Thông tin với báo chí liên quan đến hoạt động của nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex - Hải Phòng), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Bộ Công Thương, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ liên quan đến lĩnh vực hóa dầu, nhà máy hoạt động thua lỗ, gặp khó khăn về tài chính, vốn cho sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, có những khoảng thời gian dự án phải ngừng sản xuất để thu xếp vốn lưu động, bảo dưỡng, sửa chữa, tiêu thụ sản phẩm tồn kho và giảm thiểu thiệt hại về tài chính trong thời điểm giá xơ sợi polyester giảm theo giá dầu thô.
Bộ trưởng Nên cho biết, ngày 13/3/2015 vừa qua, nhà máy đã hoạt động trở lại, vận hành ổn định theo thiết kế, chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể và đáp ứng được yêu cầu của thị trường, từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng trong và ngoài nước.
Đồng thời, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu một phần sản lượng của Nhà máy.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy.
"Tới đây, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng đề án tổng thể về các giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm phát huy hiệu quả dự án đã đầu tư và thực hiện lộ trình thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt", Bộ trưởng Nên thông tin.
Trước đó, từng nêu quan điểm về giải pháp xử lý nhà máy sản xuất sợi này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng khuyến cáo, nếu càng giữ lại nhà máy càng thua lỗ thêm, phải tính toán ngay phương án bán luôn nhà máy. Đây là một giải pháp thị trường nhất và hạn chế thiệt hại thêm cho Nhà nước.
"Bản thân doanh nghiệp khó có thể kiến nghị phương án bán nhà máy vì lỗ là mất vốn nhà nước, sẽ có người phải chịu trách nhiệm. Nhưng Nhà nước cần cân nhắc phương án hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế", ông Thiên nói.
Theo Bizlive