Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Giải quyết bài toán thiếu điện: Cách nào?" của CLB Café số, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc chứng kiến sự tăng trưởng nhanh về nhu cầu sử dụng điện, cao hơn rất nhiều so với miền Trung và miền Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chỉ có 3 dự án có công suất lớn được đưa vào vận hành gồm nhà máy nhiệt điện Hải Dương (1.200MW), Nghi Sơn 2 (1.200MW) và Thái Bình 2 (1.200MW).
Dù có công suất lắp đặt lên tới 1.200 MW, song công suất huy động của các nhà máy này chỉ đạt khoảng 600MW.
Tính đến năm 2020, hệ thống nhà máy điện tại Việt Nam có tổng công suất lắp đặt đạt 77.800MW, đứng đầu các nước ASEAN. Trong đó, EVN cùng 3 tổng công ty phát điện 1,2,3 và các công ty thành viên sở hữu 29.901MW, chiếm khoảng 38,4% tổng công suất phát điện trên cả nước. Phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư bên ngoài.
Cũng theo ông Lâm, EVN hiện nắm 100% hoạt động truyền tải điện. Trong khi đó, tập đoàn đang bán điện cho khoảng 92% khách hàng toàn quốc; 8% còn lại do các hợp tác xã, công ty cổ phần, doanh nghiệp phát điện bán trực tiếp trên địa bàn.
Về phân bổ nguồn, những năm qua, hệ thống điện năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh, song phần lớn tập trung ở những vùng tiềm năng như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Trong khi đó, khu vực miền Bắc phát triển chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện.
“Mặc dù nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhiều, nhưng không phát triển ở miền Bắc, phân bổ không đều. Đây là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt ở khu vực phía Bắc”, ông Lâm nhấn mạnh.
Chưa giải quyết được khó khăn ngắn hạn
Liên quan tới các dự án năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Hữu Khải – Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện cho EVN, cho biết những dự án này đã và đang có sự đóng góp đáng kể vào hệ thống điện quốc gia, song chưa giải quyết được khó khăn ngắn hạn của hệ thống điện tại miền Bắc.
Theo ông Khải, có khoảng 85 dự án điện gió, điện mặt trời không kịp hưởng cơ chế giá FIT, với tổng công suất lắp đặt 4.700MW.
Đến nay, có 9 nhà máy điện tái tạo đã được vận hành thương mại (COD) với công suất khoảng 470MW. Trong tháng 5/2023, các nhà máy điện này đóng góp khoảng 10 triệu KWh cho hệ thống điện.
EVN cũng đã nhận được 66 bộ hồ sơ trên 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, làm việc với 61 dự án, hoàn thành việc trình hợp đồng sửa đổi bổ sung cho 51 dự án.
Đối với 19 nhà đầu tư chưa gửi hồ sơ, vướng mắc chủ yếu liên quan đến các thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành việc giao đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan khác. Ngoài ra, có nhiều dự án chưa thu xếp đủ nguồn vốn, chưa tiến hành xây dựng.
“Trong số 85 dự án, mới có 41 dự án hoàn thành công tác xây dựng. Do đó, nếu 85 dự án này ký kết được hợp đồng mua bán điện đối với EVN ngay thì số lượng đưa vào vận hành là không lớn”, ông Khải nói./.