Thừa nhận Bộ chưa có báo cáo đánh giá theo yêu cầu của Thủ tướng, nguồn tin của báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cũng cho hay, trong ít ngày nữa Bộ Công thương sẽ có phương án trình lên Chính phủ.
Cũng trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành công thương diễn ra ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại câu chuyện không thể ném tiền vào để cứu các dự án thua lỗ, chậm trễ triển khai, mà ví dụ cụ thể được nhắc tới là Gang thép Thái Nguyên. “Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa", Thủ tướng nói.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hồi tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập, đánh giá toàn diện dự án, trong đó có phương án bán dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án.
Đồng thời phải làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), tổng mức đầu tư của dự án mở rộng sản xuất gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế Xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu MCC.
Ngoài đề xuất Chính phủ rót thêm vốn để hoàn thiện dự án, để đảm bảo tính hiệu quả khi triển khai tiếp, Tisco đã đưa ra một loạt kiến nghị về ưu đãi “khủng” về miễn tiền trả lãi vay, ưu đãi thuế… đối với dự án này.
Dự án này sau khi bị chậm tiến độ khoảng 8 năm và đã lên kế hoạch tái khởi động lại trong tháng 4/2016, tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn đang bất động.
Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử hồi cuối tháng 4/2016, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) - đơn vị nắm 42,11% vốn điều lệ tại Tisco cũng cho biết, nếu như Dự án không có được cơ chế thuế và ưu đãi như kiến nghị thì nên dừng luôn. “Cần có phương án cho phá sản hay tái cơ cấu, để các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực nhảy vào giải cứu Dự án. Dĩ nhiên, việc thu hút được nhà đầu tư tư nhân còn phụ thuộc vào cơ chế hỗ trợ, giải pháp cụ thể”, ông Đa nói và cho biết thêm, cần phải đối mặt với khó khăn và tìm giải pháp rõ ràng cho Dự án.
Theo báo cáo của Tisco, doanh nghiệp này đã chi cho dự án 4.565 tỷ đồng và mỗi tháng đang phải chịu riêng tiền lãi vay là 30 tỷ đồng.
Các chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, bên cạnh tìm lối thoát cho Dự án đang đầu tư dang dở, Tisco cần đẩy mạnh tái cơ cấu.
Hiện Tisco có 5.500 lao động với mức thu nhập trung bình là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty lãi 150 tỷ đồng. Tuy nhiên so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, các chuyên gia cũng cho rằng, điểm yếu lớn nhất của Tisco hiện nay là số lượng lao động quá lớn. “Một số doanh nghiệp sản xuất thép khác có sản lượng thép và phôi như Tisco có số lượng lao động làm việc thấp hơn rất nhiều. Để hiệu quả nhất, với năng lực hiện nay, số lao động tại Tisco chỉ cần khoảng 1.800-2.000 lao động. Bởi vậy nếu Tisco giảm được 50% lao động hiện có, hoạt động sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, một chuyên gia lâu năm trong ngành thép nhận xét với Baodautu.vn.
Theo Đầu tư