông tin về người sử dụng phương tiện có vi phạm hay không.
Lẽ ra, thay vì đưa ra một “giải pháp” kéo lùi lịch sử” như thế, ngành GTVT nên cải tổ mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin cho phù hợp với thực tế, bằng việc xây dựng hệ thống phần mềm kết nối, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan xử lý vi phạm giao thông với cơ quan cấp giấy phép lái xe để phát hiện kịp thời và xử lý những trường hợp cố tình gian lận. Khi việc liên thông dữ liệu giữa ngành giao thông và công an có hiệu quả, thì không khó khăn gì để phát hiện ra người cố tình đổi bằng đã bị hủy, bằng giả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt lại việc tổ chức thi, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các Trung tâm đào tạo lái xe.
Mặt khác, quan điểm cho rằng người mất bằng lái xe phải thi lại cũng khiến người ta không khỏi nghĩ đến vấn đề lợi ích nhóm trong việc đào tạo cấp giấy phép lái xe, khi các cơ sở đào tạo đang nở ra như nấm sau mưa và tìm mọi cách để chiêu sinh.
Chính phủ điện tử là vấn đề cần thiết mà Nhà nước đang tìm cách đẩy nhanh, nếu các bộ ngành không muốn chung tay, thì thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, sẽ lại đẻ ra những chính sách mang lại phiền hà hơn cho dân.