Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than. Đây là hai đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện của EVN.
Theo đó, EVN cho biết năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.
Vì vậy, EVN mong muốn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tiếp tục cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023; đồng thời xem xét giãn thời gian thanh toán tiền than cho EVN, các tổng công ty phát điện và các đơn vị thành viên.
Trước đó, các đơn vị phát điện trong EVN đã ký hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện năm 2023 với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc với tổng khối lượng than lần lượt là 17,98 triệu tấn và 7,05 triệu tấn, chủ yếu là than pha trộn nhập khẩu.
Theo lãnh đạo EVN, tình hình cấp than trong quý 1/2023 cơ bản đã đáp ứng được khối lượng hợp đồng, nhưng còn thiếu so với nhu cầu thực tế của hệ thống điện.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện than đạt 40,06 tỉ kWh, chiếm 46,5% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu, thấp hơn so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 do Bộ Công Thương ban hành.
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn không thuận lợi, sản lượng điện huy động từ các nhà máy điện than dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, với tổng sản lượng dự kiến huy động trong các tháng 5, 6, 7/2023 là 14,77 tỉ kWh, tương ứng nhu cầu than cần sử dụng đạt 7,17 triệu tấn, cao hơn khối lượng hợp đồng đã ký với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc (6,59 triệu tấn).
EVN đề nghị TKV và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký, đồng thời chia sẻ về những khó khăn trong tình hình tài chính, xem xét giảm giá than cho tập đoàn.
Sẵn tiền như TKV, Tổng Công ty Đông Bắc
Năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.235 tỉ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện, không tính tới thu nhập từ sản xuất khác.
Đáng nói là con số lỗ tỉ đô ấy có thể vẫn chưa tính hết. Bởi theo Bộ Công thương, năm 2022, EVN còn ghi nhận 14.725,8 tỉ đồng các khoản chưa hoạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, bao gồm các khoản chênh lệch giá theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện từ năm 2019 – 2022. Nếu tính cả khoản mục này thì số lỗ của EVN còn khủng khiếp hơn.
Trái ngược với tình cảnh khốn khó của EVN, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc lại khá sẵn tiền.
Cụ thể, báo cáo tài chính công bố mới nhất của TKV cho thấy, tại ngày 30/6/2022, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này đạt 7.307,6 tỉ đồng, tăng hơn 1.650 tỉ đồng so với đầu năm.
Trạng thái tài chính của TKV vào nửa cuối năm khả năng còn được cái thiện thêm nữa. Dù chưa cập nhật BCTC năm lên cổng, nhưng chia sẻ tại một sự kiện đầu năm 2023, TKV cho biết năm 2022 là năm TKV có lợi nhuận cao, ước đạt 8.100 tỉ đồng, tăng khoảng 4.600 tỉ đồng so với kế hoạch và tăng 154% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của Tổng Công ty Đông Bắc tại thời điểm 31/12/2022 đạt 1.363,2 tỉ đồng, cao gấp 12,9 lần so với cuối năm 2021.
Năm 2022, Tổng Công ty Đông Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 24.051,9 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 473,9 tỉ đồng, tăng lần lượt 30,4% và 30,7% so với năm trước, hoàn thành 151% mục tiêu doanh thu và 83% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Sang năm 2023, Tổng công ty Đông Bắc đặt kế hoạch tổng doanh thu 23.920 tỉ đồng, giảm 0,5% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 600 tỉ đồng, tăng 26,6% so với thực hiện năm 2022./.