|
Tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom về kế hoạch điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn 2 được nhiều quan chức và học giả các nước ủng hộ, nhưng Trung Quốc bác bỏ (Ảnh: WHO). |
Ngày 27/7, Ủy ban Đổi mới, Nghiên cứu, Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên Liên minh châu Âu đã cùng với các quan chức và chuyên gia tư vấn của các cơ quan khoa học và công nghệ của Australia, Mỹ và Nhật Bản ra một tuyên bố chung ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lãnh đạo tiến hành giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19.
Đáp lại, phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu tuyên bố rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối hành vi thao túng chính trị nhân danh các cuộc điều tra khoa học công khai và minh bạch”.
|
Ngày 23/7, tiếp ông Tedros Adhanom đến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Motegi Toshimitsu bày tỏ ủng hộ kế hoạch điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn 2 của WHO (Ảnh: Dwnews). |
Phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh: “Việc bôi xấu Trung Quốc vì dịch bệnh, dán nhãn cho vi rút và chính trị hóa việc truy xuất nguồn gốc đã gây nhiễu nghiêm trọng và phá hoại sự hợp tác quốc tế nghiên cứu truy xuất nguồn gốc, đồng thời tạo ra khó khăn và gây trở ngại cho các quốc gia trong việc chống dịch và cứu người; chúng tôi cần phải từ chối".
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu cho rằng vào đầu năm 2021, một nhóm chuyên gia chung gồm các chuyên gia có thẩm quyền quốc tế từ 10 quốc gia và các chuyên gia của Trung Quốc đã thực hiện một nghiên cứu chung kéo dài 28 ngày và phát hành một báo cáo nghiên cứu chung tại Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng, “việc xây dựng báo cáo này tuân theo quy trình của WHO, áp dụng các phương pháp khoa học, thể hiện tính thẩm quyền và tính khoa học, được cộng đồng quốc tế công nhận và tôn trọng, tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc toàn cầu...Bản báo cáo nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và WHO do WHO ban hành này nên được duy trì...Những tiếng nói khách quan và hợp lý này cần được tôn trọng và coi trọng".
|
Ông Lương Vạn Niên (trái), Trưởng đoàn Trung Quốc và các thành viên Nhóm điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO trước cuộc họp báo công bố kết quả hồi tháng 2/2021 (Ảnh: AP). |
Phái đoàn Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc khuyến cáo các bên liên quan ngừng thao túng chính trị đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, ngừng sử dụng vấn đề truy xuất nguồn gốc để đổ lỗi, ngừng cố ý phá hoại việc hợp tác quốc tế nghiên cứu truy xuất nguồn gốc, có thái độ khoa học thực sự có trách nhiệm và hợp tác với cộng đồng quốc tế để đấu tranh chiến thắng dịch bệnh, đóng góp thích đáng cho việc bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của nhân loại”.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 16/7 đã đề xuất kế hoạch khởi động giai đoạn hai cuộc điều tra về nguồn gốc của loại virus vương miện mới ở Trung Quốc.
Đáp lại, ngày 22/7, ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (Thứ trưởng Bộ Y tế), tuyên bố: “Giai đoạn hai của kế hoạch truy xuất nguồn gốc vi rút của WHO coi “Trung Quốc vi phạm các quy tắc phòng thí nghiệm gây nên rò rỉ vi rút là một trong những trọng điểm nghiên cứu, điều này cho thấy thái độ ngạo mạn khoa học và thiếu tôn trọng kiến thức thông thường”.
|
Ông Tăng Ích Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận kế hoạch điều tra giai đoạn 2 của WHO (Ảnh: china). |
Tăng Ích Tân tuyên bố thẳng thừng "Chúng tôi không thể chấp nhận một kế hoạch như vậy".
Các nhà dịch tễ học Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc từ chối WHO đến Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm nguồn gốc SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến sự tái phát của những vụ dịch như vậy trong tương lai và Trung Quốc có thể là nạn nhân lớn nhất của đại dịch tiếp theo. Các cơ quan truyền thông cũng đưa tin rằng việc Trung Quốc từ chối kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO sẽ làm gia tăng nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc cố ý thiết kế (intentionally engineered) để cố tình che đậy SARS-CoV-2.
"Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta cần phải hiểu nguồn gốc của loại coronavirus chủng mới", Giáo sư Peter Hotez, Viện trưởng Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor ở Houston và là đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển Vắc xin Bệnh viện Nhi đồng Texas, nói.
“Bây giờ là COVID-19, sau này sẽ có COVID-26 và COVID-32 trong tương lai, vì vậy chúng ta phải cần hiểu nguồn gốc của nó”. Ông Hotez cho rằng để ngăn chặn đại dịch tiếp theo, chúng ta phải tìm ra nguồn gốc đại dịch lần này.
|
Giáo sư Peter Hotez: để ngăn chặn đại dịch tiếp theo, chúng ta phải tìm ra nguồn gốc đại dịch lần này (Ảnh: AP). |
Cùng ngày 22/7, chính phủ Mỹ đã có phản hồi trước việc Trung Quốc không chấp nhận kế hoạch của WHO. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói, Mỹ thất vọng về việc Trung Quốc từ chối giai đoạn hai của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 của Tổ chức Y tế Thế giới, và nói rằng lập trường của Trung Quốc là "vô trách nhiệm" và "nguy hiểm".
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tất cả các nước hợp tác điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic nói: "Việc truy xuất nguồn gốc của virus không liên quan đến chính trị, và nó không liên quan đến các cáo buộc lẫn nhau. Làm thế nào mầm bệnh xâm nhập vào quần thể người dân là yêu cầu cơ bản mà tất cả chúng ta phải cố gắng hiểu. Với ý nghĩa này, các quốc gia có trách nhiệm làm việc cùng nhau và hợp tác với WHO trên tinh thần đối tác".
|
Ông Tarick Jasarevic, người phát ngôn của WHO: các quốc gia có trách nhiệm làm việc cùng nhau và hợp tác với WHO để tiến hành điều tra (Ảnh: TRT). |
Giáo sư Hotez cho rằng việc Trung Quốc từ chối truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 sẽ tự chịu hậu quả . "Không chỉ chúng ta phải tìm hiểu, mà người Trung Quốc cũng cần phải hiểu, bởi vì họ là những người chịu thiệt hại lớn nhất, bởi vì dịch bệnh lần này là đại dịch thứ hai ở Trung Quốc (sau dịch SARS năm 2003), và họ không hiểu nguyên nhân của gây nên dịch. Nếu - không phải nếu, mà khi một đại dịch mới tiếp theo lại bùng phát từ Trung Quốc, họ sẽ là những người thiệt hại lớn nhất, giống như nhiều dịch cúm", Hotz nói.
Jamie Metzl, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Điều này thật quá đáng!”, Metzl nói: “Ngăn cản một cuộc điều tra toàn diện như khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là một sự xúc phạm đối với tất cả những người đã chết trong thảm kịch có thể tránh được này và các thành viên gia đình của họ”.
Ông Metzl kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngay lập tức thay đổi phương hướng của mình, "cho phép điều tra toàn diện về nguồn gốc của đại dịch, đồng thời cho phép truy cập đầy đủ và không hạn chế vào tất cả các hồ sơ, mẫu và nhân sự có liên quan ở Trung Quốc".
|
Nhà nghiên cứu Jamie Metzl: ngăn cản điều tra là một sự xúc phạm đối với tất cả những người đã chết trong thảm kịch có thể tránh được này và các thành viên gia đình của họ (Ảnh: AP). |
Ông Richard Ebright, Giám đốc Viện Vi sinh vật Waxman tại Đại học Rutgers, cũng nói rằng việc Bắc Kinh từ chối kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO là “vô đạo lý và không hợp lý”. Ông đã trả lời yêu cầu bình luận qua email của VOA, nêu rõ: “Đây không phải là một phản hồi từ một quốc gia muốn làm sạch danh tiếng của mình. Đó cũng không phải là phản hồi từ một quốc gia muốn trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 15/7 đã công bố giai đoạn hai của kế hoạch truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2, trọng điểm là "yêu cầu Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác", đặc biệt là yêu cầu Trung Quốc cung cấp "thông tin và dữ liệu gốc thời kỳ bắt đầu đại dịch”.
Ngày hôm sau, ông Tedros nói rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc sẽ bao gồm “việc thanh tra các phòng thí nghiệm và tổ chức nghiên cứu có liên quan đang hoạt động nơi trường hợp người đầu tiên mắc bệnh được phát hiện vào tháng 12/2019”.
|
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Span: sự hợp tác của Trung Quốc trong cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc giai đoạn đầu “rõ ràng là chưa đủ”(Ảnh: Deutsche Welle) |
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Span, người đã tham dự cuộc họp với Tedros vào ngày 15/7, cũng cho rằng sự hợp tác của Trung Quốc trong cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc giai đoạn đầu “rõ ràng là chưa đủ”. Ông trích lời kêu gọi của lãnh đạo Nhóm 7 nước (G7) tiến hành thêm các cuộc điều tra và thúc giục “Trung Quốc tăng cường hợp tác để điều tra nguồn gốc của loại virus này”.
Trang tin Mỹ Politico dẫn lời Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói ông cho rằng việc Trung Quốc từ chối điều tra sẽ làm dấy lên suy đoán về việc virus này xuất hiện ở Trung Quốc như thế nào. "Điều này khiến mọi người nghi ngờ rằng đây là một loại virus nhân tạo được cố tình thả ra".
Jamie Metzl, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng dưới thời chính quyền Clinton, nói rằng phần còn lại của thế giới không thể cho phép Trung Quốc có quyền phủ quyết đối với cuộc điều tra về đại dịch tồi tệ nhất trong thế kỷ này. "Do đó, trong khi chúng ta tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức quá trình này, chúng ta cũng cần bắt đầu tổ chức và thực hiện các giải pháp thay thế cho cuộc điều tra quốc tế".
Ông Metzl nói rằng một giải pháp thay thế như vậy "có thể thông qua Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thông qua Nhóm G7, hoặc một số tổ chức khác", Ông cũng kêu gọi Mỹ “thành lập Ủy ban quốc gia về COVID-19 lưỡng đảng của riêng chúng ta" để điều tra nhiều vấn đề trong đó có nguồn gốc của đại dịch ở Trung Quốc. Tôi tin rằng các quốc gia khác cũng nên làm như vậy".
|
Viện Virus Vũ Hán là một trọng điểm trong kế hoạch điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn 2 của WHO (Ảnh: AP). |
Đồng thời với việc bác bỏ kế hoạch truy xuất nguồn gốc giai đoạn hai của WHO, họ cũng đang thúc đẩy tường thuật truy xuất nguồn gốc chính thức của chính quyền Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc gần đây đã phát động thu thập chữ ký vào Thư ngỏ kêu gọi WHO điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick của quân đội Mỹ. Thời báo Hoàn cầu cho biết số lượng người đồng ký tên đã vượt quá 10 triệu vào ngày 25/7, và tuyên bố rằng "máy chủ thu thập chữ ký đã bị tấn công mạng từ nước Mỹ".
Trong một bài viết đăng ngày 25, Politico dẫn lời Chris Beyrer, Giáo sư về Sức khỏe cộng đồng và Nhân quyền tại Đại học Johns Hopkins: “Tôi cho rằng Trung Quốc hiện đã chuẩn bị một bản tường thuật chính thức về đại dịch và họ rất tích cực thúc đẩy nó, nó khiến họ không có cơ hội kiểm tra lại câu chuyện mà họ tuyên bố là đã thành công trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh".