|
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: Zeit) |
Sự đoàn kết mà EU từng thể hiện sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang bắt đầu “vỡ vụn”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đưa ra nhận định. Lời cảnh báo xuất hiện ngay trước hội nghị thượng đỉnh của khối này để thảo luận về các đòn trừng phạt mới nhằm vào Moscow và có khả năng là một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
“Sau khi Nga tấn công Ukraine, chúng ta đã nhận thấy điều gì có thể diễn ra khi châu Âu đoàn kết. Nhìn vào hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào ngày mai, hãy cùng hy vọng rằng sự đoàn kết đó sẽ tiếp diễn. Nhưng nó đang bắt đầu vụn vỡ” – ông Habeck nói trong một cuộc họp báo tổ chức ngày 29/5.
EU hiện đang bất đồng sâu sắc về một lệnh cấm dầu nhập khẩu từ Nga, trong đó nhiều nước thành viên nêu quan ngại rằng động thái này có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế của họ. Hungary, hiện đang phải dựa dẫm nặng nề vào dầu của Nga, đã trở thành bên phản đối mạnh mẽ nhất lệnh cấm này, thậm chí còn so sánh lệnh cấm dầu Nga với “một trái bom nguyên tử”. Những quan ngại tương tự về lệnh cấm cũng được một số nước khác như CH Séc và Slovakia đưa ra.
Đầu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã đưa ra lời giải thích tại sao EU vẫn phải mua dầu của Nga.
“Nếu chúng ta cấm hoàn toàn và ngay lập tức dầu của Nga, Tổng thống Putin có thể lấy lượng dầu mà ông ta định bán cho EU để mang ra thị trường thế giới, giá dầu sẽ tăng, và sẽ bán được nhiều hơn – điều đó sẽ làm đầy túi tiền phục vụ cho chiến tranh của ông ta” – ông Von der Leyen nói trong cuộc phỏng vấn với MSNBC.
Các nhà ngoại giao EU đã cố gắng thỏa thuận về một giải pháp chung liên quan tới lệnh cấm dầu Nga, bắt đầu từ một lệnh cấm nhập dầu Nga qua đường biển trong khi vẫn giữ nguyên lượng dầu được dẫn qua các đường ống. Tuy nhiên, nỗ lực này hoàn toàn thất bại, và bởi vậy mà giờ các nước EU sẽ phải nhóm họp một lần nữa trong hôm 30 và 31/5.
EU đã áp nhiều gói lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Ukraine trong tháng 2.